Dự án cầu vượt biển dài nhất miền Trung quyết về đích trong năm 2024

Được xem là cây cầu vượt biển dài nhất miền Trung – công trình cầu qua cửa biển Thuận An (TP. Huế) với mức đầu tư 2.400 tỷ đồng đang nhộn nhịp thi công để về đích đúng hạn.

Tháng 3/2022, dự án tuyến đường ven biển qua tỉnh Thừa Thiên Huế và cầu qua cửa biển Thuận An nối phường Thuận An và xã Hải Dương (TP. Huế) được khởi công xây dựng. Giai đoạn 1 của dự án do BQL dự án Đầu tư xây dựng Công trình giao thông tỉnh làm chủ đầu tư.

Công trình dự kiến thực hiện trong 3 năm với tổng mức đầu tư 2.400 tỷ đồng. Toàn tuyến có chiều dài gần 8km, trong đó cầu qua cửa biển Thuận An dài khoảng 2,36km, bề rộng 20m, mặt cắt ngang tuyến 26m. Dự án có điểm đầu tuyến từ nút giao Quốc lộ 49B – cầu Tam Giang (xã Hải Dương), điểm cuối là nút giao Quốc lộ 49A - 49B (thị trấn Thuận An).

Cầu qua cửa biển Thuận An có nhịp chính dài 218m, cao 40. Hiện nay, đây là nhịp cầu dầm – cáp hỗn hợp cao và dài nhất nước ta. Khi hoàn thành, cây cầu này sẽ trở thành cầu cửa biển dài nhất miền Trung.

Sau gần 2 năm khởi công, dự án đang dần lộ diện. Phần cầu đã thi công đạt khoảng 50% khối lượng công việc. Được đánh giá là hạng mục khó nhất, hai trụ chính T27 và T26 nằm giữa biển đã hoàn thành hơn 50%.

Thời điểm hiện tại, các hạng mục trên mặt biển cũng được đơn vị thi công đẩy nhanh tiến độ. Trên địa bàn tỉnh Thừa Thiên Huế, dự án này được đánh giá có tiến độ giải ngân vốn đầu tư công tốt nhất.

Các đơn vị đang triển khai nhiều hạng mục thi công thân, xà mũ trụ, đổ bê tông dầm, lao lắp… ở 2 phía đầu cầu xã Hải Dương và phường Thuận An.

Đối với dự án, vướng mắc lớn nhất thời điểm này chính là công tác giải phóng mặt bằng và đền bù. Phó Giám đốc Trung tâm phát triển quỹ đất TP. Huế - ông Bùi Ngọc Chánh cho biết, giai đoạn 1 của dự án có tổng diện tích đất thu hồi khoảng 31ha, phạm vi giải phóng thuộc địa bàn xã Hải Dương, phường Thuận An. Diện tích đất thu hồi gồm đất ở, đất nghĩa trang, đất trồng lúa, nuôi trồng thủy sản.

Đến nay, tại địa bàn xã Hải Dương công tác giải phóng mặt bằng cơ bản hoàn tất phần đất ở, đất sản xuất. Tuy nhiên vẫn còn 34 lăng mộ kiến trúc phức tạp chưa được giải phóng và đang chờ 1 đơn vị độc lập rà soát, lập dự toán để địa phương có cơ sở đền bù.

Công tác giải phóng mặt bằng ở phường Thuận An đã hoàn thành được 4,1ha đất rừng phòng hộ và di dời các lăng mộ tới địa điểm mới.

Có 229 hộ dân có diện tích đất cần giải tỏa, trong đó 120 trường hợp bố trí tái định cư. Công việc kiểm đếm, kê khai nguồn gốc sử dụng đất với các hộ thuộc diện giải tỏa đã được chính quyền hoàn tất. Chính quyền địa phương và các cơ quan ban ngành đang vận động người dân trả lại cho nhà nước các thửa đất có nguồn gốc lấn chiếm, không đủ điều kiện đền bù, bố trí tái định cư.

Rừng phi lao phòng hộ tại khu vực này đã được chặt hạ để làm nhà ở công nhân và bãi vật liệu dự án. Sau khi dự án hoàn thành, rừng phòng hộ sẽ được địa phương trồng lại.

Hiện BQL dự án và liên danh các nhà thầu đang đặt quyết tâm sẽ hợp long cầu, hoàn thiện mặt cầu, bờ bò, lan can, khe co giãn các nhịp còn lại vào tháng 10/2024 để thông xe kỹ thuật.

Cầu vượt biển Thuận An được xây dựng sẽ tạo điều kiện để thúc đẩy việc hình thành các đô thị ven biển, thúc đẩy du lịch, dịch vụ, kinh tế - xã hội và cải thiện đời sống của người dân thuộc các xã ven biển của tỉnh.

Ngoài ra dự án còn kết nối thông suốt với tuyến đường bộ ven biển quốc gia đã được quy hoạch, tạo điều kiện thuận lợi cho vận tải theo hướng Bắc – Nam, tăng tính kết nối đến các cảng biển, khu công nghiệp, khu kinh tế trọng điểm. Đồng thời củng cố an ninh quốc phòng, nâng cao năng lực cứu hộ, cứu nạn, phòng tránh thiên tai, bảo vệ tính mạng và tài sản của người dân mùa mưa bão.