Thông tin được chia sẻ tại Hội nghị bảo vệ người dân, khách hàng trước thực trạng lừa đảo trực tuyến trên không gian mạng, do Cục An toàn thông tin (Bộ TT&TT) tổ chức ngày 22/10 tại Đà Nẵng.
Đây là sự kiện nằm trong khuôn khổ chiến dịch tuyên truyền “Kỹ năng nhận diện và phòng chống lừa đảo trực tuyến” của Bộ TT&TT nhằm phổ biến các xu hướng, nguy cơ, chia sẻ định hướng và kinh nghiệm phòng chống lừa đảo trực tuyến, các giải pháp công nghệ hỗ trợ doanh nghiệp bảo vệ thương hiệu, uy tín trên không gian mạng.
Chia sẻ tại sự kiện, ông Phạm Thái Sơn – Phó Giám đốc Trung tâm Giám sát không gian mạng quốc gia (NCSC) đã thông tin cụ thể về tình hình lừa đảo trực tuyến trên không gian mạng tại Việt Nam thời gian qua. Chỉ tính trong 9 tháng đầu năm, Cổng cảnh báo an toàn thông tin Việt Nam đã ghi nhận hơn 22.200 phản ánh từ phía người dân, tổ chức, doanh nghiệp về các trường hợp lừa đảo trực tuyến trong nước.
Kết quả thống kê từ Cổng cảnh báo an toàn thông tin Việt Nam cho thấy, các hình thức lừa đảo mạng tại Việt Nam đang gia tăng không ngừng với các thủ đoạn ngày càng tinh vi, phức tạp, bao gồm lừa đảo đánh cắp thông tin cá nhân, lừa đảo tình cảm, lừa đảo đầu tư… nhằm chiếm đoạt tài sản của người dân.
Các ứng dụng bị nhắm đến nhiều nhất là của các ngân hàng, ví điện tử, ứng dụng chứng khoán… Con số trên 1.200 vụ án tạm đình chỉ điều tra, tương đương trên 75% số vụ không thể điều tra tiếp cho thấy những khó khăn trong việc truy vết tội phạm, bởi dòng tiền luôn được luân chuyển qua các ngân hàng, ví điện tử….
Thống kê cũng cho thấy, có 24 hình thức lừa đảo chủ yếu trên không gian mạng Việt Nam. Hầu hết các đối tượng đều thông qua các bước lừa đảo thao túng tâm lý, tạo lòng tin. Tội phạm thường tìm cách tiếp cận nạn nhân thông qua hình thức gọi điện, nhắn tin, thư điện tử, mạng xã hội… Sau đó dẫn dụ nạn nhân cài đặt các ứng dụng giả mạo, độc hại, truy cập website lừa đảo để lấy thông tin, mã giao dịch hay tác động tâm lý trực tiếp. Sau cùng, chúng sẽ chiếm đoạt tài sản của nạn nhân thông qua các cổng thanh toán, tài khoản ngân hàng rác hoặc thông qua tiền ảo.
Theo Chuyên gia của Cục An toàn thông tin, để giải quyết triệt để vấn nạn kể trên, cần đẩy mạnh hơn 4 trụ cột: Nâng cao nhận thức, xây dựng môi trường tin cậy, giảm thiểu tác động của lừa đảo và ngăn chặn lừa đảo.
Thời gian qua, các cơ quan chức năng Việt cũng đã nỗ lực triển khai nhiều biện pháp hiệu quả: chuẩn hóa thông tin thuê bao di động, xóa SIM rác, xây dựng hệ thống cảnh báo, ngăn chặn tên miền độc hại quốc gia…
Bên cạnh đó, các ngân hàng, tổ chức tài chính cần áp dụng công nghệ cao để kịp thời phát hiện các giao dịch khả nghi, có dấu hiệu liên quan lừa đảo, cần có cơ chế để các ngân hàng chia sẻ thông tin với nhau để cảnh báo sớm cho người dùng.
Trước thực trạng kể trên, ông Trần Quang Hưng, Phó Cục trưởng Cục An toàn thông tin nhấn mạnh, cuộc chiến phòng chống lừa đảo trực tuyến đang là thách thức của nhân loại khi hình thức, thủ đoạn lừa đảo liên tục thay đổi. Thách thức đặt ra với mọi tổ chức, doanh nghiệp, người dân hiện nay. “Thay vì tuần nào cũng đưa ra hình thức lừa đảo mới, chạy theo đối tượng lừa đảo, hacker như hiện nay, cần trang bị kỹ năng để người dân có thể ứng phó với các hình thức lừa đảo dù đó là hình thức mới, tinh vi”, ông Trần Quang Hưng cho hay.