Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Bộ Tư pháp Lê Thành Long vừa trình Quốc hội dự thảo Luật Công chưng (sửa đổi). Trong đó, có nội dung đáng chú ý là Điều 41 dự thảo giới hạn quyền công chứng giao dịch bất động sản của công chứng viên trong phạm vi đơn vị hành chính cấp tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương nơi tổ chức hành nghề đặt trụ sở.
Quy định này ngoại trừ với trường hợp công chứng di chúc, văn bản từ chối nhận di sản, văn bản quỷ quyền liên quan đến bất động sản, thỏa thuận xác lập chế độ tài sản vợ chồng và công chứng việc sửa đổi, bổ sung, chấm dứt, hủy bỏ các bản vừa nêu.
Tuy nhiên, về nội dung giới hạn thẩm quyền công chứng trong lĩnh vực bất động sản, cơ quan thẩm tra là Ủy ban Pháp luật đề nghị xem xét chỉnh lý thương hướng mở rộng phạm vi các giao dịch, không phụ thuộc vào địa giới hành chính.
Ủy ban Pháp luật cho rằng, hiện chưa có nghiên cứu hay số liệu cụ thể nào chứng minh độ thiếu an toàn nếu công chứng viên nhận giao dịch bất động sản ngoài phạm vi tỉnh, thành phố nơi tổ chức của mình đặt trụ sở. Trong khi đó, quy định phạm vi hành chính gây bất tiện trong nhiều giao dịch như phân chia di sản thừa kế, thế chấp, cho thuê…do bất động sản nằm rải rác ở địa phương khác nhau.
Ngoài ra, các cơ sở dữ liệu quốc gia về đất đai, nhà ở, bất động sản khác đã được xây dựng và dần đưa vào khai thác. Cơ sở dữ liệu công chứng, công chứng điện tử cũng đang dự kiến được áp dụng, dần xóa bỏ rào cản về địa lý bằng các giải pháp công nghệ.
Theo đó, Ủy ban Pháp luật cho rằng, giới hạn thẩm quyền công chứng trong phạm vi đơn vị hành chính sẽ gây khó khăn cho người dân, doanh nghiệp, không còn phù hợp với chủ trương đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin, chuyển đổi số hiện nay.
Bên cạnh những ý kiến đánh giá cao đề xuất này sẽ giúp thuận tiện hơn trong việc làm các thủ tục liên quan đến công chứng, thì vẫn có những ý kiến trái chiều.
Tại phiên thảo luận tổ về dự thảo Luật Công chưng (sửa đổi), đại biểu Nguyễn Thị Hồng Hạnh - Phó Giám đốc Sở Tư pháp TP.HCM cho rằng, nên giữ nguyên quy định giới hạn thẩm quyền công chứng giao dịch bất động sản trong phạm vi hành chính.
Lý giải quan điểm, bà Hạnh cho biết, dù đã có cơ sở dữ liệu chung và vẫn đang tiếp tục được xây dựng nhưng các số liệu cũng như thông tin liên quan cần có thời gian để hoàn thiện, làm đầy, đảm bảo độ chính xác.
Bên cạnh đó, tình trạng giả mạo trong các hợp đồng công chứng, lừa đảo công nghệ đang diễn ra khá nhiều, nếu không có sự hoàn thiện về cơ sở dữ liệu, đồng bộ về trang thiết bị, các biện pháp phòng ngừa thì việc bỏ địa hạn trong công chứng giao dịch bất động sản sẽ rất nguy hiểm, người lãnh chịu hậu quả sẽ là người dân.
Đồng quan điểm, bà Đỗ Thị Việt Hà – Giám đốc Sở Tư pháp tỉnh Bắc Giang cho biết, việc bỏ phạm vi giới hạn công chứng bất động sản tức là văn phòng công chứng ở địa bàn tỉnh A sẽ được công chứng với bất động sản tỉnh B. Điều này không nên bởi nếu quá cởi mở sẽ dễ nảy sinh tiêu cực.
Dự thảo Luật Công chứng (sửa đổi) cũng bổ sung quy định về đạo tạo nghề công chứng, thời gian tập sự hành nghề công chứng, độ tuổi hành nghề công chứng viên đến 70 tuổi và một số quy định cải cách thủ tục hành chính, cắt giảm điều kiện kinh doanh.
Với các tổ chức hành nghề công chứng, dự thảo luật quy định theo hướng tăng kiểm soát của Nhà nước; văn phòng công chứng chỉ được thay đổi trụ sở trong phạm vi địa bàn cấp huyện, nhằm đảm bảo sự ổn định, phân bố hợp lý các cơ sở công chứng.