TP. HCM: Kinh doanh ế ẩm nhưng tiểu thương vẫn còn ngại...công nghệ số

Trước tình trạng ế ẩm của nhiều ngành hàng tại các chợ truyền thống, TP. HCM dự định sẽ đào tạo tiểu thương chợ truyền thống livestream bán hàng. Tuy nhiên, khi tiếp cận với kênh bán hàng mới này, không ít tiểu thương tỏ ra ngại chuyển đổi.
Hàng hóa ế ẩm tại các chợ truyền thống ở TP. HCM trong mấy tháng nay

Bà Liễu đã kinh doanh tại chợ Tân Định (quận 1, TP.HCM) hơn 40 năm. Bà đã quen với việc bán cho khách mua trực tiếp tại chợ và khách quen qua zalo. Thế nên khi được khuyến khích bán trên các kênh thương mại điện tử, bà thấy khó thực hiện. Bà chia sẻ, gần đây nhu cầu mua sắm của người dân giảm khiến tình hình kinh doanh ế ẩm hơn. Nhiều hôm bà ngồi cả ngày mà ko có khách mở hàng. Nhưng chuyển qua hình thức bán online thì tuổi bà đã cao nên các thao tác trên điện thoại bà thấy khó nhớ, khó thao tác.

Bà Đặng Hoài Thanh một tiểu thương buôn bán tại chợ Hạnh Thông Tây (quận Gò Vấp) cũng rơi vào tình trạng tương tự bà Liễu. Bà Thanh bộc bạch, hiện nay xu hướng mua sắm thay đổi, những người bán hàng trẻ tại chợ đều kinh doanh online. Doanh thu bán hàng của họ bà thấy cũng ổn định. Tuy nhiên, bà đã quen bán hàng theo kiểu truyền thống nên cũng ngại chuyển đổi. Ngoài ra, kinh doanh qua các kênh bán hàng online còn cần nhiều người hỗ trợ.

Vài tháng nay, tình trạng ế ẩm của tiểu thương một số ngành hàng tại các chợ truyền thống đã diễn ra ở TP. HCM. Để khắc phục tình trạng này, một số tiểu thương đã chủ động chuyển đổi hình thức tiếp cận khách hàng qua các sàn thương mại điện tử, mạng xã hội. Cách thức này đem lại nhiều kết quả tích cực. Dù vậy vẫn còn nhiều tiểu thương do tuổi tác và tâm lý ngại thay đổi nên việc kinh doanh cũng trở nên khó khăn hơn.

Livestream bán hàng tại chợ

Mới đây, TP. HCM đã đưa ra thông tin sẽ đào tạo tiểu thương chợ truyền thống livestream bán hàng. Ông Nguyễn Minh Hùng - Phó Trưởng phòng Quản lý thương mại Sở Công Thương TP. HCM chia sẻ, chợ truyền thống có thể chuyển đổi số bán hàng online từ việc tận dụng lợi thế nguồn hàng và văn hóa đi chợ. Theo ông Hùng, đơn vị sẽ đẩy mạnh đưa thương mại điện tử vào chợ truyền thống, tổ chức chuỗi livestream, đào tạo thương nhân kết hợp với đội ngũ KOC (người tiêu dùng có ảnh hưởng) và KOL (người có ảnh hưởng trên mạng xã hội).

Năm ngoái, từ 11 - 16/12/2023, hơn 100 KOL và người nổi tiếng đã được Ban quản lý chợ Bến Thành mời đến livestream bán hàng cùng tiểu thương. Lượng người tiếp cận lên đến hàng chục triệu người, đã có 18.200 đơn hàng được chốt, trị giá 4,2 tỷ đồng.

Ngay vào cuối tháng 1 vừa qua, 17.000 đơn hàng đã được bán qua hình thức livestream tại "Ngày hội Mua sắm Tết TP. HCM - Chợ Thủ Đức trực tuyến".

Sở Công Thương TP. HCM đánh giá, hình thức mua sắm qua livestream đang phát triển rất mạnh, đáp ứng được nhu cầu của cả khách hàng và người bán. TP. HCM có tốc độ tăng trưởng thương mại điện tử nhanh nhất cả nước. Năm 2023, thành phố chiếm 23% quy mô thương mại điện tử cả nước, với doanh số bán hàng (tính theo vị trí kho) đạt 4,7 tỷ USD. Người dân TP. HCM cũng chi tiền nhiều nhất để mua hàng trên mạng, khoảng 6,2 tỷ USD, chiếm 29%.