Sở Tài nguyên và Môi trường đang lấy ý kiến về dự thảo quy định liên quan đến việc tách thửa, hợp thửa đất và diện tích tối thiểu được phép tách tại TP HCM theo Luật Đất đai 2024, thay thế cho Quyết định 60.
Điểm mới trong dự thảo lần này là đã loại bỏ yêu cầu về quy hoạch tỷ lệ 1/2000 đối với thửa đất thuộc quy hoạch đất nông nghiệp, đất dân cư hiện hữu và quy hoạch tỷ lệ 1/500 đối với thửa đất thuộc quy hoạch đất ở xây dựng mới hoặc đất sử dụng hỗn hợp (bao gồm cả chức năng đất ở). Theo dự thảo mới, điều kiện để tách thửa đất chỉ cần đảm bảo diện tích tối thiểu.
Cụ thể, khu vực 1 (quận 1, 3, 4, 5, 6, 8, 10, 11, Gò Vấp, Bình Thạnh, Phú Nhuận, Tân Bình, Tân Phú): thửa đất ở sau tách phải tối thiểu 36m2, chiều rộng và chiều sâu không dưới 3m. Khu vực 2 (quận 7, 12, Bình Tân, TP Thủ Đức và thị trấn các huyện): thửa đất sau tách phải ít nhất 50m2, chiều rộng và chiều sâu không dưới 4m. Khu vực 3 (huyện Bình Chánh, Củ Chi, Hóc Môn, Nhà Bè, Cần Giờ, trừ thị trấn), thửa đất sau tách phải tối thiểu 80m2, chiều rộng và chiều sâu không dưới 5 m.
Diện tích tối thiểu để tách thửa đối với đất trồng cây hàng năm và các loại đất nông nghiệp khác là 500m2, còn đất trồng cây lâu năm, nuôi trồng thủy sản, làm muối và đất chăn nuôi tập trung là 1.000m2. Nếu người dân dành một phần diện tích của thửa đất để làm lối đi, thì khi tách thửa hoặc hợp thửa sẽ không cần chuyển mục đích sử dụng đất cho phần diện tích đó.
Tuy nhiên, kể từ ngày 1/8, khi Luật Đất đai mới bắt đầu có hiệu lực, các chi nhánh văn phòng đăng ký đất đai buộc phải chờ UBND TP. HCM ban hành quyết định để tiếp tục xử lý hồ sơ. Điều này đã khiến nhiều người dân gặp khó khăn trong việc tách thửa đất, kể cả trong trường hợp thừa kế hoặc cho tặng, đều đang gặp trở ngại.
Bởi lẽ, từ khi Luật Đất đai 2024 có hiệu lực, Quyết định 60 cũng hết hiệu lực nhưng thành phố vẫn chưa có quy định thay thế hoặc điều chỉnh khiến khâu giải quyết hồ sơ chưa bị “tắc nghẽn”.
Chẳng hạn như trường hợp của anh Minh Phúc (TP. Thủ Đức) nộp hồ sơ xin tách thửa đất để trao tặng cho hai người con nhưng bị từ chối do thành phố chưa có quy định mới về diện tích tối thiểu. Tương tự, anh Nguyễn Hoàng (huyện Nhà Bè) cũng gặp tình huống tương tự khi xin tách 200m2 đất ở nhưng vẫn chưa được giải quyết, dù đã nộp hồ sơ gần 1 tháng.
Luật sư Trần Minh Cường (Đoàn luật sư TP.HCM) cho rằng, thành phố cần nhanh chóng ban hành quy định mới dựa trên Luật Đất đai 2024, nhằm giải quyết những vướng mắc hiện tại. Luật này đã quy định chi tiết các nguyên tắc và điều kiện tách, hợp thửa, bao gồm cả việc đảm bảo diện tích tối thiểu sau khi tách. Điều này sẽ giúp giải quyết tình trạng "đóng băng" trong việc tách thửa đất hiện nay.
Cũng liên quan đến sự thay đổi theo Luật Đất đai sửa đổi, trước đó, hồi đầu tháng 8, Sở Tài nguyên và Môi trường cũng đã đưa ra dự thảo Quyết định điều chỉnh bảng giá đất trên địa bàn thành phố nhưng cũng nhận phải sự phản đối từ người dân, các chuyên gia bởi mức mức tăng giá quá cao. Dự thảo bảng giá đất điều chỉnh phổ biến tăng 10 - 20 lần so với giá đất của bảng giá đất theo Quyết định 02/2020.
Việc chưa kịp ban hành bảng giá đất đã khiến 8.808 hồ sơ đất đai nộp trong tháng 8 bị “ách tắc” ở khâu tính thuế. Tuy nhiên, TP. HCM đã có hướng giải quyết với quan điểm cơ quan thuế sẽ thực hiện đúng "nguyên tắc áp dụng pháp luật", hồ sơ nhận tại thời điểm nào thì áp dụng quy định có hiệu lực tại thời điểm đó.
Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Lê Minh Ngân cho biết, việc điều chỉnh bảng giá đất của TP. HCM là cần thiết nhưng cần xem xét và đánh giá, so sánh với giá thị trường tại địa phương. Đồng thời, đánh giá tác động và giải thích rõ ràng ý kiến của những đối tượng bị ảnh hưởng, nhằm đảm bảo cân bằng lợi ích và tránh gây ảnh hưởng đến người dân và doanh nghiệp.