Đau đầu chuyện gỡ vướng bất động sản: Hỏi nhưng không ai trả lời

Sự vào cuộc của Chính phủ giúp quá trình gỡ vướng cho hàng trăm dự án BĐS “đứng bóng” tiến triển nhanh hơn. Nhưng sự chồng chéo của các quy định pháp lý chưa được giải quyết triệt để khiến doanh nghiệp vẫn khó khăn.

Hàng loạt vướng mắc đè lên nhau

Phiên họp tổ của Quốc hội thảo luận về kinh tế xã hội vừa diễn ra mới đây, Bí thư Tỉnh ủy Thừa Thiên Huế Lê Trường Lưu cho biết, bất chấp sự nỗ lực của Chính phủ, cơ chế, chính sách trong lĩnh vực bất động sản còn nhiều vướng mắc, có những việc mà địa phương “hỏi mãi không ai trả lời”. 

Theo ông Lưu, đơn cử như việc chuyển tiếp từ Luật Đất đai 2003 đến 2013, thông qua thủ tục hành chính, đấu thầu chọn nhà đầu tư đã cấp đất cho một số dự án. Tuy nhiên, ông Lưu đặt vấn đề: "qua Luật Đất đai 2013, lại yêu cầu giá đất được tính tại thời điểm giao đất. Như vậy những dự án trước đã nộp tiền rồi, đến khi cấp sổ đỏ thì tính theo giá nào".

Sự “lệch pha” giữa các luật hiện hành khiến quá trình gỡ vướng pháp lý cho dự án treo bị chậm (Nguồn: SKĐS)

Cùng quan điểm trên, Bí thư Thành ủy Hà Nội Đinh Tiến Dũng cho rằng, hiện tại vướng mắc chủ yếu là Luật Đất đai và Luật Đầu tư. Vì độ “vênh” này mà khiến Hà Nội đang có hơn 700 dự án chậm tiến độ, nhưng để triển khai thì có quá nhiều rủi ro pháp lý.

Chính phủ đã có nhiều giải pháp nhưng theo ông Dũng, hiệu quả thực sự vẫn còn hạn chế. Khi doanh nghiệp liên tục hỏi, nhưng không nhận được câu trả lời rõ ràng.

Trước hiện trạng này, người đứng đầu Thành ủy Hà Nội kiến nghị Chính phủ nên hướng vào thực tế cả nước với những dự án bị đình trệ. Ngày trước, các dự án không đấu thầu, đấu giá, chỉ kêu gọi đầu tư vào giao đất, doanh nghiệp vào giải phóng mặt bằng làm hạ tầng rồi dừng lại. Cần phải tính toán lại. 

Nhất là với các dự án chậm triển khai, ông Dũng cho rằng cần tính đúng, tính đủ giá đất, sao cho phù hợp với quy định hiện hành và thị trường. Với những chủ đầu tư không còn khả năng phải có hướng giải quyết dứt điểm. Điều này cần sự chỉ đạo của Quốc hội, ban hành chủ trương rà soát tổng thể, nghị quyết để giải quyết. Bởi đây là thẩm quyền không thuộc về Chính phủ.

Có thể thấy, sự “lệch pha” giữa các luật hiện hành đang là một trong những yếu tố khiến quá trình gỡ vướng pháp lý cho dự án treo bị chậm lại khá nhiều. Đơn cử, tại TP. HCM, tính đến cuối quý III/2023, trong 189 kiến nghị của doanh nghiệp về tháo gỡ vướng mắc thủ tục cho 148 dự án bất động sản, TP. HCM hiện tại đã giải quyết được 43 kiến nghị của chủ đầu tư cho 39 dự án.

Doanh nghiệp liên tục hỏi, nhưng không nhận được câu trả lời rõ ràng (Nguồn: Người Lao Động)

UBND TP. HCM cho biết, trong số 148 dự án BĐS đang vướng mắc trên địa bàn, có 21 dự án vướng về thủ tục quy hoạch, 38 dự án vướng thủ tục đầu tư, 20 dự án vướng thủ tục xây dựng, 5 dự án vướng thủ tục về tài chính, thuế, 3 dự án vướng thủ tục lĩnh vực giao thông.

