Hà Nội: Nhiều người “bỏ” phương tiện cá nhân để đi tàu điện Cát Linh - Hà Đông

Tuyến đường sắt đô thị Cát Linh - Hà Đông đi vào hoạt động, phần nào đã làm thay đổi thói quen đi lại của người dân theo hướng chuyển dịch từ sử dụng xe cá nhân sang phương tiện công cộng, đồng thời tạo dựng văn hóa tham gia giao thông văn minh, lịch sự.

Tuyến đường sắt đô thị Cát Linh - Hà Đông đã đi vào vận hành được gần 3 năm. Tại Hội thảo "Giải bài toán phát triển giao thông đô thị" diễn ra sáng 22/5, ông Vũ Hồng Trường - Tổng Giám đốc Công ty TNHH MTV đường sắt Hà Nội (Hà Nội Metro) cho biết, đến nay tuyến đường sắt đô thị này đã được đông đảo người dân ghi nhận.

Cụ thể, nhiều người đánh giá đây là phương tiện đi lại nhanh chóng, an toàn, xanh, sạch, đẹp. Hiện tại, tàu điện Cát Linh - Hà Đông phục vụ trên 35 ngàn hành khách mỗi ngày. Trong đó, 47% là những người đi làm, 45% là những người đi học và 8% là đi lại với các mục đích khác.

tau-dien-1-1716455283.jpg
Hiện số hành khách di chuyển trên tuyến đường sắt đô thị Cát Linh - Hà Đông bằng vé tháng trong giờ cao điểm chiếm đến hơn 85%

Thời gian đầu, hành khách đi lại trên tuyến chủ yếu là những người đi trải nghiệm. Nhưng hiện tại, hàng khách đi tàu điện theo nhu cầu thực, đã trở thành những khách hàng thân thiết, mua vé theo tháng. Đặc biệt, số khách di chuyển bằng vé tháng trong giờ cao điểm chiếm đến hơn 85%. Điều này đã thực sự góp phần giảm thiểu mật độ xe trên hành lang tuyến vào giờ cao điểm, đồng thời từng bước giảm thiểu ùn tắc giao thông và ô nhiễm môi trường.

Theo ông Vũ Hồng Trường, đường sắt đô thị Cát Linh - Hà Đông đi vào hoạt động đã phần nào làm thay đổi thói quen đi lại của người dân theo hướng chuyển dịch từ sử dụng xe cá nhân sang phương tiện công cộng, đồng thời tạo dựng văn hóa tham gia giao thông văn minh, lịch sự.

Ông Trường cho biết, giai đoạn đầu, người dân chủ yếu sử dụng xe cá nhân để tiếp cận các nhà ga của tuyến. Đến nay, rất nhiều người dân đã chấp nhận đi bộ (thậm chí trên 2km) và sử dụng xe buýt cũng như các phương tiện công cộng khác để tiếp cận các nhà ga. Kết quả điều tra khảo sát cho thấy, trên 60% hành khách có xe máy và 18% có ô tô con nhưng vẫn sử dụng đường sắt đô thị để đi lại với những chuyến đi trong vùng phục vụ của tuyến.

Việc thay đổi thói quen từ sử dụng xe cá nhân sang sử dụng phương tiện công cộng sẽ góp phần giảm thiểu nguy cơ tai nạn giao thông, nhất là ở các đô thị đang sử dụng xe máy là phương tiện đi lại chủ yếu như Việt Nam hiện nay.

tau-dien-1716455283.jpg
Trên 60% hành khách có xe máy và 18% có ô tô con nhưng vẫn sử dụng đường sắt đô thị để đi lại (Ảnh: Phạm Chiểu)

Ông Trường nhìn nhận, trong giai đoạn đầu, vẫn còn những hành vi chưa đẹp xuất hiện tại các nhà ga và trên tàu như nói chuyện ồn ào, vứt rác bừa bãi, không nhường ghế cho người già, phụ nữ, trẻ em… thì đến nay hành khách đã chấp hành nội quy đi tàu. Điều đáng mừng là văn hóa này đang từng bước lan tỏa sang các phương tiện công cộng khác ở Hà Nội như: BRT, xe buýt điện…

Tuyến đường sắt đô thị Cát Linh - Hà Đông dài 13km với 12 nhà ga. Mỗi đoàn tàu có 4 toa, chở được 960 người. Tốc độ tối đa của tàu là 80 km/h, tốc độ khai thác là 35 km/h. Thời gian đoàn tàu di chuyển toàn tuyến hết 23 phút.

Hiện giá vé thấp nhất là 8.000 đồng/lượt, tối đa là 15.000 đồng khi đi toàn tuyến. Giá vé ngày (không giới hạn lượt di chuyển) là 30.000 đồng/người. Giá vé tháng là 200.000 đồng cho khách phổ thông và 100.000 cho học sinh, sinh viên và người lao động tại các khu công nghiệp. Năm 2023, tuyến vận hành hơn 81.000 lượt, vận chuyển 10,7 triệu lượt khách, tăng 31% so với cùng kỳ 2022.

Sau gần 3 năm vận hành tuyến Cát Linh - Hà Đông, Hà Nội Metro đã từng bước xây dựng được đội ngũ nhà quản lý, người hoạch định chính sách, người vận hành khai thác theo hướng chuyên nghiệp. Đặc biệt là bước đầu hình thành số lượng người dân ưu tiên chọn phương tiện công cộng làm phương tiện di chuyển yêu thích, góp phần xây dựng Thủ đô ngày càng xanh, sạch, đẹp. Đây cũng chính là lực lượng tuyên truyền viên thúc đẩy sử dụng vận tải công cộng và giao thông xanh bền vững.

Quy hoạch Thủ đô Hà Nội giai đoạn 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 đã được thông qua tại kỳ họp chuyên đề của HĐND TP. Hà Nội. Mục tiêu đến năm 2030, Hà Nội là thành phố "văn hiến, văn minh, hiện đại, xanh, thông minh, hội tụ tinh hoa văn hóa của cả nước và thế giới, nơi đáng đến và lưu lại, đáng sống và cống hiến". Đồ án quy hoạch Thủ đô xác định có cơ chế đặc thù để đẩy nhanh tiến độ 14 tuyến đường sắt đô thị, tăng 4 tuyến so với quy hoạch trước đó.