Diễn biến ngược chiều của doanh nghiệp và Ngân hàng Nhà nước với áp lực tỷ giá

Tỷ giá USD/VND liên tục căng thẳng trong thời gian vừa qua, khiến hoạt động kinh doanh của nhiều doanh nghiệp biến động. Tuy nhiên, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước (NHNN) Nguyễn Thị Hồng cho rằng, tỷ giá lúc tăng lúc giảm là điều hết sức bình thường, Ngân hàng Nhà nước vẫn theo dõi sát, có các biện pháp ứng phó kịp thời, tạo sự yên tâm cho doanh nghiệp.

Theo báo cáo của Công ty chứng khoán KB Việt Nam (KBSV), trong 4 tháng đầu năm, tỷ giá liên ngân hàng USD/VND đã tăng hơn 4%. Điều này khiến các doanh nghiệp xuất nhập khẩu, vay nợ đầu tư bằng ngoại tệ “chóng mặt” khi chi phí tăng lên, giảm hiệu quả lợi nhuận.

Doanh nghiệp “ngấm đòn”

Báo cáo tài chính quý I/2024 của Tổng Công ty Phát điện 3 – CTCP (EVNGenco 3) cho biết, lợi nhuận sau thuế âm 652 tỉ đồng, trong khi quý I/2023 lãi 621 tỉ đồng. Nguyên nhân lớn dẫn đến kết quả kinh doanh thua lỗ này là công ty phải ghi nhận khoản lỗ chênh lệch tỷ giá 617 tỉ đồng, trong khi cùng kỳ lãi 172 tỉ đồng.

Tính đến ngày 31/3/2024, EVNGenco 3 có 34.500 tỉ đồng nợ vay, trong đó có 5.360 tỉ đồng vay ngắn hạn và 29.187 tỉ đồng dài hạn. Đây chủ yếu là các khoản nợ bằng USD, CNY, JPY để đầu tư dự án Nhà máy Nhiệt điện Mông Dương 1, Nhiệt điện Vĩnh Tân 2, Thủy điện Buôn Kuốp, Nhiệt điện Phú Mỹ 1.

Tỷ giá tăng mạnh khiến nhiều doanh nghiệp có giao dịch bằng ngoại tệ gánh khoản lỗ chênh lệch không nhỏ

Tương tự, Tập đoàn Dệt may Việt Nam (Vinatex) cũng ghi nhận giảm 35% lợi nhuận sau thuế so với cùng kỳ năm ngoái còn 36,6 tỉ đồng. Đóng góp một phần vào mức giảm này là khoản lỗ tỷ giá 46 tỉ đồng, gần gấp đôi quý I/2023.

Theo ông Lê Tiến Trường, Chủ tịch Vinatex, các doanh nghiệp dệt may phải đối diện với nhiều thách thức trong năm 2024 như đơn hàng chưa ổn định, áp lực giảm giá bán, cạnh tranh, nền chi phí cao hơn. Điều đáng lo nhất là khoản lỗ tỷ giá khi đánh giá lại các khoản mục có gốc ngoại tệ do sức tăng thời gian vừa qua.

Tương tự, Công ty CP Thế giới Di động cũng chịu khoản lỗ chênh lệch tỷ giá 102 tỉ đồng trong quý I/2024; Vietnam Airlines lỗ chênh lệch tỷ giá 772 tỉ đồng, gấp 3 lần cùng kỳ, do doanh nghiệp có nhiều khoản vay bằng ngoại tệ khiến chi phí tài chính tăng gấp đôi lên 1.470 tỷ đồng.

Tỷ giá USD/VND tăng khiến không ít doanh nghiệp thuộc các ngành nghề khác ghi nhận lỗ tỷ giá trong quý I/2024 như Tập đoàn Hòa Phát có khoản lỗ tỷ giá đã thực hiện 231 tỉ đồng và lỗ chênh lệch tỷ giá chưa thực hiện phát sinh thêm 184 tỷ đồng.

Nguyên nhân đến từ tỷ trọng nhập khẩu nguyên liệu đầu vào có đến 70% từ nước ngoài. Giá trị nhập khẩu lớn hơn giá trị xuất khẩu khiến tỷ giá ảnh hưởng lớn đến chi phí sản xuất.

Một trường hợp khác là REE, trong quý I/2024 cũng lỗ chênh lệch tỷ giá lên đến 10 tỉ đồng trong khi cùng kỳ chỉ lỗ 5 tỉ đồng. Lý do là tỉ giá liên tục tăng từ đầu năm dẫn đến đơn vị đánh giá lại các khoản mục tiền tệ có gốc ngoại tệ.