Chờ đợi chính sách “ngấm”

Trên thực tế, sự vào cuộc của Chính phủ để gỡ vướng cho các dự án bất động sản trong thời gian qua, đối với nhiều doanh nghiệp chính là “bình oxy” đến đúng lúc, giúp thị trường ở đáy vực được hồi sinh. 

Theo Thứ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Văn Sinh, thời gian qua, Chính phủ đã ban hành hàng loạt văn bản, nghị định, nghị quyết như Nghị định 58/2023, Nghị quyết 97 với nội dung tiếp tục giao Bộ Xây dựng chủ trì, phối hợp với các cơ quan, địa phương liên quan đến thực hiện Nghị quyết 33 của Chính phủ về một số giải pháp tháo gỡ và thúc đẩy thị trường bất động sản phát triển.

Cùng với đó, Ngân hàng Nhà nước đã có hàng loạt hỗ trợ khác như Thông tư 10/2023 về việc ngưng hiệu lực thi hành một số nội dung của Thông tư số 39/2016. Hay gần đây nhất, và ngày 10/8/2023, Hội nghị tháo gỡ vướng mắc, khó khăn cho thị trường bất động sản đã diễn ra với sự chủ trì của Thủ tướng Phạm Minh Chính.

Đại diện chủ đầu tư một dự án 650 căn hộ kèm shophouse ở TP.HCM đã khẳng định, sự vào cuộc của Chính phủ và các địa phương đã giúp doanh nghiệp củng cố niềm tin vượt qua giai đoạn khó khăn lịch sử này. 

“Có thể dễ dàng nhận thấy hàng loạt khó khăn hiện nay là do sự chồng chéo từ quy định pháp luật, nó đã tồn tại nhiều năm rồi. Vì vậy chúng tôi không quá kỳ vọng được tháo gỡ trong ngắn hạn. Chỉ cần chính sách tiếp tục ngấm, dự án có đường ra, không quá kéo dài là được” - Theo vị đại diện doanh nghiệp.

Pháp lý là ách tắc lớn nhất ở thời điểm này (Nguồn: Thanh Niên)

Thực tế đã có sự chuyển biến, song giới phân tích cho rằng, cần đẩy nhanh tốc độ gỡ vướng, bởi các doanh nghiệp địa ốc vẫn còn đang đuối sức, chỉ cần các chính sách không còn “thẩm thấu” sẽ khiến đà hồi phục bị đứt. 

Minh chứng rõ nhất là trong 3 quý đầu năm 2023, số lượng doanh nghiệp thành lập mới chỉ bằng phân nửa doanh nghiệp giải thể, hoặc tạm dừng hoạt động.

Chủ tịch HĐQT Tập đoàn DKRA - Ông Phạm Lâm từng nhấn mạnh, pháp lý chính là ách tắc lớn nhất ở thời điểm này, trong đó đầu bảng là đền bù, tiền sử dụng đất, chấp thuận chủ trương đầu tư, đất công xen kẹt...

Theo ông Lâm, riêng TP. HCM, từ năm 2022 đến nay liên tục hô hào tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp nhưng thực tế vẫn chưa thấy được kết quả nào rõ rệt. “Khó khăn của doanh nghiệp đang rất nghiêm trọng, nếu không khơi thông được dòng tiền thì việc đẩy nhanh tốc độ gỡ khó về cơ chế, chính sách là giải pháp tối cần thiết lúc này” - Vị chuyên gia cho hay.

Chủ tịch HoREA Lê Hoàng Châu thì cho biết, tháng 10, 11 năm nay, Chính phủ sẽ trình Quốc hội hàng loạt dự thảo luật về đất đai, nhà ở, đầu tư, tín dụng… nhằm tháo gỡ khó khăn cho thị trường, doanh nghiệp bất động sản. 

Ông Châu nhấn mạnh: “Sửa các luật chính là gốc rễ để thị trường hồi phục và phát triển bền vững, an toàn trong những năm tới đây”.