Dự báo hai kịch bản của giá vàng trong năm 2025

Các chuyên gia dự báo, giá vàng trong năm 2025 có thể tiếp tục tăng nhờ vào chính sách của Fed, nhưng sẽ đối mặt với nhiều thách thức khi nền kinh tế phục hồi. Vì vậy, nhà đầu tư nên thận trọng bởi lúc đó vàng sẽ không còn là kênh đầu tư hấp dẫn.

Theo ông Nguyễn Quang Huy, CEO Khoa Tài chính Ngân hàng, Đại học Nguyễn Trãi, chính sách tiền tệ toàn cầu sẽ là yếu tố quan trọng ảnh hưởng đến giá vàng. Cả Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) và Ngân hàng Trung ương Châu Âu (ECB) đã cắt giảm lãi suất vào cuối năm 2024 và có thể tiếp tục giảm thêm trong năm 2025. Cùng với đó, sự phát triển tiền như Bitcoin có thể làm giảm chi phí cơ hội nắm giữ vàng và hỗ trợ giá vàng.

Giá vàng trong nước vẫn tăng nhưng chậm

Tuy nhiên, việc các Ngân hàng Trung ương Trung Quốc và Ấn Độ tăng cường dự trữ vàng để bảo vệ nền kinh tế trước sự biến động của đồng USD sẽ thúc đẩy cầu vàng toàn cầu. Do vậy, ông Huy nhận định, giá vàng năm 2025 sẽ chịu ảnh hưởng từ hai kịch bản chính.

Kịch bản đầu tiên là nếu lạm phát toàn cầu giảm mạnh, các chính sách tiền tệ được kiểm soát và căng thẳng địa chính trị lắng dịu, giá vàng có thể giảm xuống mức 2.200 - 2.400 USD/ounce. Kịch bản thứ hai là nếu nền kinh tế toàn cầu rơi vào suy thoái hoặc xung đột địa chính trị gia tăng, giá vàng có thể vượt 2.700 - 3.000 USD/ounce, trở lại vị thế kênh trú ẩn an toàn.

Đối với giá vàng trong nước, dù luôn chịu tác động từ giá vàng thế giới nhưng vẫn có những đặc thù riêng, đặc biệt là sự điều tiết của Nhà nước. Chính phủ đang thực hiện các biện pháp ổn định thị trường vàng, nhằm hạn chế tác động tiêu cực từ biến động giá vàng thế giới và giảm thói quen tích trữ vàng. Tuy nhiên, nhu cầu vàng vật chất trong nước vẫn khá lớn, đặc biệt trong các dịp lễ Tết, cưới hỏi.

Ông Huy cho rằng, giá vàng trong nước cũng sẽ có 2 kịch bản. Cụ thể, nếu giá vàng thế giới giảm, giá vàng SJC có thể dao động từ 60 – 65 triệu đồng/lượng; ngược lại, nếu giá vàng thế giới tăng, giá vàng trong nước có thể vượt mức 75 - 80 triệu đồng/lượng, nhưng sẽ bị hạn chế bởi chính sách điều tiết của Nhà nước.

quang-huy-dai-hoc-nguyen-trai-1734867586.jpg

Ông Nguyễn Quang Huy, CEO Khoa Tài chính Ngân hàng, Đại học Nguyễn Trãi

Tương tự, Hội đồng Vàng Thế giới (WGC) cho biết, giá vàng đã tăng gần 30% trong 11 tháng đầu năm 2024, chủ yếu nhờ vào lực mua từ các ngân hàng trung ương và nhu cầu vàng từ các nhà đầu tư châu Á. Tuy nhiên, năm 2025, giá vàng vẫn có thể tiếp tục tăng nếu xuất hiện các yếu tố đột biến như việc Fed dừng giảm lãi suất, hoặc tình hình kinh tế xấu đi nhanh chóng, nhưng tốc độ sẽ chậm lại.

Cũng đưa ra nhận định liên quan đến vàng, chuyên gia Trịnh Hà từ Exness Investment Bank lưu ý, lực mua từ các ngân hàng trung ương đang giảm dần, từ chiếm 20% nhu cầu vàng toàn cầu vào năm 2023, xuống chỉ còn 8% vào quý III/2024.

