"Soi" năng lực của liên danh nhà thầu “siêu cảng” Cái Mép Hạ

Dự án cảng tổng hợp và container Cái Mép Hạ với tổng vốn đầu tư hơn 50.000 tỷ đồng, có thể đón tàu biển lớn nhất thế giới đang được Liên danh các “ông lớn” là Tập đoàn Geleximco – SCIC – ITC đề xuất đầu tư.

Thời gian qua, dự án đầu tư xây dựng cảng tổng hợp và container Cái Mép Hạ nhận được rất nhiều sự quan tâm của các doanh nghiệp trong nước lẫn quốc tế. Trong đó giai đoạn 1 của dự án từ 2024 – 2030 sẽ đầu tư 2 bến với tổng chiều dài 900m, đáp ứng tàu có trọng tải đến 250.000 DWT (DWT là trọng tải toàn phần bao gồm trọng lượng tổng cộng của toàn bộ thủy thủ đoàn, hành khách, hàng hóa, nhiên liệu, nước ngọt...).

Cảng Cái Mép Hạ nằm ở cửa sông, có luồng hàng hải sâu và rộng thuộc địa phận phường Phước Hòa (thị xã Phú Mỹ, tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu).

Phối cảnh Trung tâm logistics Cái Mép Hạ

Phó Chủ tịch HĐND tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu - ông Mai Ngọc Thuận cho hay, cụm cảng Cái Mép - Thị Vải không chỉ là cảng cửa ngõ của vùng Đông Nam Bộ mà còn là cảng biển đặc biệt cấp quốc gia. Đây cũng là một trong những động lực hết sức quan trọng đưa tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu trở thành trung tâm kinh tế biển quốc gia vào năm 2050.

Vừa qua, dự án này đã nhận được đề xuất đầu tư của Liên danh Tập đoàn Geleximco – Tổng công ty Đầu tư và Kinh doanh vốn nhà nước (SCIC) – Công ty CP Vận tải và Thương mại quốc tế (ITC).

Mặc dù vẫn phải chờ thêm ý kiến của UBND tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu nhưng tới thời điểm hiện tại, Liên danh Geleximco – SCIC – ITC đang nhận được nhiều phiếu đồng thuận từ Bộ GTVT.

Tuần qua, trong văn bản gửi Chính phủ, Bộ GTVT đã đánh giá liên danh nhà đầu tư đề xuất giai đoạn 1 hoàn toàn phù hợp với quy hoạch tổng thể, quy hoạch chi tiết cảng biển về công năng, lộ trình đầu tư bến cảng, quy mô cỡ tàu.

Bộ GTVT nêu rõ ủng hộ nhà đầu tư có tiềm lực, kinh tế để đầu tư đồng bộ nhằm nâng cao hiệu quả khai thác quỹ đất, mặt nước, khu vực biển, tăng cường sự kết nối giữa cơ sở hạ tầng và ứng dụng khoa học công nghệ. Việc này góp phần phát huy định hướng quy hoạch cảng biển Bà Rịa - Vũng Tàu là cảng đặc biệt (cửa ngõ quốc tế). Đồng thời khắc phục được hạn chế trong việc đầu tư, khai thác nhỏ lẻ tại một số khu vực cảng biển thời gian qua.

Cụm cảng Cái Mép - Thị Vải (Ảnh: Vũ Tân - Báo Nhân dân)

Do dự án có tổng mức đầu tư lên tới 50.820 tỷ đồng nên để cấp thẩm quyền chấp thuận chủ trương đầu tư dự án, Bộ GTVT cho rằng liên danh nhà đầu tư cần chứng minh năng lực tài chính cũng như khả năng thu xếp nguồn vốn làm cơ sở.

Khu bến cảng Cái Mép Hạ được Chính phủ xác định là dự án bến cảng biển ưu tiên đầu tiên đến năm 2030. Bộ GTVT đánh giá việc sớm triển khai đầu tư các bến cảng khu vực Cái Mép Hạ là cần thiết.

Thời điểm giữa tháng 5/2024, Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà cũng đã giao Bộ GTVT chủ trì, phối hợp với UBND tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu nghiên cứu đề xuất của liên danh nhà đầu tư đối với dự án này, sau đó báo cáo Thủ tướng.

