Đề xuất bổ sung nhiều đối tượng được vay vốn hỗ trợ đi xuất khẩu lao động

Thanh niên hoàn thành nghĩa vụ quân sự, công an, thanh niên tình nguyện... là một trong những nhóm đối tượng được ưu tiên vay vốn đi xuất khẩu lao động, đó là nội dung đáng chú ý trong dự thảo Luật Việc làm (sửa đổi) của Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội.

Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội (LĐ-TB&XH) đang xây dựng dự thảo Luật Việc làm (sửa đổi) với đề xuất mở rộng đối tượng vay vốn đi làm việc ở nước ngoài. Theo đó, luật hiện hành quy định đối tượng vay vốn đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng chỉ giới hạn tại 5 nhóm lao động: Người dân tộc thiểu số, lao động thuộc hộ nghèo, hộ cận nghèo, lao động bị thu hồi đất nông nghiệp, thân nhân người có công với cách mạng.

Trong khi đó, một số nhóm đối tượng khác chưa được quy định hoặc theo từng địa phương chưa đảm bảo bình đẳng về cơ hội tiếp cận nguồn tín dụng ưu đãi để đi làm việc ở nước ngoài.

lao-dong3-1711018689.jpg
Theo dự thảo, thanh niên hoàn thành nghĩa vụ quân sự, công an được vay vốn đi xuất khẩu lao động.

Theo Điều 18 Dự thảo Luật Việc làm sửa đổi, đối tượng vay vốn đi làm việc ở nước ngoài gồm: Người lao động đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng; Người lao động đi làm việc ở nước ngoài theo thỏa thuận giữa cơ quan quản lý Nhà nước về việc làm cấp tỉnh với cơ quan có thẩm quyền của nước ngoài.

Bộ LĐ-TB&XH đề xuất sửa đổi, bổ sung quy định về ưu tiên vay vốn đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng thành 8 đối tượng. Cụ thể:

1. Người dân tộc thiểu số;

2. Người thuộc hộ nghèo, hộ cận nghèo;

3. Hộ mới thoát nghèo, hộ có mức sống trung bình;

4. Thân nhân người có công với cách mạng;

5.  Người lao động thuộc vùng đồng bào dân tộc thiểu số, miền núi;

6. Người lao động thuộc xã đặc biệt khó khăn vùng bãi ngang, ven biển và hải đảo;

7. Người có đất thu hồi;

8. Thanh niên hoàn thành nghĩa vụ quân sự, nghĩa vụ công an, thanh niên tình nguyện sau khi kết thúc chương trình, đề án, dự án, trí thức trẻ tình nguyện sau khi hoàn thành nhiệm vụ công tác tại các khu kinh tế - quốc phòng.

Các đối tượng 1, 2, 4, 5, 6, 7, 8 trên được vay vốn hỗ trợ đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng với mức lãi suất thấp hơn. Về trình tự, thủ tục, dự thảo nêu, người lao động có nhu cầu vay vốn để sang nước ngoài làm việc lập hồ sơ gửi Ngân hàng Chính sách xã hội (NHCSXH) nơi đăng ký thường trú.

Trong thời hạn 10 ngày kể từ ngày nhận được hồ sơ, cơ quan này tổ chức thẩm định, phê duyệt vay vốn. Nếu không ra quyết định phê duyệt thì NHCSXH thông báo cho người lao động bằng văn bản và nêu rõ lý do.

lao-dong4-1711018673.jpg
Mỗi năm nước ta đưa khoảng 120.000 - 140.000 người đi lao động ở nước ngoài.

Xuất khẩu lao động là chủ trương lớn nhằm giải quyết việc làm, tăng thu nhập cho người dân, đặc biệt các đối tượng là hộ nghèo, cận nghèo, đồng bào dân tộc thiểu số. Tuy nhiên, những khoản chi phí để đi làm việc ở nước ngoài là không dễ dàng với nhóm này. Vì vậy, chương trình vay vốn ưu đãi của NHCSXH đã và đang “tiếp sức” cho nhiều người dân có cơ hội sang nước ngoài làm việc, góp phần tăng thu nhập, giảm nghèo bền vững.

Theo số liệu của Bộ LĐ-TB&XH, hiện trung bình mỗi năm nước ta đưa khoảng 120.000 - 140.000 người đi lao động ở nước ngoài. Lượng kiều hối từ lực lượng này gửi về đạt 3,5 - 4 tỷ USD mỗi năm.

Báo cáo từ các doanh nghiệp cho thấy, tháng 2/2024 tổng số lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài là 10.553 lao động, trong đó có 2.789 lao động nữ. Tính chung trong 2 tháng đầu năm nay, có 23.195 người đi xuất khẩu lao động (7.272 nữ), đạt 18,56% kế hoạch năm 2024 (125.000 lao động) .

Năm 2023, thị trường lao động được phục hồi, số người có việc làm đều tăng lên. Theo số liệu của Tổng cục Thống kê, tính chung năm 2023, lao động có việc làm cả nước đạt 51,3 triệu người, tăng 683.000 người so với năm trước đó.