Hỗ trợ khách hàng thiệt hại do bão Yagi: Giãn hoãn nợ, giảm lãi suất là chưa đủ

Sau bão Yagi, nhiều khách hàng gần như mất trắng, việc kéo dài thời hạn trả nợ cũng chưa thể giúp người dân và doanh nghiệp thanh toán được nợ mà điều mong mỏi cấp bách nhất lúc này là được tiếp cận nguồn vốn vay mới để tái sản xuất.

Ông Đào Minh Tú - Phó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước (NHNN) cho biết, tính đến cuối tuần qua, tổng dư nợ tín dụng bị ảnh hưởng do bão Yagi tại 26 tỉnh phía Bắc và Thanh Hóa đã đạt con số 116.000 tỷ đồng, với hơn 83.000 khách hàng. Riêng tại Yên Bái, dư nợ tín dụng bị thiệt hại do bão lũ chiếm 18,55% tổng dư nợ toàn tỉnh. Một số địa phương khác cũng có tỷ lệ thiệt hại lớn như Hải Phòng 10,65%, Quảng Ninh gần 7%, và Hải Dương 8,64%.

Kéo dài thời gian hoãn nợ

Ngay sau khi cơn bão đi qua, NHNN đã yêu cầu các ngân hàng thương mại, căn cứ vào tình hình thực tế, nhanh chóng giảm lãi suất cho vay đối với khách hàng bị ảnh hưởng bởi bão Yagi. Hiện, các ngân hàng thương mại đang tập trung đánh giá thiệt hại và tiến hành các giải pháp hỗ trợ khách hàng như giảm lãi suất cho vay, cơ cấu lại kỳ hạn trả nợ, tung ra các gói tín dụng mới với lãi suất ưu đãi…

Theo lãnh đạo BIDV, VietinBank, Agribank, quy mô tín dụng bị ảnh hưởng bởi bão Yagi tại mỗi ngân hàng lên tới 40.000 tỷ đồng. Các ngân hàng đã đã đưa ra những chính sách hỗ trợ khách hàng như giảm lãi suất từ 0,5-2%/năm, miễn giảm 100% lãi quá hạn, lãi chậm trả trong thời gian từ ngày 6/9 đến 31/12/2024, tự động cơ cấu nợ cho khách hàng mà không yêu cầu khách hàng phải đến ngân hàng để làm thủ tục…

thiet-hai-do-bao-1727225070.jpeg

Nhiều khách hàng gần như mất trắng sau bão Yagi

Tuy nhiên, nhiều ý kiến cho rằng, sự hỗ trợ này là chưa đủ. Theo đó, lãnh đạo nhiều ngân hàng thương mại kiến nghị cần có chính sách hỗ trợ dài hạn hơn cho những trường hợp bị ảnh hưởng nghiêm trọng bởi thiên tai, dịch bệnh, vì nhiều doanh nghiệp cần vài năm để phục hồi hoàn toàn, trong khi các quy định hiện hành về cơ cấu lại thời hạn trả nợ, giữ nguyên nhóm nợ chỉ kéo dài đến hết 31/12/2024.

Trước đó, Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) đã kiến nghị với Thủ tướng Chính phủ về việc gia hạn cơ cấu nợ đến hết tháng 6/2025 cho các khoản vay của các doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh tại những khu vực chịu ảnh hưởng từ bão Yagi.

Ông Nguyễn Quốc Hùng - Phó Chủ tịch kiêm Tổng Thư ký Hiệp hội Ngân hàng Việt Nam (VNBA) nhận định, sau bão, chất lượng tài sản của các ngân hàng cũng bị ảnh hưởng nghiêm trọng như các công trình như khách sạn, nhà hàng, tàu du lịch, tàu thuyền, phương tiện nuôi trồng và đánh bắt thủy hải sản đều bị cuốn trôi theo bão lũ; thậm chí trâu, bò cũng bị chết hết.

Do đó, Phó Chủ tịch Hiệp hội Ngân hàng Việt Nam đề xuất, đối với sự cố thiên tai lần này, Chính phủ cần ban hành cơ chế cho phép các ngân hàng khoanh nợ đối với những khách hàng bị thiệt hại lớn và cần nhiều thời gian để phục hồi, thay vì chỉ cơ cấu lại thời hạn trả nợ và giữ nguyên nhóm nợ như trước đây.

Khách hàng cần nguồn vay mới

Đồng quan điểm, ông Cao Tường Huy, Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ninh cho biết, tất cả các hộ trồng rừng (1.200 ha) và 2.000 cơ sở nuôi trồng hải sản tại địa phương đã chịu thiệt hại hoàn toàn. Đối với những trường hợp mất trắng, việc kéo dài gia hạn nợ cũng không thể giúp doanh nghiệp phục hồi mà mong mỏi cấp bách nhất lúc này là được vay vốn mới.

Bà Nguyễn Thu Thủy, một hộ nuôi trồng thủy sản tại Quảng Ninh chia sẻ, hiện nhiều ngân hàng công bố giảm lãi suất cho vay từ 0,5-2%/năm cho các khoản vay hiện hữu. Nhưng điều người dân quan tâm nhất không phải là lãi suất mà là làm sao để ngân hàng cho vay mới khi khoản vay cũ chưa trả được, hầu hết tài sản thế chấp không còn.

gian-hoan-no-1727225029.jpg

Nhiều người bị thiệt hại cho biết, chỉ cần ngân hàng tin tưởng cho vay vốn để nhanh chóng mua cá giống thả kịp thời

"Chỉ cần ngân hàng tin tưởng cho vay vốn để nhanh chóng mua cá giống thả kịp thời, chỉ trong hai năm thôi, chúng tôi có thể phục hồi và có tiền trả nợ ngân hàng”, bà Thủy chia sẻ.

Nhiều hộ nuôi trồng thủy sản tại thị xã Quảng Yên cũng rơi vào cảnh trắng tay khi toàn bộ tàu thuyền và bè nuôi thủy sản bị bão Yagi cuốn trôi cũng cho rằng, chỉ khi ngân hàng "nuôi nợ", khách hàng mới có cơ hội để trả nợ trong tương lai.

Về phía ngân hàng, mối lo lớn nhất hiện tại là sự gia tăng của nợ xấu. Dư nợ bị ảnh hưởng bởi bão lũ hơn 100.000 tỷ đồng có nguy cơ trở thành nợ xấu nếu không được cơ cấu lại. Ngay cả khi được cơ cấu nợ, các ngân hàng sẽ phải chịu áp lực lớn trong việc trích lập dự phòng cho khoản dư nợ này.

Nếu không có sự hỗ trợ kịp thời từ NHNN, nhiều ngân hàng sẽ phải đối mặt với sự gia tăng đột biến của nợ xấu và trích lập dự phòng, ảnh hưởng nghiêm trọng đến lợi nhuận và an toàn hoạt động trong năm nay.