Liên quan tới dự án cảng biển Cái Mép Hạ, Chủ tịch Tập đoàn Geleximco – ông Vũ Văn Tiền cho biết, trong nhiều năm qua, 3 thành viên của liên danh rất quyết tâm khi theo đuổi nghiên cứu và đề xuất đầu tư gửi tới các cấp có thẩm quyền.

Ông Tiền cam kết, 3 thành viên liên danh sẽ giải quyết được những vướng mắc tồn đọng của nhà đầu tư cũ, đồng thời có đủ năng lực để triển khai dự án phù hợp với quy hoạch mới.

Liên danh 3 doanh nghiệp khẳng định đủ năng lực để thực hiện dự án này

Tập đoàn Geleximco từ lâu đã trở thành cái tên được chú ý trong ngành khai thác cảng, logistics và liên doanh với các nhà khai thác cảng quốc tế. Tập đoàn này thành lập năm 1993, tiền thân là Công ty TNHH Xuất nhập khẩu tổng hợp Hà Nội – Geleximco. Thời điểm đó, doanh nghiệp có vốn điều lệ ban đầu 3 tỷ đồng, tới năm 2019 tăng lên 9.600 tỷ đồng. Geleximco hoạt động chính trong các lĩnh vực: bất động sản, tài chính ngân hàng, sản xuất công nghiệp, thương mại dịch vụ, nông nghiệp công nghệ cao. Geleximco còn là cổ đông sáng lập của Công ty CP Đầu tư cảng Cái Lân.

Về tình hình tài chính, nửa đầu năm 2023 Geleximco chỉ lãi sau thuế gần 16 tỷ đồng, trong khi cùng kỳ lãi hơn 337 tỷ đồng, tương ứng giảm hơn 95%. Mặc dù lợi nhuận giảm nhưng hệ số nợ phải trả/vốn chủ sở hữu của doanh nghiệp lại giảm từ 2,22 (ngày 30/6/2022) xuống 2.2 (30/6/2023). Hệ số dư nợ trả phiếu/vốn chủ sở hữu giảm từ 0.39 xuống còn 0.36. Tới thời điểm ngày 4/6/2024, Geleximco đã sạch nợ trái phiếu.

Công ty CP Vận tải và Thương mại Quốc tế (ITC) được thành lập năm 2001. Doanh nghiệp này khá tín tiếng trong việc công bố tình hình kinh doanh sản xuất nhưng theo giới thiệu ITC là tập đoàn hàng đầu trong ngành vận tải biển, khai thác cảng biển, logistics và thương mại ở nước ta.

Geleximco Lê Trọng Tấn là một trong những dự án của "ông lớn" Geleximco

Hiện nay Cảng container quốc tế SP-ITC thuộc quyền sở hữu của ITC. Bên cạnh đó doanh nghiệp này còn nắm trong tay 1 cánh cửa XNK hàng container hàng đầu tại TPHCM, 1 trung tâm giao thương hàng hóa với công suất khai thác hàng triệu TEU mỗi năm.

Tổng công ty Đầu tư và Kinh doanh vốn nhà nước (SCIC) được thành lập năm 2005, trụ sở tại Q. Cầu Giấy (Hà Nội). Được biết tính đến hết ngày 31/12/2023, tổng doanh thu của công ty đạt 6.916 tỷ đồng, bằng 104% so với kế hoạch năm 2023. Trong đó, doanh thu cổ tức ước đạt 5.378 tỷ đồng, lợi nhuận trước thuế 6.695 tỷ đồng, lợi nhuận sau thuế đạt 6.432 tỷ đồng.

Trước đó hồi tháng 9/2023, Công ty điều hành cảng SSA Marine (trụ sở tại Seattle, Mỹ) và Công ty Gemadept (trụ sở TP. HCM) từng bày tỏ mối quan tâm chung về việc phát triển Trung tâm Logistics Cái Mép – Thị Vải trị giá 6,7 tỷ USD. Siêu cảng này cũng nhận được sự quan tâm của nhiều doanh nghiệp tên tuổi như: Liên danh Besix-Boskalis-Hateco, , Công ty CP Xuất nhập khẩu Quốc tế Tân Đại Dương, Tổng Công ty Tân Cảng Sài Gòn, IMG Innovations Tập đoàn Mặt Trời, Saigontel,…