Công ty Đấu giá Hợp Danh Trường Sơn vừa có thông báo về việc dừng phiên đấu giá đợt 1 tại khu vực Đầm, thôn Mục Xá, xã Cao Dương, huyện Thanh Oai, hoàn lại tiền mua hồ sơ và tiền cọc cho khách hàng. Theo kế hoạch trước đó, số lượng lô đất đấu giá đợt này là 57 lô có diện tích từ hơn 74m2 đến 135m2, giá khởi điểm từ 8 triệu đồng/m2.
Theo ông Nguyễn Công Quảng – Giám đốc Trung tâm Phát triển quỹ đất huyện Thanh Oai cho biết, phiên đấu giá được tạm dừng để xác định lại giá khởi điểm theo hệ số điều chỉnh (hệ số K) là 2,35 theo chỉ đạo của UBND TP Hà Nội. Trước đó, mức giá khởi điểm được xây dựng theo quy định cũ với hệ số K là 2.
Cũng theo ông Quảng, diễn biến này đã có kế hoạch từ trước, không bị ảnh hưởng một số trái chiều về cuộc đấu giá hôm 10/8. Phiên đấu giá sẽ được tổ chức lại vào sáng ngày 8/9, giá khởi điểm của tất cả 57 thửa đất đều được điều chỉnh lên từ 8,8 triệu đồng/m2, tăng thêm gần 800.000 đồng so với mức trước đây.
Theo đó, người tham gia đấu giá cần đặt cọc trước từ 131 triệu đến hơn 200 triệu đồng tuỳ diện tích và vị trí thửa đất. Thời gian nộp tiền cọc là 4 – 6/9. Trong năm nay, huyện dự kiến còn 5 phiên đấu giá đất sẽ được tổ chức vào các dịp cuối tuần. Ông Quảng khẳng định, các phiên đấu giá tại địa phương diễn ra minh bạch, theo đúng quy định của pháp luật.
Trước đó, phiên đấu giá 68 lô đất ngày 10/8 tại xã Thanh Cao, huyện Thanh Oai đã gây xôn xao dư luận khi giá trung bình của các lô đất gấp 5-6 lần giá khởi điểm, trong đó có lô cao nhất trúng giá 100,5 triệu đồng/m2.
Đặc biệt, nhiều lô đất đã được nhà đầu tư rao bán lại ngay sau đó với mức giá chênh hàng trăm triệu đồng. Nhiều ý kiến cho rằng, sở dĩ buổi đấu giá này thu hút đông nhà đầu tư do giá khởi điểm thấp, với mức 20% tiền đặt cọc, tương đương khoảng 100- 200 triệu đồng, nếu “lướt cọc ăn chênh thành công”, nhà đầu tư không phải bỏ vốn nhiều, trường hợp không thành công số tiền này cũng không quá lớn nếu bỏ cọc.
Bên cạnh đó, nhiều người đặt ra câu hỏi về mức giá trúng tại đây bởi khu đất này cách trung tâm Hà Nội khoảng 30km, hạ tầng nhiều năm không thay đổi nhiều. Tuy nhiên, ông Nguyễn Văn Đính – Phó Chủ tịch Hiệp hội Môi giới bất động sản Việt Nam cho biết, trong thời gian qua, do quá trình sửa luật kéo dài dẫn đến thị trường bất động sản ít biến động.
Tại Hà Nội, trong vòng 3 – 4 năm trở lại đây gần như không có dự án mới chính thống tham gia thị trường, các dự án về đất đai cũng gần như “mất tích”, các phiên đấu giá trong giai đoạn 2022- 2023 chủ yếu không thành công. Trong khi lực cầu lại đang ở mức cao là lý do vài nghìn người tham gia phiên đấu giá vài chục lô đất.
Cũng theo ông Đính, việc đẩy giá do người tham gia có sự tính toán nhưng sẽ có sự điều chỉnh của cung - cầu khi vài ngày gần đây đất đấu giá tại Thanh Oai đã có người cắt lỗ. Vì vậy người tham gia thị trường cần có kiến thức và chuyên môn.
Mặc dù phiên đấu giá ngày 17/8 của huyện Thanh Oai không diễn ra như dự kiến nhưng sau đó 2 ngày (19/8), huyện Hoài Đức sẽ tổ chức đấu giá quyền sử dụng 19 thửa đất tại khu LK04, thôn Lòng Khúc, xã Tiền Yên với diện tích dao động khoảng 74-118m2, giá khởi điểm 7,3 triệu đồng/m2.
Hiện đã có 700 bộ hồ so với 400 khách hàng tham gia phiên đấu giá. Đến ngày 26/8, tiếp tục đấu giá 20 thửa đất ký hiệu LK01 và LK02, diện tích dao động khoảng 89,6 - 145,6m2, mức giá khởi điểm bằng với đợt 1.
Theo khảo sát của Đô Thị Mới, mức giá khởi điểm mà huyện Hoài Đức đưa ra đều ở mức thấp hơn nhiều lần so với giá thị trường quanh khu vực có đất đấu giá. Cụ thể, mức giá trung bình tại xã Tiền Yên là 43 triệu đồng/m2, còn vùng lân cận cũng dao động trong khoảng hơn 40 triệu đồng/m2.