Từ những kết quả này, hầu hết đại diện của các doanh nghiệp đều cho rằng, biến động thất thường của tỷ giá ngày càng tác động nhiều hơn đến hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp. Dù đã có rất nhiều biện pháp chủ động phòng ngừa rủi ro nhưng việc tỷ giá ngày càng căng thẳng khiến các doanh nghiệp đang phải dành nhiều thời gian việc tìm cách ứng phó hơn là hoạt động kinh doanh. 

Ngân hàng Nhà nước khẳng định vẫn kiểm soát tốt

Chiều ngày 29/5, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước (NHNN) Nguyễn Thị Hồng đã có giải trình trước Quốc hội về những vấn đề đang được quan tâm. Trong đó có nội dung liên quan đến tỷ giá, thuộc quản lý của NHNN.

Theo đó, Thống đốc Nguyễn Thị Hồng cho rằng, việc tỷ giá đang chịu áp lực tăng trong thời gian qua cũng là diễn biến chung của thế giới, thậm chí nhiều đồng tiền của các nước trong khu vực mất giá ở mức cao.

Thống đốc NHNN Nguyễn Thị Hồng cho biết việc tỷ giá tăng giảm là hết sức bình thường

Theo đó, Thống đốc Nguyễn Thị Hồng nhận định, tỷ giá lúc tăng lúc giảm là rất bình thường. NHNN đã theo dõi sát, thực hiện đồng bộ các giải pháp, chính sách điều tiết tiền tệ nhằm đảm bảo nguồn ngoại tệ cho các doanh nghiệp nhập khẩu, phục vụ sản xuất trong nước.

Trong thời gian qua, nguồn ngoại tệ cung ứng chủ yếu cho nhu cầu nhập khẩu để sản xuất trong nước. Tới đây, với sự phát triển trở lại của sản xuất và tăng xuất khẩu, cung cầu ngoại tệ sẽ được hỗ trợ nhiều. Đặc biệt, khi chỉ số USD có diễn biến tăng, các doanh nghiệp đã tăng cường hoạt động mua trước, khiến cầu ngoại tệ trong tương lai sẽ có xu hướng giảm. Bên cạnh đó, FED có thể điều chỉnh giảm lãi suất vào cuối năm.

“Nhiều dự báo đang cho thấy, tỷ giá sẽ được hạ nhiệt vào cuối năm”, Thống đốc Nguyễn Thị Hồng cho biết.

Với những đề xuất nên tăng lãi suất để huy động ngoại tệ từ người dân, bà Hồng nhấn mạnh, những năm qua, NHNN kiên định với mục tiêu “chống đô la hóa”, đã thực hiện nhiều biện pháp cùng các bộ ngành kiểm soát lạm phát, tăng giá trị đồng VND, triệt tiêu những lợi ích từ việc nắm giữ USD. 

Lãi suất USD đưa về 0% là một trong những giải pháp để khuyến khích người dân có ngoại tệ bán cho tổ chức tín dụng và tổ chức tín dụng bán cho NHNN để tăng dự trữ ngoại hối. Khi dự trữ tăng lên sẽ có dư địa để can thiệp, ổn định thị trường tỷ giá và ngoại hối.

Biến động giá vàng không loại trừ đến từ hành vi đầu cơ

Liên quan đến thị trường vàng, Thống đốc Nguyễn Thị Hồng cho biết, giá vàng tăng cao và biến động phức tạp thời gian qua là diễn biến chung của thế giới chứ không riêng gì Việt Nam. Tuy nhiên, chênh lệch giá vàng trong nước và thế giới luôn ở mức cao, đòi hỏi phải có biện pháp thu hẹp.

Trong thời gian qua, NHNN đã tổ chức 9 phiên đấu thầu vàng nhằm tăng nguồn cung ra thị trường, hướng tới thu hẹp khoảng cách với thế giới. Thế nhưng, do kết quả không đạt như kỳ vọng nên việc đầu thầu đã dừng lại để thực hiện phương án mới là bán bán vàng cho Vietcombank, Agribank, VietinBank, BIDV, sau đó các ngân hàng này sẽ bán lại cho người dân.

Song song với đó, NHNN quyết định thành lập đoàn thanh tra liên ngành, nhằm thanh tra toàn diện về mọi mặt, từ hóa đơn chứng từ, đến phòng chống rửa tiền...của các tổ chức tín dụng và doanh nghiệp kinh doanh vàng.Bởi lẽ, những biến động trên thị trường vàng thời gian qua không ngoại trừ đến từ hành vi vi phạm đầu cơ, găm giữ hàng, đẩy giá...