Tín dụng bất động sản năm 2024 sẽ đi theo hướng nào?

Tốc độ phục hồi tín dụng phụ thuộc phần lớn vào sự phục hồi thanh khoản trên thị trường bất động sản, tuy nhiên, trong những tháng đầu năm 2024, tín dụng bất động sản tăng trưởng vẫn còn gặp nhiều khó khăn. 

Người mua vẫn “thờ ơ” dù lãi suất cho vay đã giảm

Ngay từ đầu năm 2024, lãi suất huy động tại hầu hết các ngân hàng đã có sự thay đổi, hạ xuống mức từ 6% trở xuống. Trong đó, những ngân hàng lớn như BIDV, Vietinbank, Agribank và Vietcombank đang niêm yết mức lãi suất huy động thấp nhất thị trường. 

Các ngân hàng đang đẩy mạnh cho vay mua nhà với mức lãi suất khá thấp, dao động chỉ khoảng từ 5 – 7%. Sau giai đoạn ưu đãi, lãi suất có thể thả nổi rơi vào khoảng từ 8 – 13%/năm. Dù vậy, tăng trưởng tín dụng đối với tiêu dùng bất động sản trong những tháng vừa qua vẫn không mấy khả quan.

tín dụng bất động sản
Những tháng đầu năm, tăng trưởng tín dụng đối với tiêu dùng bất động sản còn chậm. (Ảnh minh họa)

Theo ông Nguyễn Thanh Tùng, Tổng Giám đốc Vietcombank, nguyên nhân khiến tiêu dùng bất động sản suy giảm do bối cảnh kinh tế vẫn còn gặp khó khăn, thu nhập người dân giảm sút. Các dự án bất động sản mới cung ứng ra thị trường còn ít dẫn đến thị trường bất động sản trầm lắng kéo dài. Do các vướng mắc pháp lý trong lĩnh vực bất động sản vẫn còn nhiều khó khăn.

Bên cạnh đó, do biến động của tín dụng ngân hàng và phát hành trái phiếu khiến các doanh nghiệp bất động sản luôn trong tình trạng khát vốn, chưa thể triển khai được các dự án mới. Do đặc trưng vốn chủ sở hữu chưa đủ mạnh, hoạt động kinh doanh của các doanh nghiệp phần lớn phụ thuộc vào vốn vay. 

Trong khi tại các ngân hàng TMCP nhà nước, tín dụng tiêu dùng bất động sản vẫn đang ghi nhận sự sụt giảm thì tại nhóm ngân hàng thương mại cổ phần, phân khúc tín dụng này đang có sự tăng trưởng nhẹ trở lại kể từ đầu năm 2024. Điển hình, ngân hàng Techcombank ghi nhận tín dụng mua nhà tăng nhẹ 0,5% trong tháng 1/2024. 

dư nợ bất động sản
Các ngân hàng vẫn hướng cho vay bất động sản nhiều hơn. (Ảnh minh họa)

Tuy nhiên, theo đánh giá của các chuyên gia so với cùng kỳ năm 2023, tình hình thị trường bất động sản đã có những chuyển biến tích cực hơn, tâm lý người dân cũng dần trở lại sẽ là động lực cho sự phục hồi của thị trường sắp tới. Điều này sẽ kéo theo nhu cầu vay mua nhà sẽ gia tăng trở lại, tác động đến sự tăng trưởng tín dụng của các ngân hàng. 

Thực tế các ngân hàng vẫn hướng cho vay bất động sản nhiều hơn so với vay tiêu dùng, sản xuất kinh doanh. Bởi lẽ, trong bối cảnh kinh tế khó khăn, ngân hàng không lo “mất trắng” vì bất động sản vẫn được coi là tài sản bảo đảm, có giấy tờ pháp lý rõ ràng.

Hiện nay, các ngân hàng thương mại đang rất kỳ vọng, tín dụng bất động sản sẽ sớm phục hồi trong quý II/2024 sắp tới. Trong năm 2023, tín dụng bất động sản tăng 11,81% , chiếm 21,28% tổng dư nợ nền kinh tế, trong đó tín dụng kinh doanh bất động sản tăng 35,38%, tín dụng tiêu dùng bất động sản tăng 1,08%.

Kỳ vọng tín dụng bất động sản tăng trưởng 

Việt Nam vẫn còn nhiều dư địa để phát triển tín dụng bất động sản, khó khăn lớn của thị trường hiện nay là nguồn cung nhà ở còn thiếu, khi các dự án mới ra đời, lãi suất vay giảm xuống, nhu cầu vay mua sẽ tăng lên. Chính vì vậy, phía cơ quan quản lý cũng cần lưu tâm phát triển thị trường tài chính sao cho cân bằng, hài hòa. 

Ông Nguyễn Thế Điệp, Phó chủ tịch Câu lạc bộ Bất động sản Hà Nội cho rằng, việc sửa đổi và thông qua các luật như: Luật Kinh doanh bất động sản, Luật Nhà ở, Luật Đất đai sẽ giúp các vấn đề pháp lý trên thị trường bất động sản sớm được giải quyết. Thị trường bất động sản trong nửa cuối 2024 sẽ tích cực hơn, giúp tăng trưởng tín dụng có cơ hội cải thiện trong năm nay. 

Nguyễn Thế Điệp
Ông Nguyễn Thế Điệp, Phó chủ tịch Câu lạc bộ Bất động sản Hà Nội 

Ông Điệp dự báo: "Tăng trưởng tín dụng trong năm 2024 sẽ tăng lên 13 – 14% so với năm 2023, khi đó lãi suất cho vay tiếp tục được điều chỉnh ở mức ổn định hơn, việc kỳ vọng tăng trưởng tín dụng cao như vậy sẽ giúp thị trường bất động sản nhanh chóng phục hồi. Đến khoảng cuối năm 2024 sẽ là thời điểm thị trường phục hồi rõ nét nhất". 

Tuy nhiên, một số doanh nghiệp bất động sản cho rằng, các ngân hàng nên “cởi mở” hơn về các điều kiện cấp tín dụng để khơi thông dòng tiền chảy vào thị trường. Đặc biệt là về các thủ tục, phê duyệt hồ sơ cần đơn giản hóa, tiết kiệm thời gian và điều chỉnh lãi suất theo hướng giảm ổn định hơn. Ưu tiên các doanh nghiệp có phương án kinh doanh khả thi, có lịch sử tín dụng tốt. 

Ngoài ra, phía doanh nghiệp cũng mong muốn Chính phủ cho phép nới room tín dụng để tham gia tái cơ cấu thị trường bất động sản, kéo dài thời gian cơ cấu khoản vay, cho phép dùng 34% vốn ngắn hạn cho vay trung và dài hạn.

Các chuyên gia tài chính bất động sản đều rất kỳ vọng, Chính phủ sẽ nỗ lực có những hỗ trợ, giải pháp kích cầu từ hệ thống ngân hàng để tăng trưởng tín dụng có cơ hội cải thiện trong tháng 3 này. Cùng với đó, cần sớm vực dậy thị trường trái phiếu để ngân hàng và doanh nghiệp bất động sản có thêm vốn trung dài hạn cho vay.