Cảnh sống tồi tàn, thiếu ánh sáng trong khu tập thể lâu đời nhất Hà Nộị
Do vướng mắc pháp lý, cũng như đền bù giải phóng mặt bằng nên suốt 20 năm qua, Khu tập thể Nguyễn Công Trứ (Phố Huế, Hai Bà Trưng) vẫn chưa cải tạo xong. Hiện chỉ còn khoảng 700 hộ dân vẫn bám trụ lại trong những căn nhà xập xệ, với điều kiện sống vô cùng tồi tàn.
Trả lời ý kiến cử tri về việc đẩy nhanh tiến độ cải tạo Khu tập thể (KTT) Nguyễn Công Trứ tại phường Phố Huế, UBND TP Hà Nội cho biết, theo đề án cải tạo thì UBND quận Hai Bà Trưng đang phối hợp với Sở Kế hoạch & Đầu tư và Sở Xây dựng khẩn trương tổ chức khảo sát, lập quy hoạch chi tiết, kiểm định chất lượng...
Cũng tại phần trả lời báo cáo cử tri, UBND TP Hà Nội cho biết KTT Nguyễn Công Trứ nằm trong diện quy hoạch cải tạo nhiều năm qua của TP nhưng đến nay công tác cải tạo chưa hoàn thành.
Được biết, năm 2002, UBND TP đã giao Công ty Xây dựng và Phát triển nhà Hai Bà Trưng (nay là Công ty Cổ phần Đầu tư Xây dựng phát triển nhà số 7 Hà Nội - Handico7) làm chủ đầu tư thực hiện dự án cải tạo xây dựng lại KTT Nguyễn Công Trứ.
Đến đầu năm 2016, Handico7 đã hoàn thành và đưa vào sử dụng tòa nhà thí điểm N3 (nằm trong tổng thể dự án cải tạo KTT Nguyễn Công Trứ).
Trao đổi với Đô Thị Mới, đại diện chủ đầu tư cho biết, theo quy hoạch được duyệt, 14 tòa nhà chung cư cũ và các diện tích cơi nới, lấn chiếm xung quanh, các diện tích kiot, chợ, nhà trẻ mẫu giáo tại KTT Nguyễn Công Trứ sẽ được phá dỡ, xây dựng lại thành 9 khối nhà cao tầng (gồm 7 khối nhà ở và 2 khối nhà hỗn hợp) với hệ thống hạ tầng tiện ích đồng bộ.
Tuy nhiên, do vướng mắc trong quá trình giải phóng mặt bằng nên quá trình thực hiện của chủ đầu tư bị gián đoạn. Cụ thể, việc xây dựng lại đồng bộ cả khu tập thể theo quy hoạch được duyệt bao gồm nhiều đối tượng đền bù, GPMB, tái định cư cần phải thỏa thuận. Nhưng các quy định của Nhà nước liên quan đến việc này chưa đầy đủ và rõ ràng.
Đồng thời, đại diện Handico7 cho biết, phạm vi cải tạo KTT Nguyễn Công Trứ nằm trong Vành đai 1, thuộc khu vực hạn chế phát triển nên chiều cao công trình bị khống chế, sàn quy hoạch cho diện tích nhà ở thấp, hệ số đền bù tái định cư cao dẫn đến dự án mất cân đối lớn về tài chính.
Bên cạnh đó, phía chủ đầu tư cho biết, theo quy định tại khoản 3 Điều 110 Luật nhà ở, việc lựa chọn nhà đầu tư thực hiện cải tạo, xây dựng mới nhà chung cư cũ ( trừ nhà chung cư cũ cấp D) phải được 100% các chủ sở hữu đồng ý thông qua hội nghị nhà chung cư. Tuy nhiên, việc này không thu được kết quả như ý khi nhiều hộ dân không hợp tác với nhiều lý do chủ quan và khách quan. Vì vậy, hiện tại công tác cải tạo xây dựng phải tạm dừng, đợi chờ tháo gỡ từ các cơ quan chức năng.
.
Theo tìm hiểu, KTT Nguyễn Công Trứ được xây dựng 1960 và là một trong những khu tập thể lâu đời nhất tại Hà Nội.
KTT này gồm gần 20 khối nhà cao tầng, được đánh ký hiệu A1, A2... H1, H2... Theo thiết kế, giữa các khối nhà đều có sân chung và lối đi.
Tuy nhiên sau nhiều năm, phần lớn khu vực sân chơi, đường đi trong KTT đều bị chiếm dụng làm bãi đỗ xe tự phát hoặc cơi nới làm không gian bán hàng.
KTT Nguyễn Công Trứ là một trong những khu nhà có vị trí “vàng” khi nằm giữa khu dân cư đông đúc, gần với chợ trời, phường Phố Huế của quận trung tâm Hà Nội.
Sau hơn 7 thập kỷ, KTT Nguyễn Công Trữ đã rơi vào tình trạng xuống cấp nghiêm trọng với những dãy nhà bạc màu, vôi vữa tróc lở khắp nơi.
Các căn hộ trong KTT có tổng diện tích khoảng gần 30m2, bao gồm cả công trình phụ. Do tình trạng chật chội nên nhiều vị trí còn trống đã được cơ nới, phục vụ cho không gian sinh hoạt.
Thiết kế bên trong các căn hộ của KTT Nguyễn Công Trứ thường chia một bên là nơi ở, một bên là công trình phụ và có lối đi chung ở giữa.
Do thiếu ánh sáng nên ngày cũng như đêm, dọc hành lang KTT luôn phải bật đèn.
KTT Nguyễn Công Trứ hiện vẫn có gần 700 hộ dân sinh sống. Tuy nhiên do sự xập xệ và xuống cấp nên nhiều gia đình đã chuyển ra ngoài để thuê nhà sinh sống.