Cận cảnh khu đất được đầu tư hơn 1.200 tỷ đồng để xây dựng công viên văn hóa, thể thao Hà Đông

Dự án Công viên văn hóa – vui chơi giải trí, thể thao quận Hà Đông (Q. Hà Đông, Hà Nội) có diện tích hơn 95 ha, dự kiến sẽ được khởi công xây dựng trong năm 2024.

Công viên văn hóa - vui chơi giải trí, thể thao Hà Đông tọa lạc trên mảnh đất rộng 95ha thuộc địa bàn 2 phường Hà Cầu và Kiến Hưng (Q. Hà Đông, TP. Hà Nội), cách ngã tư Sở 9km về phía Tây Nam, cách Hồ Gươm khoảng 14km.
Dự án có tổng mức đầu tư hơn 1.250 tỷ đồng. Tiến độ thực hiện trong giai đoạn từ 2024 – 2027. (Ảnh: Thảo Quyên - An ninh tiền tệ)
Với diện tích kể trên, sau khi hoàn thiện đây sẽ là công viên được đầu tư công lớn nhất ở Hà Nội, lớn gần gấp đôi Công viên Thống Nhất (50ha) và gần gấp 5 lần Công viên Hòa Bình (20ha). Công viên văn hóa - vui chơi giải trí, thể thao Hà Đông chỉ nhỏ hơn Công viên Yên Sở - công viên tư nhân do tập đoàn Gamuda đầu tư với 323ha. (Ảnh: Thành Trung - Dân trí)
Theo quy hoạch, Công viên văn hóa - vui chơi giải trí, thể thao Hà Đông sẽ có hồ điều hòa và đảo với diện tích mặt thoáng trên 35ha; khu công viên văn hóa gồm 19 khu vực khác nhau như: nhà hàng ẩm thực, chòi ngắm cảnh ven hồ, chòi đánh cờ tướng, quảng trường nhạc nước, quảng trường văn hóa, lễ hội, khu phục vụ dã ngoại. (Ảnh: Thảo Quyên - An ninh tiền tệ)
Khu công viên vui chơi giải trí bao gồm 33 khu như: vườn mê cung, vườn hoa tam sắc, quảng trường vui chơi, đồi cảnh, nhà thiếu nhi, bảo tàng thiên nhiên… (Ảnh: Thảo Quyên - An ninh tiền tệ)
Sau khi hoàn thiện, dự án này sẽ giải tỏa “cơn khát” công viên tại khu vực Q. Hà Đông. Q. Hà Đông rộng gần 50km (gấp 9 lần Q. Hoàn Kiếm) với dân số hơn 400.000 người nhưng vài chục năm qua không có công viên. Trên địa bàn có Công viên Thiên văn học nhưng do xây dựng sai quy hoạch nên phải đóng cửa nhiều năm mặc dù đã thi công hoàn thiện. Mãi tới đầu năm 2024, Công viên Thiên văn học mới tạm thời được mở cửa. (Ảnh: Thảo Quyên - An ninh tiền tệ)
Công viên văn hóa - vui chơi giải trí, thể thao Hà Đông được kỳ vọng sẽ trở thành điểm nhấn nổi bật, góp phần hoàn thiện không gian cảnh quan và làm hài hòa không gian kiến trúc cho các tuyến đường lớn trong khu vực như: Vành đai 3,5, đường Phúc La - Văn Phú và khu vực lân cận như khu đô thị mới Văn Phú, Phú Lương, Kiến Hưng… (Ảnh: Thảo Quyên - An ninh tiền tệ)
Phối cảnh tổng thể dự án
Trước đó vào năm 1998, dự án này đã được tỉnh Hà Tây (cũ) phê duyệt quy hoạch nhưng cho đến nay dự án vẫn là bãi đất trống. (Ảnh: Thảo Quyên - An ninh tiền tệ)

Tháng 11/2023, UBND TP. Hà Nội đã ban hành quyết định phê duyệt đồ án quy hoạch chi tiết 1/500. Sau đó, thành phố đã triển khai các công việc cụ thể như lập báo cáo đề xuất chủ trương, báo cáo đánh giá tác động môi trường, thi tuyển phương án thiết kế. (Ảnh: Vĩnh Hoàng - Lao động)

 

Hiện nay, dự án đã tiến hành giải phóng được hơn 55% diện tích mặt bằng. (Ảnh: Hoàng Mạnh Thắng - Tiền phong)

 

Xung quanh khu vực dự án được quây tôn, có bảo vệ canh gác và hạn chế người ra vào. (Ảnh: Thảo Quyên - An ninh tiền tệ)

Thời gian trước, bên trong dự án vẫn còn nhiều sân thể thao, nhà hàng, khu dịch vụ hoạt động. Sau khi dư luận lên tiếng, Q. Hà Đông đã yêu cầu các đơn vị thuê mặt bằng phải di dời khỏi dự án, hiện vật liệu xây dựng của các này vẫn còn ngổn ngang. (Ảnh: Hoàng Mạnh Thắng - Tiền phong)

 

Người dân tận dụng đất trong công viên để trồng rau (Ảnh: Vĩnh Hoàng - Lao động)
Quá trình triển khai dự án đang gặp khó khăn, vướng mắc khi phải chuyển đổi mục đích sử dụng trên hơn 30ha đất lúa từ 2 vụ trở lên thành đất phi nông nghiệp để thực dự án (trong đó gần 24ha thuộc phường Kiến Hưng, hơn 0,6ha thuộc phường Hà Cầu). (Ảnh: Thảo Quyên - An ninh tiền tệ)
Khu vực nghiên cứu dự án có Khu di tích Quốc gia Nhà thờ Hoàng Trình Thanh và Từ chỉ họ Hoàng (được Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch xếp hạng di tích lịch sử quốc gia); khu Nhà Quàn, đền thờ Thần Nông - công trình phục vụ nhu cầu tâm linh, văn hóa lâu đời của người dân làng Đa Sỹ. (Ảnh: Thảo Quyên - An ninh tiền tệ)