Tê tái phận đời xóm ngụ cư ở bãi giữa sông Hồng những ngày rét đậm

Hà Nội đang trải qua đợt rét đậm do ảnh hưởng của không khí lạnh tăng cường khiến những phận đời ở xóm Phao, ngoài bãi giữa sông Hồng đã chật vật nay lại càng tê tái hơn.
Vừa xoa hai bàn tay gân guốc vào nhau, ông N.V.P (64 tuổi) vừa kể với PV Đô thị mới: “Tôi lưu lạc từ Lâm Thao, Phú Thọ về xóm giữa này đã mấy chục năm. Lúc trẻ, bệnh hen suyễn và khớp chưa nặng, tôi hay vào bờ làm thuê. Hễ ai gọi là tôi đi, không kể mưa gió, sáng – tối, miễn sao có tiền trang trải cuộc sống. Bây giờ già rồi, tay chân lúc nào cũng run lẩy bẩy không làm gì nổi, tôi đành trông chờ vào con gái vậy”.
Cũng theo ông N.V.P, những ngày này ông hầu như thức trắng vì bệnh khớp hành hạ. Cộng thêm ngôi nhà vá chằng vá đụp, gió lùa tứ phía, gần sáng hơi nước bốc lên từ sàn, khiến cha con ông phải dậy mấy lần đốt lửa hơ tay chân cho đỡ buốt.
Hàng xóm của ông P là ông N.V.B (73 tuổi, Thanh Hóa) thì than thở: “Mấy nay trời lạnh, lại không có nắng nên nhà tôi chỉ cắm bình ắc quy tích điện loại 12V để thắp sáng từ 5 – 8 giờ tối. Sau giờ ấy là tắt đèn đi ngủ để tiết kiệm điện”.
Cả xóm Phao đến nay vẫn chưa có điện nên nhà nào cũng phải tự trang bị bình ắc quy nhỏ và tấm pin năng lượng mặt trời để tích điện.
Do không có công việc ổn định nên cư dân ở xóm Phao không có điều kiện sửa chữa những ngôi nhà nổi trên sông.
Để chống chọi với những ngày rét mướt, cư dân xóm Phao đi lượm nhặt những tấm bạt cũ hay rạch bao dứa để vá vào các khe hở của căn nhà cho gió đỡ lùa.
Trao đổi với Đô thị Mới trong căn lều dựng trên đất liền, ông Nguyễn Văn Được (78 tuổi), trưởng xóm Phao cho biết: Hiện, nơi đây có gần 30 gia đình với hơn 80 người sinh sống trong những căn nhà tạm trên bè. “Người dân xóm Phao lưu lạc từ những vùng như Nam Định, Thái Bình, Hưng Yên, Bắc Giang, Thanh Hóa,…về đây. Bản thân tôi là người Bố Trạch (Quảng Bình) nhưng lưu lạc ra đây từ năm 1988”, ông Được kể.
Cũng theo ông Được, người dân xóm Phao đều không có hộ khẩu, không nghề nghiệp ổn định nên người khỏe thì vào chợ trong phố bốc vác thuê, còn người yếu thì đi nhặt ve chai, đồng nát kiếm sống. Do các gia đình ở đây chủ yếu là người lưu lạc, không có giấy tờ, hộ khẩu, thành ra hơn 30 năm qua họ không có bảo hiểm y tế. Những người ốm  nặng không dám đi viện vì không có khả năng chi trả viện phí, thuốc men, khiến tình trạng sức khỏe ngày càng suy yếu. 
Đặc biệt, trước năm 2000, do ông bà, cha mẹ không có hộ khẩu nên trẻ em sinh ra ở xóm Phao rất khó khai sinh để đến trường. Cách đây nhiều năm, ông Được đã tự đi liên hệ, vận động để mở ra lớp học tình thương và thư viện sách để dạy trẻ em có thể nhận diện được mặt chữ.
Ông Được đùa vui, đến thời điểm hiện tại ông được coi là người giàu nhất xóm vì sau bao năm sống dập dềnh thì đã được ở trên bờ. Những ngày rét mướt cũng đỡ tê tái hơn.
Mặc dù vậy, ông Được vẫn thở dài nói: “Tôi nay đã gần 80 tuổi, dù đã được lên bờ nhưng sức đã tàn nên chẳng thể làm lụng được gì. Chẳng biết mai này có mệnh hệ gì thì ai sẽ lo cho thằng cháu trai đang học lớp 2 bị bệnh tim. Nó là con của thằng út nhà tôi, vợ chồng nó bỏ nhau, để lại thằng bé cho vợ chồng tôi nuôi. Chỉ mong giời thương, lớn lên cháu tôi cứng cáp, mạnh khoẻ, không phải cơ cực như đời ông bà và người dân xóm Phao này”.

 

Cũng theo ông Được, hiện tại nhờ sự giúp đỡ của chính quyền địa phương, trẻ em ở xóm Phao đều được đến trường, có người đã đỗ cả đại học. Do đó ông Được và người dân xóm Phao hi vọng cuộc đời của thế hệ trẻ nơi đây sẽ tươi sáng, ổn định và đỡ rét buốt hơn…