Ngân hàng hết thời niêm yết lãi suất một đằng, mời chào một nẻo?

Theo quy định mới của NHNN, các tổ chức tín dụng khi nhận tiền gửi không được phép thực hiện bất kỳ hình thức khuyến mại nào, bao gồm bằng tiền, lãi suất hay các hình thức khác...

Thống đốc Ngân hàng Nhà nước (NHNN) vừa ký ban hành Thông tư số 48 có hiệu lực từ 20/11, quy định về việc áp dụng lãi suất đối với tiền gửi bằng đồng Việt Nam của các tổ chức và cá nhân tại các tổ chức tín dụng và chi nhánh ngân hàng nước ngoài.

Ngân hàng không được “chi lãi ngoài”

Theo nội dung của Thông tư, các tổ chức tín dụng được phép áp dụng lãi suất tiền gửi bằng đồng Việt Nam cho tổ chức và cá nhân, nhưng không được vượt quá mức lãi suất tối đa do Thống đốc NHNN quyết định. Mức lãi suất tối đa này áp dụng cho tiền gửi không kỳ hạn, tiền gửi có kỳ hạn dưới 1 tháng, và tiền gửi có kỳ hạn từ 1 tháng đến dưới 6 tháng, và có thể thay đổi theo từng giai đoạn cũng như từng loại hình tổ chức tín dụng.

Đối với tiền gửi có kỳ hạn từ 6 tháng trở lên, các tổ chức tín dụng sẽ áp dụng lãi suất dựa trên cơ sở cung cầu của thị trường. Theo Thông tư 48, lãi suất tối đa đối với tiền gửi bằng đồng Việt Nam đã bao gồm các khoản chi khuyến mại dưới mọi hình thức, và áp dụng cho cả phương thức trả lãi cuối kỳ lẫn các phương thức trả lãi khác được quy đổi tương đương.

lai-suat-huy-dong-1728104444.jpg
Nhiều ngân hàng hiện nay áp dụng mức lãi suất huy động "mập mờ", niêm yết một mức lãi suất nhưng lại mời gọi khách hàng với mức lãi suất cao hơn

Đối với các thoả thuận về lãi suất đã ký trước ngày 20/11 vẫn tiếp tục thực hiện theo thoả thuận cho đến khi hết thời hạn. Trường hợp khi đến hạn mà khách hàng không đến nhận tiền, tổ chức tín dụng sẽ áp dụng lãi suất theo quy định mới tại Thông tư này.

Trong thời gian qua, nhiều ngân hàng hiện nay áp dụng mức lãi suất huy động "mập mờ", niêm yết một mức lãi suất nhưng lại mời gọi khách hàng với mức lãi suất cao hơn. Gần đây, Bac A Bank đã sử dụng phương thức này để thu hút người gửi tiền.

Tại các điểm giao dịch ở Hà Nội, ngân hàng này quảng cáo lãi suất cao nhất lên tới 6,05%/năm. Tuy nhiên, theo biểu lãi suất niêm yết chính thức, mức lãi suất cao nhất của Bac A Bank chỉ là 5,85%/năm, áp dụng cho kỳ hạn từ 18 đến 36 tháng.

Tương tự Bac A Bank, GPBank cũng chào mời lãi suất tiền gửi lên đến 6,25%/năm, mức cao nhất tại thời điểm hiện tại. Tuy nhiên, lãi suất huy động trực tuyến cao nhất chỉ là 5,85%/năm, áp dụng cho kỳ hạn từ 13 đến 36 tháng. Theo chia sẻ từ nhân viên GPBank, mức lãi suất 6,25%/năm do có khả năng đề xuất hỗ trợ từ cấp cao hơn cho khách hàng.

Tại PVCombank, quảng cáo mời chào lãi suất là 6%/năm, trong khi lãi suất niêm yết cao nhất chỉ là 5,8%/năm cho kỳ hạn 18-36 tháng. Một nhân viên của PVCombank cho biết, tùy vào số tiền gửi và loại hình khách hàng, mỗi chi nhánh có thể áp dụng chính sách ưu đãi riêng, do đó lãi suất thực tế có thể đạt 6%/năm.

Hiện, theo Quyết định số 1124/QĐ-NHNN ngày 16/6/2023, mức lãi suất tối đa áp dụng cho tiền gửi không kỳ hạn và có kỳ hạn dưới 1 tháng là 0,5%/năm, trong khi mức tối đa cho tiền gửi có kỳ hạn từ 1 tháng đến dưới 6 tháng là 4,75%/năm. Đối với Quỹ tín dụng nhân dân và Tổ chức tài chính vi mô, mức tối đa này là 5,25%/năm.

Lãi suất huy động có chiều hướng tăng

Các chuyên gia tài chính nhận định rằng việc các ngân hàng tăng lãi suất nhằm mục đích thu hút dòng tiền gửi trong bối cảnh nền kinh tế đang dần phục hồi, đặc biệt khi nhu cầu vốn cho sản xuất kinh doanh tăng cao vào thời điểm cuối năm.

Theo báo cáo từ NHNN, trong quý II/2024, tổng tiền gửi của các tổ chức kinh tế vào hệ thống ngân hàng đã giảm, trong khi tiền gửi từ cá nhân lại tăng nhẹ. Bên cạnh đó, lãi suất tiền gửi cao làm cho kênh tiết kiệm trở nên hấp dẫn hơn so với các kênh đầu tư khác như vàng và bất động sản, những lĩnh vực có tỷ suất sinh lời cao gần đây. Đồng thời, điều này giúp ngân hàng thu hút thêm dòng tiền từ người dân trong bối cảnh lạm phát tăng nhẹ và nhu cầu tiết kiệm an toàn gia tăng.

lai-suat-tiet-kiem-1728104426.jpeg
Trong bối cảnh lãi suất hiện nay, có thể chọn gửi tiết kiệm với kỳ hạn ngắn và trung hạn

Theo TS.Nguyễn Trí Hiếu, chuyên gia kinh tế, việc điều chỉnh lãi suất phản ánh sự sôi động của nền kinh tế khi cả cá nhân và doanh nghiệp đều có nhu cầu lớn về vốn. Đây là dấu hiệu tích cực cho sự phục hồi sau giai đoạn khó khăn.

Cũng theo ông Hiếu, các lĩnh vực như bất động sản và xuất nhập khẩu, hai ngành trọng điểm của nền kinh tế, đang hồi phục và đòi hỏi nguồn vốn lớn. Điều này sẽ tiếp tục đẩy mạnh nhu cầu vay vốn, khiến lãi suất huy động duy trì ở mức cao để đáp ứng nhu cầu vốn cho doanh nghiệp.

“Tuy nhiên, mức tăng lãi suất sẽ không quá lớn, chủ yếu nhằm đáp ứng nhu cầu cao điểm cuối năm mà không gây áp lực lên chi phí vay vốn. Đồng thời, việc kiểm soát đà tăng của lãi suất huy động giúp duy trì sự ổn định của thị trường”, TS.Nguyễn Trí Hiếu nhận định.

Các chuyên gia khuyến nghị người dân, trong bối cảnh lãi suất hiện nay, có thể chọn gửi tiết kiệm với kỳ hạn ngắn và trung hạn (3 - 12 tháng) hoặc chia nhỏ số tiền gửi vào nhiều kỳ hạn khác nhau để đảm bảo tính linh hoạt về tài chính. Gửi tiết kiệm trực tuyến cũng là một lựa chọn hợp lý khi nhiều ngân hàng đang áp dụng các ưu đãi về lãi suất cho hình thức này.