Công ty TNHH Phát triển Bất động sản Nhà Sài Gòn vừa hoàn tất việc phát hành thành công lô trái phiếu không đảm bảo với tổng giá trị đạt 340,4 tỉ đồng, tương đương 2,8 lần vốn điều lệ hiện tại. Lô trái phiếu này có thời hạn 24 tháng, đáo hạn vào ngày 30/9/2026, lãi suất cố định 11%/năm. Đây là lần đầu tiên doanh nghiệp này phát hành trái phiếu kể từ khi được thành lập (14/1/2021).
Nhiều doanh nghiệp đồng loạt phát hành
Theo dữ liệu từ Sở GDCK Hà Nội (HNX), lô trái phiếu của Nhà Sài Gòn không có quyền chuyển đổi, không kèm chứng quyền và không có tài sản đảm bảo, hay nói cách khác đây là lô trái phiếu “3 không”, Công ty CP Chứng khoán MB đóng vai trò là tổ chức liên quan.
Theo đánh giá của Saigon Ratings, Nhà Sài Gòn hiện đang có mức xếp hạng tín nhiệm là vnB- (trong cùng hạng vnB). Đây là mức xếp hạng cao thứ tư trong hệ thống xếp hạng của Saigon Ratings. Các tổ chức phát hành có mức xếp hạng này dễ bị ảnh hưởng tiêu cực bởi rủi ro phá sản và thường mang tính chất đầu cơ cao.
Mặc dù bên đi vay vẫn có khả năng đáp ứng các nghĩa vụ tài chính phát sinh từ khoản vay, nhưng họ phải đối mặt với nhiều bất ổn trong hoạt động kinh doanh, điều này có thể dẫn đến khả năng không thể đáp ứng được các cam kết tài chính.
Được biết, Công ty TNHH Phát triển Bất động sản Nhà Sài Gòn có vố điều lệ 122 tỉ đồng. Như vậy, giá trị lô trái phiếu vừa phát hành của công ty gấp 2,8 lần vốn điều lệ của doanh nghiệp.
Tương tự, Công ty CP Đầu tư và Phát triển Residence (công ty con của Novaland) cũng vừa hoàn tất việc phát hành lô trái phiếu có giá trị 660 tỉ đồng và lãi suất 11% mỗi năm. Lô trái phiếu này có kỳ hạn 24 tháng và sẽ đáo hạn vào ngày 30/9/2026. Đây cũng là lô trái phiếu “3 không”: không có quyền chuyển đổi, không kèm theo chứng quyền và không có tài sản đảm bảo. Công ty CP Chứng khoán MB là tổ chức liên quan.
Không khác Nhà Sài Gòn, Công ty Đầu tư và Phát triển Residence hiện có mức xếp hạng tín nhiệm là vnB do Saigon Ratings xếp hạng. Trước đó, từ tháng 5 - 7/2021, công ty đã phát hành 6 lô trái phiếu với tổng giá trị 3.000 tỉ đồng. Các lô trái phiếu này đã đáo hạn vào năm 2022.
Trước đó, Công ty CP Nhiệt điện Thăng Long đã hoàn tất phát hành lô trái phiếu “ba không” với giá trị gần 900 tỷ đồng trong bối cảnh hoạt động kinh doanh thua lỗ gần 460 tỉ đồng trong nửa đầu năm 2024. Lô trái phiếu ngày có kỳ hạn 3 năm, đáo hạn vào ngày 22/8/2027.
Công ty CP Đầu tư Hạ tầng Kỹ Thuật TP.HCM (HoSE: CII) mới đây đã lên phương án chào bán trái phiếu không chuyển đổi, không kèm chứng quyền và không được bảo đảm bằng tài sản. Tổng giá trị lô trái phiếu sắp phát hành là 300 tỉ đồng, kỳ hạn 2 năm với lãi suất 10%/năm.
Lại ngại tiềm ẩn rủi ro
Năm 2021 được ghi nhận là năm bùng nổ của trái phiếu “3 không” – loại trái phiếu không chuyển đổi, không kèm chứng quyền và không có tài sản đảm bảo. Sự tăng trưởng mạnh mẽ này bắt nguồn từ nhu cầu vốn lớn của các doanh nghiệp bất động sản và các công ty vừa và nhỏ tìm kiếm nguồn tài trợ linh hoạt mà không phải chịu gánh nặng về tài sản đảm bảo.
Đồng thời, môi trường lãi suất thấp và sự phục hồi kinh tế sau đại dịch COVID-19 đã tạo điều kiện thuận lợi cho việc phát hành các trái phiếu này. Nhà đầu tư cũng quan tâm đến trái phiếu “3 không” nhờ lãi suất hấp dẫn và khả năng sinh lời cao hơn so với các công cụ tài chính truyền thống.
Tuy nhiên, sự bùng nổ này cũng dẫn đến những sự việc ồn ào liên quan đến Tân Hoàng Minh, Vạn Thịnh Phát...khiến hàng chục nghìn nhà đầu tư rơi vào tình trạng hoang mang, mất niềm tin với trái phiếu dạng này nói riêng và thị trường trái phiếu doanh nghiệp nói chung.
Do vậy, trước những đợt phát hành có giá trị lớn nhưng cũng “3 không” nhiều người lo ngại quá khứ sẽ lặp lại trong giai đoạn tới. Theo TS. Lê Đạt Chí - Trường đại học Kinh tế TP.HCM, phát hành trái phiếu mà không có tài sản đảm bảo làm tăng nguy cơ chuyển đổi thành trái phiếu "rác", khi các doanh nghiệp lợi dụng niềm tin của người dân để bán giấy lấy tiền.
Việc bán trái phiếu theo kiểu này vô cùng nguy hiểm và kém chất lượng, thậm chí còn tồi tệ hơn so với việc bà hàng xóm cho người trong cùng làng vay tiền. Các doanh nghiệp có thể huy động hàng trăm, hàng ngàn tỷ đồng thông qua trái phiếu mà không có ai kiểm soát số tiền này được sử dụng ra sao, đầu tư như thế nào, hoặc liệu có bị sử dụng sai mục đích hay không.
Trong hồ sơ phát hành, doanh nghiệp tuyên bố rằng số tiền từ trái phiếu sẽ được đầu tư vào dự án A, nhưng thực tế có thể họ đã chuyển tiền sang dự án B hoặc thậm chí tất cả các dự án đều là giả mạo. Thêm vào đó, nhiều khi số tiền vay từ trái phiếu còn vượt xa giá trị tài sản của công ty.