Kiến trúc độc đáo của di tích đền Voi Quỳ 700 năm tuổi ở Hà Tĩnh
Dù dấu hiệu xuống cấp, nhiều hạng mục hư hỏng nghiêm trọng cần phải tu bổ nhưng đền Voi Quỳ (tỉnh Hà Tĩnh) với tuổi đời hơn 700 năm vẫn toát lên vẻ đẹp cổ kính bởi kiến trúc độc đáo, ấn tượng.
Nằm ẩn mình dưới chân núi Rú Mốc, xã Đỉnh Bàn, huyện Thạch Hà, tỉnh Hà Tĩnh, đền Voi Quỳ - Di tích lịch sử văn hóa cấp tỉnh (công nhận vào ngày 29/10/2019),với tuổi đời hơn 700 năm đang phải oằn mình chống chọi với thời gian, toàn bộ công trình xuống cấp nghiêm trọng.
Đền Voi Quỳ được xây dựng từ thời nhà Trần, là đền thờ Đức Thánh Hồ Khước - vị tướng tài ba đã có công lớn trong các cuộc kháng chiến. Vào ngày 12 tháng Chạp hàng năm, dân làng đều tổ chức ngày giỗ Thánh để bày tỏ lòng thành kính, biết ơn và tự hào về người đã có công với đất nước. Trải qua bao thăng trầm, ngôi đền vẫn giữ được những giá trị lịch sử, văn hóa và kiến trúc độc đáo, trở thành điểm đến tâm linh thu hút đông đảo du khách thập phương.
Tuy nhiên, theo thời gian, cùng với sự tác động của thiên nhiên khắc nghiệt, ngôi đền đang dần xuống cấp. Các hạng mục kiến trúc như cổng tam quan, bờ tường, mái đền,... đều xuất hiện nhiều vết nứt, bong tróc, hư hỏng nặng nề. Hệ thống tượng phật, đồ thờ tự cũng đã cũ kỹ, phai màu.
Nguy hiểm hơn, một số hạng mục trong đền có nguy cơ sập đổ bất cứ lúc nào, tiềm ẩn rủi ro cho du khách khi đến tham quan.
Ông Hồ Quang Huệ - Trưởng ban lễ nghi đền Voi Quỳ cho biết: "Hiện trạng xuống cấp của đền đã diễn ra từ nhiều năm nay. Do kinh phí hạn hẹp, địa phương chưa thể đầu tư tu sửa toàn diện. Chúng tôi rất mong nhận được sự quan tâm của các cấp chính quyền và các nhà hảo tâm để trùng tu, tôn tạo di tích lịch sử này."
Cổng tam quan được xây dựng bằng gạch vôi, mái ngói cong cong theo kiểu cổ kính. Tuy nhiên, do tác động của thời gian, cổng tam quan đã xuất hiện nhiều vết nứt, xói lở không rõ hình dạng.
Dọc theo lối đi dẫn vào đền, du khách có thể dễ dàng nhận thấy những mảng tường rêu phong, cây cỏ mọc rậm, các mảng xi măng bong tróc từng lớp.
Nhờ sự chung tay góp sức của người dân địa phương, một số hạng mục quan trọng của đền Voi Quỳ đã được tu bổ, bao gồm: 2 con voi quỳ, 2 tượng quân quan, ngựa canh nhà quan và mái che miếu điện..
Nhằm bảo tồn di sản lịch sử quý giá này, UBND xã Đỉnh Bàn đã đề xuất Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Hà Tĩnh hỗ trợ kinh phí tu sửa để sớm "giải cứu" công trình.
Những dòng chữ Hán cổ kính giờ đây đã trở nên mờ nhạt. Hình ảnh rồng phượng biểu tượng cho quyền lực và sự uy nghi của triều đại, giờ đây cũng đã gãy vụn theo năm tháng.
Ảnh: Cẩm Kỳ - Đại Đoàn Kết, Trọng Tùng - VTC News