Google trước đó bị cáo buộc có những hành động bất hợp pháp như: Trả tiền cho Apple, Samsung và Mozzila hàng tỷ USD mỗi năm để trở thành công cụ tìm kiếm mặc định trên các mẫu điện thoại và trình duyệt web của họ. Điều này bị cơ quan chức năng cho là bất hợp pháp, phá vỡ sự cân bằng giữa các công ty trong lĩnh vực tìm kiếm.
Các cơ quan quản lý chống độc quyền tại Bộ Tư pháp Mỹ đã đưa vụ việc ra xét xử cách đây 4 năm. Vụ việc mô tả Google là một kẻ “bắt nạt công nghệ” nhằm bảo vệ công cụ tìm kiếm của mình - đã tạo ra doanh thu gần 240 tỷ USD (219 tỷ euro) vào năm ngoái.
Theo Bộ Tư pháp Mỹ, Google đã chiếm tới 90% thị phần tìm kiếm trên website và hưởng lợi cả về doanh thu lẫn thu thập dữ liệu nhờ cách thức hợp tác với các nhà sản xuất thiết bị.
Phán quyết của Tòa án liên bang Mỹ bao gồm yêu cầu khắc phục các hành đông sai phạm đối với Google, đồng nghĩa với việc Gã khổng lồ tìm kiếm phải chấm dứt các hợp tác gây bất công bằng như kể trên, bao gồm việc dừng hợp tác với Apple.
Theo các nhà phân tích của Morgan Stanley, việc hợp tác giữa Google và Apple trước đó ước tính, công ty phải trả cho “Nhà Táo” tới 20 tỷ USD mỗi năm để có được đặc quyền trên trình duyệt và tìm kiếm. Số tiền này tương đương khoảng 36% nguồn thu mà Google kiếm được từ quảng cáo được thực hiện thông qua trình quyệt Safari trên các thiết bị của Apple. Nếu thỏa thuận giữa hai bên bị hủy bỏ, Apple có thể phải chịu mức giảm 4-6% lợi nhuận từ hoạt động chia chác này.
Theo các báo cáo truyền thông vào tháng 5 trích dẫn một tài liệu do Bộ Tư pháp Mỹ đệ trình trong vụ kiện chống độc quyền, thỏa thuận giữa Apple và Google có hiệu lực ít nhất cho đến tháng 9/2026 và Apple có quyền đơn phương gia hạn thêm hai năm nữa.
Về vấn đề này, các nhà phân tích của Evercore ISI cho biết: "Kết quả có khả năng xảy ra nhất hiện nay là thẩm phán ra phán quyết Google không được trả tiền cho vị trí mặc định nữa hoặc các công ty như Apple phải chủ động nhắc nhở người dùng chọn công cụ tìm kiếm của họ thay vì đặt mặc định và cho phép người tiêu dùng thay đổi cài đặt nếu họ muốn".
Herbert Hovenkamp, giáo sư luật tại Đại học Pennsylvania, cho biết: "Thông điệp ở đây là nếu bạn có vị thế thống lĩnh thị trường đối với một sản phẩm, tốt hơn hết là bạn nên tránh sử dụng các thỏa thuận độc quyền và đảm bảo rằng bất kỳ thỏa thuận nào bạn thực hiện đều cho phép người mua có quyền tự do lựa chọn thay thế".
Theo các nhà quan sát, chắc chắn, giai đoạn "khắc phục" có thể kéo dài. Google có thể sẽ tiếp tục kháng cáo lên Tòa Phúc thẩm liên bang Mỹ, Tòa án Quận Columbia và Tòa án Tối cao Mỹ. Cuộc tranh cãi pháp lý có thể kéo dài đến năm 2026.
Tuy nhiên, nếu mối quan hệ hợp tác giữa Google và Apple bị hủy bỏ sớm, “Nhà Táo” sẽ có một số lựa chọn bao gồm cung cấp cho khách hàng các giải pháp thay thế như Microsoft Bing hoặc có khả năng là một sản phẩm tìm kiếm mới do OpenAI cung cấp.
Các nhà phân tích đồng ý rằng phán quyết này sẽ đẩy nhanh động thái của Apple hướng tới các dịch vụ tìm kiếm hỗ trợ AI. Gần đây, công ty đã thông báo rằng họ sẽ đưa chatbot ChatGPT của OpenAI vào các thiết bị của mình.
Trong động thái tránh xa các thỏa thuận độc quyền giúp Apple thoát sự giám sát của cơ quan quản lý, công ty cho biết họ cũng đang đàm phán với Google để bổ sung chatbot Gemini và có kế hoạch bổ sung thêm các mô hình AI khác lên các thiết bị của mình.
Apple cũng đang cải tiến Siri bằng công nghệ AI, giúp trợ lý ảo cá nhân này kiểm soát tốt hơn các tác vụ vốn khó khăn trong quá khứ như viết email và tương tác với tin nhắn. Mặc dù những nỗ lực đó dự kiến sẽ không mang lại nhiều lợi nhuận trong những năm tới, nhưng chúng có thể giúp tận dụng công nghệ mới.
Gadjo Sevilla, nhà phân tích tại Emarketer, cho biết: "Apple có thể coi đây là một trở ngại tạm thời, đặc biệt là khi hãng này kiếm được rất nhiều tiền từ thỏa thuận tìm kiếm với Google, nhưng đây cũng là cơ hội để họ chuyển sang các giải pháp AI cho tìm kiếm".