Ngày 12/7, Hệ thống tiêm chủng VNVC cho biết, chỉ trong 3 ngày (từ 9 đến 11/7), tỷ lệ tiêm vaccine bạch hầu tại đây tăng tới hơn 1.000% so với thời điểm trước khi phát hiện một số ca bệnh.
Bác sĩ chuyên khoa I Bạch Thị Chính - Giám đốc Y khoa, Hệ thống tiêm chủng VNVC chia sẻ, bạch hầu là bệnh truyền nhiễm do vi khuẩn Corynebacterium diphtheriae gây ra. Theo Luật Phòng, chống bệnh truyền nhiễm, bạch hầu thuộc danh mục bệnh truyền nhiễm nhóm B, có khả năng lây truyền nhanh và gây tử vong cao, buộc phải cách ly, nghiêm cấm hành vi che giấu, không khai báo.
Bệnh gây ra các biểu hiện chủ yếu ở đường hô hấp như bạch hầu mũi, thanh quản, khí phế quản, họng… Trong đó, số trường hợp mắc bạch hầu họng chiếm phần lớn với khoảng 70%. Các thể ít gặp hơn là bạch hầu da, bạch hầu mắt. Bác sĩ Chính khuyến cáo, tiêm chủng đầy đủ vaccine và tiêm nhắc lại theo thời gian là cách phòng bệnh bạch hầu hiệu quả nhất, lên đến 97%.
Chỉ cần 2 - 3 tuần sau khi tiêm đủ liều, cơ thể sẽ sản sinh miễn dịch với bệnh. Cụ thể, sau khi hoàn tất tiêm chủng vaccine “5 trong 1” hoặc “6 trong 1” vào 4 năm đầu đời (lúc 2, 3, 4 và 18 tháng), trẻ cần tiêm nhắc một mũi vaccine có thành phần bạch hầu vào lúc 4 - 6 tuổi và 9 - 15 tuổi. Người lớn cần tiêm nhắc vaccine có thành phần bạch hầu 10 năm/lần.
Mới đây, Viện Pasteur TP. HCM cũng thông tin, số người đi tiêm vaccine bạch hầu trong ba ngày 9, 10 và 11/7 đã tăng đột biến lên đến 400 liều. Con số này vượt hơn tổng số vaccine bạch hầu được tiêm vào tháng 4, 5, 6. Cụ thể, tổng số vaccine bạch hầu được tiêm mỗi tháng chỉ dao động trong khoảng 300 liều. Do số lượng người đến tiêm tăng đột biến nên đến trưa 11/7, viện đã thông báo tạm hết loại vaccine này.
Trong khi đó, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật TP. HCM (HCDC) đánh giá, nguy cơ lan truyền bạch hầu đến TP. HCM là có thể xảy ra, bởi thành phố có mật độ dân cư đông đúc, cùng với giao thông thuận lợi và thường xuyên đón du khách, lao động từ các tỉnh khác tới.
Tuy nhiên, HCDC cho rằng khả năng mắc và lây lan bệnh còn phụ thuộc vào mức độ miễn dịch cộng đồng với bệnh bạch hầu. Do đó, người dân có thể chủ động phòng chống bệnh bằng cách tiêm chủng đầy đủ, đúng lịch. Tỷ lệ miễn dịch cộng đồng càng cao thì khả năng mắc và lây lan bệnh bạch hầu càng thấp.
Bộ Y tế cũng yêu cầu các địa phương rà soát, tổ chức tiêm bù cho trẻ chưa được tiêm vaccine có thành phần bạch hầu; tiêm mũi nhắc lại cho trẻ lớn tại một số tỉnh, thành nguy cơ cao để củng cố miễn dịch bảo vệ lâu dài với bệnh bạch hầu.
Ngoài ra, để tránh bệnh bùng phát thành dịch người dân cần chủ động phòng tránh với các biện pháp: Thường xuyên rửa tay bằng xà phòng; che miệng khi ho hoặc hắt hơi; giữ vệ sinh thân thể, họng, mũi hàng ngày; hạn chế tiếp xúc với người mắc/nghi ngờ mắc bệnh.
Đồng thời, người dân cần thực hiện tốt vệ sinh nhà ở, nhà trẻ, lớp học thông thoáng, sạch sẽ và đủ ánh sáng. Đảm bảo vệ sinh ăn uống như ăn chín, uống sôi, bát đũa sạch sẽ… Khi có dấu hiệu mắc bệnh hay nghi ngờ mắc bệnh, người dân phải thông báo ngay cho cơ quan y tế để được cách ly, khám, xét nghiệm và điều trị kịp thời.