Ngày mai 16/5 là lịch điều chỉnh giá xăng dầu trong nước của liên Bộ Tài chính – Công Thương. Lãnh đạo một số doanh nghiệp xăng dầu và chuyên gia kinh tế dự đoán, giá xăng trong kỳ điều hành ngày 16/5 sẽ tiếp tục giảm.
Cụ thể, giá xăng E5 RON 92 có thể giảm 290 đồng/lít, còn xăng RON 95 có thể giảm 390 đồng/lít. Ngược lại, dầu diesel được dự đoán tăng khoảng 190 đồng/lít.
Nếu dự báo trên chính xác, mặt hàng xăng trong nước sẽ có phiên giảm giá thứ hai liên tiếp. Trường hợp liên Bộ Tài chính - Công Thương trích Quỹ bình ổn, giá xăng có thể giảm ít hơn.
Giá xăng được dự báo giảm là do giá xăng thành phẩm bình quân trên thị trường Singapore trong tuần qua có xu hướng giảm so với kỳ trước đó. Trong khi, giá dầu thế giới giá dầu thế giới tuần qua ghi nhận giảm nhẹ khi dầu Brent giảm 0,2% và dầu WTI tăng 0,2%.
Sang tuần này, sau khi tăng nhẹ phiên đầu, giá dầu thế giới phiên thứ 2 đảo chiều giảm hơn 1%. Nguyên nhân là do dữ liệu từ Mỹ làm dấy lên lo ngại lãi suất có thể vẫn được giữ ở mức cao. Vào 6h ngày 15/5, giá dầu Brent giao dịch ở mức 82,38 USD/thùng, giảm 0,98 USD so với phiên liền trước. Còn giá dầu WTI ở mức 78,02 USD/thùng, giảm 1,1 USD.
Ở kỳ điều hành gần nhất ngày 9/5, liên Bộ Tài chính - Công Thương đã quyết định giảm 1.290 đồng/lít với xăng E5 RON 92 xuống còn 22.620 đồng/lít và giảm 1.410 đồng/lít đối với xăng RON 95 xuống 23.540 đồng/lít. Giá dầu diesel giảm 760 đồng/lít xuống mức 19.840 đồng/lít. Giá dầu hỏa giảm 840 đồng/lít còn 19.700 đồng/lít. Tại kỳ điều chỉnh này, liên Bộ Công Thương - Tài chính không trích lập, không chi sử dụng Quỹ Bình ổn giá xăng dầu.
Ngày 14/5, Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) cùng Bộ Công thương đã tổ chức Hội thảo góp ý dự thảo nghị định về kinh doanh xăng dầu. Tại đây, Hội Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng Việt Nam cho rằng, Quỹ bình ổn giá xăng dầu đang không phù hợp với Luật Giá.
Theo đó, quy định về lập và sử dụng Quỹ bình ổn giá xăng dầu khiến người tiêu dùng đang chịu thiệt thòi. Việc lập và sử dụng quỹ dù có quy định rằng các doanh nghiệp đầu mối xăng dầu phải công khai nhưng không có cơ chế để người tiêu dùng tham gia giám sát… Từ những nguyên do trên, Hội Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng Việt Nam đề nghị bỏ quỹ.
PGS.TS Ngô Trí Long - chuyên gia giá cả cũng đồng tình với đề nghị này. Ông cho biết, có nhiều ý kiến trái chiều về sự cần thiết của Quỹ bình ổn giá xăng dầu trong thời gian qua. Thực tế cho thấy, nhiều thời điểm quỹ hoạt động thiếu minh bạch đã tạo kẽ hở cho một số doanh nghiệp chiếm dụng vốn, sinh ra tiêu cực trong quản lý tài chính, gây bất ổn thị trường.
PGS.TS Ngô Trí Long chia sẻ: "Quỹ bình ổn giá xăng dầu nằm trong tay doanh nghiệp, nên một số trường hợp "tự tung tự tác", muốn làm gì thì làm. Thậm chí, kẹt tiền thì rút quỹ ra xài. Những vụ án liên quan đến sai phạm trong sử dụng quỹ thời gian qua cho thấy rõ điều đó.
Theo tôi, đối với doanh nghiệp xăng dầu, quỹ bình ổn giá không phát huy hiệu quả phòng ngừa rủi ro về giá, nhưng trong điều hành, đã có lúc để cho quỹ âm làm ảnh hưởng tới hiệu quả hoạt động kinh doanh xăng dầu của doanh nghiệp. Về lâu dài, Nhà nước cần nghiên cứu xóa bỏ quỹ này để thị trường xăng dầu vận hành theo cơ chế thị trường và tiệm cận dần với giá xăng dầu trên thị trường thế giới.
Để phòng ngừa rủi ro về giá trong kinh doanh xăng dầu, cần có công cụ khác. Chẳng hạn như thuế, hay công cụ bảo hiểm giá (hedging) và phải đưa vào nghị định, nhằm phòng ngừa rủi ro khi giá thế giới biến động như cách các nước phát triển đang làm".