Cao tốc TP. HCM - Long Thành - Dầu Giây bị bao phủ bởi “bão bụi”

Bụi đỏ từ công trường sân bay Long Thành khiến các tài xế di chuyển qua cao tốc TP. HCM - Long Thành - Dầu Giây bị hạn chế tầm nhìn, tiểm ẩn nguy cơ tai nạn giao thông.

Bụi đỏ bay mù mịt tại cao tốc TP. HCM - Long Thành - Dầu Giây

Nhiều ngày qua, các tài xế lưu thông trên cao tốc TP. HCM - Long Thành - Dầu Giây đoạn qua xã Lộc An, Bình Sơn huyện Long Thành (Đồng Nai) thường xuyên gặp phải tình trạng bụi đỏ bay mù mụt. Bụi đỏ này có nguồn gốc từ công trường xây dựng sân bay Long Thành. Có thời điểm bụi đỏ bốc cao hàng trăm mét, bao trùm ra khoảng không gian rộng lớn của cao tốc. Tình trạng này gây nguy cơ mất an toàn giao thông vì làm hạn chế tầm nhìn của tài xế trong quá trình điều khiển xe.

Đây không phải lần đầu xảy ra tình trạng này. Trước đó, công trường xây dựng sân bay Long Thành cũng đã xuất hiện tình trạng ô nhiễm bụi nghiêm trọng trong quá trình san lấp mặt bằng. Ô nhiễm bụi không chỉ ảnh hưởng đến môi trường mà còn cả cuộc sống người dân ở khu vực xã Lộc An - Bình Sơn và các khu công nghiệp xung quanh.

Về việc phát sinh bụi trong quá trình thi công dự án sân bay Long Thành giai đoạn 1, Thanh tra Bộ Tài nguyên và Môi trường đã từng ra quyết định xử phạt vi phạm hành chính đối với Tổng Công ty Cảng hàng không Việt Nam (ACV) - chủ đầu tư dự án. Tổng Công ty Cảng hàng không Việt Nam bị xử phạt vì đã thực hiện không đúng, không đầy đủ theo quyết định phê duyệt kết quả thẩm định báo cáo đánh giá tác động môi trường do Bộ Tài nguyên và Môi trường phê duyệt.

Ô tô tưới nước để hạn chế bụi đỏ

Để khắc phục tình trạng ô nhiễm bụi đỏ, ACV đã thực hiện nhiều biện pháp trong thi công như che chắn các phương tiện vận chuyển đất trong công trường, tăng cường xe tưới nước công trường, đào các ao chứa nước… Tuy nhiên, tình trạng ô nhiễm bụi đỏ vẫn xảy ra.

Liên quan đến nguy cơ gây bụi trong thi công Cảng hàng không quốc tế Long Thành, UBND tỉnh Đồng Nai mới đây cũng có kiến nghị Quốc hội xem xét cho phép khảo sát, lập và thực hiện dự án thi công san nền giai đoạn 2 song song với quá trình thi công các công trình của giai đoạn 1. Điều này là để khi dự án sân bay Long Thành giai đoạn 1 hoàn thành đưa vào sử dụng vào năm 2026 thì sẽ không bị ảnh hưởng bụi do thi công san nền giai đoạn 2.

Đến nay, tỉnh Đồng Nai đã giải phóng mặt bằng 5.000ha đất dự án Cảng HKQT Long Thành. (ACV) đang triển khai thi công các hạng mục của dự án giai đoạn 1 trên diện tích 1.800ha. Hiện nay đang vào cao điểm mùa khô, các nhà thầu huy động hơn 4.000 kỹ sư, công nhân cùng khoảng 2.000 máy móc, phương tiện, trang thiết bị để phục vụ thi công ngày đêm liên tục trên công trường có để đẩy nhanh tiến độ.

Công trường sân bay Long Thành

Sân bay Long Thành là dự án trọng điểm quốc gia gồm nhiều dự án thành phần. Tổng mức đầu tư dự án là hơn 336.000 tỷ đồng. Đây được dự tính sẽ là sân bay lớn nhất nước ta trong tương lai với diện tích gần 54km2. Công suất phục vụ của sân bay quốc tế này lên đến 100 triệu hành khách/năm, tương đương dân số Việt Nam.

Sân bay Long Thành được chia làm 3 giai đoạn xây dựng. Giai đoạn 1, dự án sẽ xây một đường cất hạ cánh, nhà ga hành khách cùng các hạng mục phụ trợ với công suất 25 triệu khách một năm. Giai đoạn 2, dự án sẽ được xây thêm một đường cất hạ cánh và nhà ga đáp ứng công suất 50 triệu khách một năm, hoàn thành năm 2035. Gia đoạn 3 sẽ hoàn thành các hạng mục còn lại để sân bay đạt công suất 100 triệu khách/năm.