Năm 2025, nhà đầu tư cần theo dõi kỹ các chính sách của Tổng thống Mỹ Donald Trump, vì nếu lạm phát tăng và Fed phải tăng lãi suất, vàng sẽ trở lại là tài sản hấp dẫn. Ngược lại, nếu nền kinh tế Mỹ phục hồi tốt và chính sách của Trump hỗ trợ tăng trưởng, dòng tiền sẽ chuyển sang các tài sản rủi ro hơn.

Vàng có thể rơi vào trạng thái “ngủ đông”

Trong khi đó, ông Ngô Thành Huấn, Giám đốc điều hành Công ty FIDT nhận định, năm 2025 sẽ là giai đoạn tiền phục hồi của nền kinh tế thế giới, khi cổ phiếu trở thành kênh đầu tư hấp dẫn nhất. Dẫn ví dụ trong quá khứ, ông Huấn cho biết, từ 2013-2018, giá vàng đã giảm mạnh và đi ngang suốt 6 năm, điều này cho thấy vàng không phải luôn là sự lựa chọn tốt khi nền kinh tế phục hồi.

Mặc dù vàng vẫn có thể tăng trong năm 2025 nhờ vào việc Fed tiếp tục cắt giảm lãi suất, nhưng khi nền kinh tế cải thiện, giá vàng sẽ khó duy trì đà tăng và có thể giảm 5-15%. Nhà đầu tư nên hạn chế nắm giữ từ năm 2026, vì khi nền kinh tế bắt đầu phục hồi, vàng sẽ bước vào giai đoạn “ngủ đông”.

Nhà đầu tư nên hạn chế nắm giữ từ năm 2026, vì khi nền kinh tế bắt đầu phục hồi, vàng sẽ bước vào giai đoạn “ngủ đông”

Cũng theo TS. Nguyễn Trí Hiếu, nếu tình hình Trung Đông tiếp tục căng thẳng, vàng sẽ là nơi trú ẩn an toàn. Tuy nhiên, nếu kinh tế Mỹ tăng trưởng ổn định, đặc biệt nếu các chính sách của Trump thúc đẩy nền kinh tế, dòng tiền có thể chuyển ra khỏi vàng và vào các kênh đầu tư khác. Do đó, việc quản lý thị trường vàng trong nước và biến động tỷ giá sẽ không có lợi cho đầu tư vào vàng trong năm 2025.

Ông Phan Dũng Khánh, chuyên gia tài chính phân tích, dù giá vàng có thể giảm, nhưng mức giảm sẽ không quá sâu vì nhu cầu từ các tổ chức lớn luôn tạo lực đỡ cho giá vàng. Do đó, nhà đầu tư không nên dùng đòn bẩy khi tham gia vào thị trường vàng và cần theo dõi sát sao các yếu tố như căng thẳng địa chính trị, xu hướng cắt giảm lãi suất, và diễn biến của đồng USD.

Theo ông Shaokai Fan, Giám đốc khu vực châu Á - Thái Bình Dương (ngoại trừ Trung Quốc) và Giám đốc Ngân hàng Trung ương toàn cầu tại Hội đồng Vàng Thế giới, thị trường vàng toàn cầu trong quý III/2024 đã chứng kiến sự trở lại của các nhà đầu tư châu Âu vào vàng ETF sau một thời gian dài vắng bóng. Tuy nhiên, đến quý IV/2024, nhóm nhà đầu tư này đã chuyển hướng sang các kênh đầu tư khác.

Chuyên gia này nhận định, giá vàng trong thời gian tới khó có thể dự đoán chính xác do sự bất định trong chính sách của tân Tổng thống Mỹ Donald Trump. Dù vẫn có những yếu tố hỗ trợ giá vàng nhưng ông Shaokai Fan cho biết, giá vàng có thể giảm nếu Mỹ đạt được thỏa thuận hòa bình với Nga. Bên cạnh đó, nhà đầu tư cũng có thể tiếp tục chuyển dòng vốn từ vàng sang các kênh đầu tư khác khi các yếu tố bất ổn giảm dần.