Bỡ ngỡ lần đầu xa nhà, nhiều tân sinh viên "sốc" trước mức chi tiêu tăng vọt

Trang bộc bạch, cô biết chi phí ở TP. HCM cao hơn quê, nhưng không nghĩ lại chênh lệch nhiều như vậy. Có những thứ giá gấp đôi, như bình nước lọc 20 lít ở quê chỉ 10.000 đồng mà trong này lên đến 25.000 đồng, hay chiếc kẹp tóc ở quê mua 5.000 đồng thì ở đây gần 30.000 đồng.

Xa gia đình và bước chân vào cuộc sống mới nơi thành phố với nhiều bỡ ngỡ, các tân sinh viên phải nhanh chóng thích nghi với môi trường mới, đặc biệt là học cách quản lý chi tiêu khi đối mặt với nhiều khoản phí phát sinh. Nhiều bạn do chưa có kinh nghiệm nên ngay trong những tuần đầu tiên đã "sốc" vì chi tiêu quá mức, gần như tiêu hết số tiền dành cho cả tháng.

Trần Thùy Trang - tân sinh viên quê Ninh Thuận, đang thuê trọ cùng ba người bạn ở Tân Phú, TP. HCM. Lần đầu đến thành phố, Trang không khỏi choáng ngợp trước mức sống đắt đỏ ở đây. Trang bộc bạch, cô biết chi phí ở TP. HCM cao hơn quê, nhưng không nghĩ lại chênh lệch nhiều như vậy. Có những thứ giá gấp đôi, như bình nước lọc 20 lít ở quê chỉ 10.000 đồng mà trong này lên đến 25.000 đồng, hay chiếc kẹp tóc ở quê mua 5.000 đồng thì ở đây gần 30.000 đồng.

tan-sinh-vien-2-1728121551.jpg
Chưa quen tự chi tiêu khiến nhiều tân sinh viên chưa hết tháng đã "cháy túi"

Chưa quen với việc chi tiêu, cộng với việc không có phương tiện cá nhân, Trang thường vào siêu thị gần chỗ trọ mua đồ cho tiện. Trang cho hay, mọi thứ trong siêu thị đều đắt, có lần cô và bạn cùng phòng mua vài món dùng chung mà hóa đơn lên tới cả triệu đồng. Trang bảo, trong tuần đầu tiên, cô đã tiêu gần hết 3 triệu đồng.

Dương Thị Ngọc - tân sinh viên Trường ĐH Mở TP.HCM cũng ngỡ ngàng trước chi phí đắt đỏ tại thành phố. Tuần đầu tiên, Kim chi khá nhiều tiền để mua sắm vật dụng trong phòng và theo bạn bè đi chơi. Ngọc cho biết, cô chỉ đi uống trà sữa và ăn cá viên chiên với bạn thôi đã tốn 150.000 đồng, trong khi ở quê 1 ly trà sữa chỉ từ 20.000 đến 25.000 đồng. Có hôm về từ trường, bạn rủ đi uống trà sữa xong, Ngọc phải nhịn bữa tối để tiết kiệm 30.000 đồng tiền cơm.

Trong tháng đầu tiên lên TP. HCM học đại học, Đỗ Minh Thư (Đồng Nai) đã chi tiêu hơn 9 triệu đồng, chưa tính học phí. Thư cho biết, do thời gian đầu chưa tìm được bạn ở ghép nên cô phải trả tiền nhà trọ 7 triệu đồng. Chi phí ăn uống khoảng 50.000 đồng/ngày, vì còn có đồ ăn mẹ gửi từ quê vào. Ngoài ra, còn có các khoản chi phát sinh khác như xăng xe, điện thoại…

Lúc thuê phòng, cô không ngờ tìm người ở ghép khó đến vậy. Hợp đồng thuê phòng đã ký 1 năm nên hiện cô đang phải cố gắng xoay xở.

tan-sinh-vien-1-1728121551.jpg
Nấu tại phòng trọ được nhiều sinh viên lựa chọn để tiết kiệm chi phí

Trong khi đó, Trần Nguyên Trọng (An Giang) cho biết đã chi khoảng 7 triệu đồng trong tháng đầu tiên. Tiền thuê nhà và điện nước gần 2,9 triệu đồng, chi phí ăn uống 3 triệu đồng, còn lại là tiền xăng, sách vở, bảo hiểm và quỹ lớp. Ngọc chia sẻ, đồng thời hy vọng chi phí sẽ giảm từ tháng sau khi mọi thứ đã ổn định.

Võ Tấn Huy - sinh viên ĐH Kinh tế TP. HCM đã chi tiêu khoảng 8,5 triệu đồng trong tháng đầu tiên. Huy chia sẻ, thành phố đắt đỏ hơn quê nhiều, đặc biệt tháng đầu tiên cần mua sắm nhiều vật dụng cần thiết. Ngoài ra, Huy cũng sốc trước tình trạng kẹt xe ở TP. HCM. Từ chỗ trọ đến trường chỉ 3km, nhưng Huy phải mất hơn 30 phút vì kẹt xe, trong khi ở quê chỉ cần 10 phút.

Sự đắt đỏ trong chi phí sinh hoạt và tình trạng giao thông đông đúc đã khiến nhiều sinh viên năm nhất cảm thấy vỡ mộng khi cuộc sống ở đại học khác xa so với những gì tưởng tượng. Tuy nhiên, Phan Ngọc Linh - sinh viên năm 3 Trường ĐH Công nghiệp TP. HCM chia sẻ, việc chi tiêu quá mức trong thời gian đầu là tình trạng chung của nhiều tân sinh viên.

Linh cho biết, lúc mới đến thành phố, cô luôn xem bảng giá trước khi ăn ngoài để tránh tiêu quá tay. Sau này quen rồi, cô ít ăn bên ngoài hơn, chuyển sang tự nấu ăn tại nhà trọ, nhờ đó tiết kiệm được gần một nửa chi phí.

Linh khuyên, các bạn tân sinh viên không nên tiết kiệm bằng cách nhịn ăn hay bỏ bữa, vì điều đó sẽ ảnh hưởng đến sức khỏe và khả năng học tập. "Mình luôn ăn uống đầy đủ và chỉ tiết kiệm ở những khoản như trà sữa, đi chơi hoặc mua đồ không cần thiết. Sau khi đã ước lượng được mức chi tiêu hàng tháng, mình chia tiền ra thành các khoản nhỏ như tiền trọ, sách vở, ăn uống, và đi lại để dễ kiểm soát hơn", Linh chia sẻ kinh nghiệm.