TP. Hồ Chí Minh: Giá cả hàng hoá sau Tết ổn định, không khan hiếm

Sau Tết Nguyên đán Giáp Thìn, tại một số siêu thị, chợ truyền thống TP. Hồ Chí Minh giá hàng hoá ổn định, không xảy ra tình trạng khan hiếm như mọi năm.

Ngay từ mồng 2 Tết, một số siêu thị, chợ truyền thống lớn ở TP. Hồ Chí Minh đã mở cửa bán hàng trở lại với nhiều mặt hàng phong phú, giá cả hợp lý. So với các ngày cận Tết (28 - 30 Tết), giá bán các mặt hàng rau củ, hoa quả tươi nhìn chung không tăng nhiều; còn các mặt hàng thực phẩm tươi sống như thịt bò, thuỷ sản chỉ tăng nhẹ. Dù nhu cầu mua sắm của người dân sau Tết bắt đầu tăng lên theo từng ngày nhưng nguồn cung tương đối phong phú nên không xảy ra hiện tượng tăng giá đột biến.

Các chợ truyền thống đã hoạt động trở lại từ ngày mồng 2 Tết. Ảnh: Thiên Vân

Ghi nhận tại một số chợ dân sinh lớn ở quận Bình Thạnh, quận Gò Vấp, giá rau xanh cơ bản không tăng so với trước Tết. Riêng chỉ có các các loại rau củ nhập từ Đà Lạt như súp lơ, cà rốt, khoai tây tăng giá khoảng 10%. 

Tương tự, các loại thịt trong các bữa hàng ngày cũng tăng khoảng 10-20% so với trước Tết. Đơn cử như thịt lợn đã tăng 5.000 - 10.000 đồng/1kg, thịt bò cũng tăng 10.000 - 15.000 đồng/1kg so với thời điểm trước Tết Nguyên đán. 

Bà Nguyễn Thị Bình - Tiểu thương buôn bán rau củ ở chợ Bà Chiểu (quận Bình Thạnh, TP Hồ Chí Minh) cho biết, nguyên nhân một số mặt hàng rau củ Đà Lạt, các loại thịt tăng giá được cho là do các tiểu thương chưa nhập được hàng để bán. Bởi vì, thời điểm mới ra Tết, một số đơn vị phân phối và vận chuyển chưa hoạt động nên việc nhập hàng để buôn bán hàng ngày trở nên khó khăn hơn. 

Tại các siêu thị như VinMart, Go!, AEON… hoạt động buôn bán đã diễn ra bình thường từ ngày mồng 2 Tết. Giá cả các mặt hàng trong siêu thị sau Tết nhìn chung được bình ổn, không tăng giá quá mạnh. Thậm chí, nhiều siêu thị còn tung ra các chương trình khuyến mãi hấp dẫn để kích cầu khách hàng.

Sau Tết nguyên Đán 2024, nguồn cung hàng hóa “dồi dào”, giá cả bình ổn. Ảnh: Thiên Vân

Có thể kể đến như hệ thống siêu thị Saigon Co.op tung ra thị trường “Hái lộc vàng, phú quý cả năm” với nhiều mặt hàng được khuyến mãi đậm từ ngày 15/2 đến ngày 28.2 Theo đó không chỉ giảm giá cho các loại thực phẩm tươi sống gồm thịt heo, bò, cá, tôm, mực, rau củ quả, mà còn giảm giá đậm cho các thực phẩm khô như sữa, các loại thực phẩm thuần chay, mì tôm, các loại ngũ cốc,...

Hay tại một số chuỗi siêu thị lớn, một số chương trình khuyến mãi kích cầu sau Tết tiếp tục được triển khai. Đơn cử, từ 13/2 - 29/2/2024, chuỗi bán lẻ WinMart đã triển khai chương trình khuyến mãi "Khai xuân như ý, rước trọn siêu sale". Các loại mặt hàng thịt, cá, trứng sữa, rau củ, quả, bánh kẹo, đồ dùng gia đình đều được giảm giá 10%-30%, với nhiều quà tặng kèm hấp hẫn, mua 2 tặng 1.

Nhiều siêu thị tung nhiều chương trình khuyến mãi hấp dẫn sau Tết Nguyên đán 2024

Chị Nguyễn Thị Thùy Linh (ngụ tại quận Gò Vấp, TP Hồ Chí Minh) đánh giá, sau Tết Nguyên đán 2024, tại các siêu thị, trung tâm thương mại đã áp dụng một số chương trình khuyến mại, giảm giá sâu nên giá cả hàng hoá ổn định so với ngày thường và chỉ tăng nhẹ ở một số mặt hàng thực phẩm tươi sống.

Theo cơ quan quản lý, từ mùng 4 Tết, nhiều siêu thị, cửa hàng tiện lợi, chợ truyền thống và cửa hàng tạp hóa bắt đầu nhập thêm hàng hóa để bán, mặt hàng được bày bán cũng đa dạng hơn. Các mặt hàng được tiêu thụ nhiều vẫn chủ yếu là thực phẩm, đặc biệt là rau củ quả, thịt bò, thủy hải sản.

Cục Quản lý giá (Bộ Tài chính) cũng cũng đưa ra dự báo giá cả hàng hóa tiêu dùng thiết yếu sau Tết sẽ không có sự biến động bất thường về giá, do nhu cầu mua sắm ngày đầu năm vẫn chưa nhiều.

Để tiếp tục kiểm soát giá hàng hóa tiêu dùng thiết yếu trong những ngày đầu năm mới, Bộ Tài chính kiến nghị các bộ, ngành, địa phương tiếp tục theo dõi sát diễn biến cung cầu, giá cả trên thị trường các mặt hàng thuộc lĩnh vực quản lý. Trong đó, giá cả các mặt hàng thiết yếu, những mặt hàng có biến động tăng giá cao trên địa bàn được kiểm soát để chủ động có phương án bảo đảm cân đối lượng hàng hóa, ổn định thị trường.