Chị Nguyễn Thị Ánh (quận Long Biên, Hà Nội) cho biết, những ngày này đi chợ, chị luôn giật mình vì số tiền mua thực phẩm nhiều hơn dự định. Giá rau xanh tăng vài nghìn đồng, gạo tăng 3.000 - 5.000 đồng tùy loại, còn giá thịt lợn cũng tăng khoảng 10.000 đồng/kg.
Chị bảo, vợ chồng chị đều là công nhân, thu nhập thấp nên phải căn ke từng đồng mới đủ chi phí sinh hoạt hàng ngày và nuôi 2 con ăn học. Thế nên, hàng hóa sinh hoạt gì tăng vài nghìn đồng là chị cũng để ý. Bởi, dù tăng ít nhưng chi phí ấy về lâu dài cũng sẽ lẹm vào những khoản khác của gia đình.
Anh Nguyễn Văn Trọng (quê ở Lai Châu) làm công nhân cơ khí cho một doanh nghiệp chuyên về biển bảng quảng cáo ở Hà Nội. Còn vợ anh làm công nhân cho một công ty gia công sắt thép. Tổng thu nhập của hai vợ chồng được khoảng 25 triệu đồng/tháng.
Nhưng từ Tết đến nay, công ty anh Trọng không có mấy đơn hàng nên hầu như công nhân không có việc làm. Anh Trọng cho biết, mọi người phải nhận các công việc khác như sửa sang nhà cửa, công trình dân dụng. Mỗi tháng, một người cũng chỉ được vài công, mong qua giai đoạn khó khăn này.
Anh cho biết thêm, thu nhập của vợ anh tháng nào cao thì được khoảng 12 triệu đồng, còn lại trung bình được 8 triệu đồng/tháng. Công ty vợ anh trả lương vào ngày 10 hàng tháng, nhưng hiện đã quá ngày mà vợ anh vẫn chưa nhận được. Công ty anh ít việc nên chi phí của gia đình thời gian này chỉ trông chờ vào tiền lương của vợ. Nhưng giờ, công ty cũng chậm lương khiến vợ chồng anh phải vay chỗ nọ đập chỗ kia.
Anh Trọng thở dài chia sẻ, dù thu nhập có giảm thì vợ chồng anh vẫn phải cố định gửi về quê 5 triệu đồng để lo tiền ăn học và sinh hoạt cho hai đứa con cùng bố mẹ đã già yếu và 1,5 triệu đồng tiền nhà trọ và điện nước. Do đó, vợ chồng tôi phải tiết kiệm từ thứ nhỏ nhất, nắng nóng cũng cố chịu không bật điều hoà sợ tốn tiền điện, ăn uống đơn giản và hầu như không ăn hàng quán hay tụ tập bạn bè. Cả năm, vợ chồng anh hầu như không mua quần áo mới.
Không chỉ gia đình chị Ánh, anh Trọng tính toán chi li từng đồng mà hầu hết công nhân có thu nhập thấp đều đang trong tình trạng này. Nhất là khi, Hà Nội là địa phương đắt đỏ nhất cả nước.
Công nhân phải cắt giảm chi tiêu một cách tối đa tất cả các nhu cầu về ăn, mặc, ở… cũng ảnh hưởng tới nhiều tiểu thương buôn bán. Chị Nguyễn Thị Mai - tiểu thương bán hàng quần áo tại chợ Mun (xã Kim Chung, huyện Đông Anh, Hà Nội) cho biết, chị bán quần áo ở khu chợ này đã được hơn 10 năm. Những năm trước, một ngày chị có thể bán được được vài triệu đồng tiền hàng, lãi khoảng 400 - 500 nghìn đồng/ngày. Nhưng hiện tại, ngay cả cuối tuần chợ cũng vắng hoe. Có ngày, chị chỉ bán được đúng 1 chiếc quần với giá 120 nghìn đồng.
Chị Mai chia sẻ, công nhân tới khu này trọ rất đông. Thế nên, các hàng quán, chợ cóc và dịch vụ cũng chủ yếu phục vụ công nhân. Nhưng thời gian gần đây, công nhân ít việc, trả phòng về quê, nhà trọ thừa phòng, các quán ăn thi nhau chuyển nhượng, tiểu thương ở chợ cũng chết đói.
Anh Trần Văn Dũng mở hàng ăn sáng tại khu vực này chia sẻ, trước đây, anh chỉ bán đồ ăn sáng. Nhưng hiện tại, anh đã phải bán thêm cả buổi trưa mà cũng không đủ chi phí thuê mặt bằng. Anh bảo hàng ăn của anh sẽ không trụ được nếu tình trạng này không cải thiện.
Chị Nguyễn Thị Nhung bán rau, củ, quả gần khu công nghiệp Quang Minh (Mê Linh, Hà Nội). Việc mưu sinh của chị chưa bao giờ khó khăn như lúc này. Trước đây, chị chỉ mất vài giờ là có thể dọn hàng vì lượng khách, chủ yếu là công nhân rất đông. Nhưng nay công nhân thưa thớt, người mua hàng của chị chủ yếu là khách vãng lai và người dân khu vực gần đó nên việc buôn bán ế ẩm.
Chị Nhung cho hay, việc làm và thu nhập bấp bênh khiến công nhân hạn chế chi tiêu. Nhiều khách quen do công việc không ổn định nên dọn đi nơi khác hoặc về quê nên việc buôn bán ế ẩm cũng dễ hiểu.