Hiểu đúng xét tuyển sớm
Bộ Giáo dục Đào tại đã đưa ra Dự thảo quy chế tuyển sinh đại học năm 2025 có nhiều điểm mới, trong đó quy định các trường chỉ được xét tuyển sớm tối đa 20% chỉ tiêu.
Hiện nay, các trường đang thực hiện xét tuyển sớm qua các phương thức như học bạ, điểm thi đánh giá năng lực, chứng chỉ quốc tế... Vì vậy, khi Bộ đưa ra quy định này, nhiều thí sinh lo ngại 80% chỉ tiêu còn lại sẽ phải xét tuyển từ kết quả thi tốt nghiệp, dẫn đến lo sợ mất cơ hội khi sử dụng các phương thức khác.
Tuy nhiên, Bộ Giáo dục và Đào tạo khẳng định đây là sự hiểu lầm. Xét tuyển sớm và phương thức xét tuyển là hai khái niệm khác nhau. Cụ thể, xét tuyển sớm chỉ áp dụng cho các đợt tuyển sinh diễn ra trước kỳ xét tuyển chung của Bộ (vào khoảng tháng 7, sau khi thí sinh có điểm thi tốt nghiệp). Còn phương thức tuyển sinh có thể được áp dụng ở bất kỳ đợt xét tuyển nào. Trong cả đợt xét tuyển sớm với 20% chỉ tiêu hay đợt chung với 80% chỉ tiêu, các trường đều có thể sử dụng nhiều phương thức tuyển sinh khác nhau.
Bộ khẳng định, dù là giai đoạn xét tuyển sớm hay đợt xét tuyển chung của Bộ, thí sinh vẫn có thể tham gia xét tuyển bằng các phương thức khác nhau. Các thí sinh có điểm IELTS, ACT/SAT, đánh giá năng lực, tư duy... đều không bị ảnh hưởng.
Đối với phương thức xét tuyển bằng học bạ, điểm mới là Bộ dự kiến sẽ sử dụng điểm học kỳ II lớp 12 thay vì chỉ dựa vào điểm từ 3 - 5 học kỳ trước như các trường hiện tại. Do đó, các trường đại học sử dụng phương thức xét tuyển này sẽ chỉ có thể nhận hồ sơ sau ngày 31/5, khi năm học kết thúc. Thời gian công bố kết quả cũng sẽ muộn hơn so với trước đây, không còn trong khoảng từ tháng 3 đến tháng 5.
Vấn đề gây tranh cãi nằm ở chỗ Bộ Giáo dục và Đào tạo dự kiến điểm của đợt xét tuyển sớm phải tương đương với điểm của đợt xét tuyển chung. Bên cạnh đó, nếu sử dụng nhiều phương thức tuyển sinh, các trường đại học sẽ phải quy đổi tất cả về một thang điểm chung.
Theo tiến sĩ Hoàng Ngọc Vinh - nguyên Vụ trưởng Vụ Giáo dục chuyên nghiệp, Bộ Giáo dục và Đào tạo, điều này không khả thi vì các kỳ thi tốt nghiệp, đánh giá năng lực và học bạ có bản chất khác nhau. Quy đổi điểm tương đương đòi hỏi phải có dữ liệu phân phối chuẩn trong 3 - 5 năm cùng với những phương pháp phân tích, khảo thí phức tạp.
Tiến sĩ Vinh cho rằng, với hơn 100 tổ hợp xét tuyển và hàng loạt phương thức khác nhau, việc xây dựng một hệ thống quy đổi điểm đòi hỏi một lượng dữ liệu khổng lồ và nghiên cứu chuyên sâu, điều này hiện chưa được thực hiện. Quy đổi không chính xác sẽ dẫn đến bất công và ảnh hưởng đến chất lượng đầu vào.
Một số chuyên gia tuyển sinh cũng cho hay, vấn đề này rất phức tạp và có thể khiến một số trường ngần ngại sử dụng nhiều phương thức tuyển sinh. Từ đó có thể dẫn đến việc các trường ưu tiên xét tuyển chủ yếu bằng điểm thi tốt nghiệp hay học bạ, những phương thức dễ dàng hơn khi quy đổi điểm.
Chuyển hướng trước việc siết xét tuyển
Trước những dự kiến trong xét tuyển đại học của Bộ Giáo dục và Đào tạo, nhiều học sinh bày tỏ lo lắng, gấp rút thay đổi "chiến thuật" ôn thi. Lý Bảo Việt - học sinh Trường THPT Quỳnh Lưu 4 (Nghệ An) cho biết, em dự định thi vào ngành sư phạm trong năm tới. Tuy nhiên, vì lo lắng không thể đáp ứng được các quy định mới cũng như khó khăn trong việc cạnh tranh bằng điểm thi tốt nghiệp THPT do "năm ngoái mỗi môn phải đạt gần 10 điểm mới đỗ", nam sinh này đã quyết định chuyển hướng và chọn thi vào các trường quân đội. Dù các trường quân đội cũng rất hot, nhưng chỉ tiêu nhiều hơn nên có thể dễ đỗ hơn.
Việt chia sẻ, các quy định mới nhìn chung khá công bằng vì các bạn ở nông thôn sẽ khó có điều kiện ôn luyện các kỳ thi đánh giá năng lực (ĐGNL) như học sinh thành phố. Hiện tại, em đang tập trung học các môn trong năm lớp 12, đặc biệt là các môn tổ hợp toán, văn, vật lý và tiếng Anh, vì "tất cả hy vọng của em đều đặt vào kỳ thi tốt nghiệp THPT".
Còn Lê Trương Nhật Lam - học sinh Trường THPT Nguyễn Thị Minh Khai (TP. HCM) mong muốn thi vào Trường ĐH Y khoa Phạm Ngọc Thạch. Lam cho biết, em chỉ vừa đủ điểm tốt ở lớp 10, 11 nên đang gặp áp lực trong việc duy trì thành tích năm lớp 12. Do đó, em đã đăng ký khóa luyện đề nâng cao, đồng thời giảm bớt các hoạt động ngoại khóa để tối ưu thời gian ôn luyện. Lo lắng về khả năng không đạt kết quả tốt trong năm lớp 12, Lam cũng bắt đầu tìm hiểu các ngành học khác và chuẩn bị phương án dự phòng.
Trong khi đó, Lê Mai Phương - học sinh Trường THPT Nguyễn Thượng Hiền (TP. HCM) cho biết, em dự định chọn phương thức xét tuyển bằng chứng chỉ IELTS và SAT (bài thi tuyển sinh vào các trường ĐH Mỹ). Tuy nhiên, trước các quy định mới, Phương thừa nhận em không tự tin về khả năng trúng tuyển khi xét tuyển sớm. Vì vậy, em đang chuẩn bị thi lại SAT để có kết quả tốt hơn và cũng chuẩn bị cho kỳ thi đánh giá năng lực của Đại học Quốc gia TP. HCM, cũng như thi tốt nghiệp THPT để có phương án dự phòng.
Chia sẻ về vấn đề này, tiến sĩ Lê Trường Tùng - Chủ tịch Hội đồng quản trị Trường Đại học FPT cho rằng, những thay đổi trong quy chế không ảnh hưởng đến thí sinh và cơ hội vẫn hoàn toàn mở rộng. Vì vậy, thí sinh nên tiếp tục đăng ký nhiều nguyện vọng vào các trường, bao gồm cả đợt xét tuyển sớm và xét tuyển chung.