Lợi nhuận làm mờ mắt khiến “thiên đường mua sắm” của TP. HCM đầy hàng giả

Thông tin từ Cục Quản lý thị trường (QLTT) TP. HCM, Đội QLTT số 4 vừa tiến hành kiểm tra nhiều điểm kinh doanh trên địa bàn thành phố và tạm giữ số lượng lớn sản phẩm có dấu hiệu giả mạo nhãn hiệu.

Điển hình như ngày 24/9, cơ quan chức năng đã tiến hành kiểm tra đồng loạt một số cơ sở kinh doanh tại Trung tâm thương mại Saigon Square (quận 1, TP. HCM). Đội QLTT số 4 đã phát hiện các sản phẩm như quần áo, túi xách, ví và trang sức xi mạ không có hóa đơn, chứng từ và có dấu hiệu giả mạo các nhãn hiệu nước như Gucci, Chanel, LV, Dior, Adidas, Nike…

Lực lượng QLTT phát hiện số lượng lớn hàng giả tại Saigon Square

Saigon Square là một trong những trung tâm thương mại sầm uất tại TP. HCM, từ lâu đã được xem như "thiên đường mua sắm" cho cả người dân địa phương và du khách. Với vị trí đắc địa và đa dạng các mặt hàng, từ quần áo, túi xách, giày dép, cho đến phụ kiện thời trang, nơi đây luôn thu hút lượng khách đông đảo.

Tuy nhiên, đằng sau vẻ sầm uất đó, vấn nạn hàng giả, hàng nhái đang trở thành một thực trạng nhức nhối, ảnh hưởng không chỉ đến người tiêu dùng mà còn cả nền kinh tế và uy tín thương mại của Việt Nam.

Vụ phát hiện hàng giả tại trung tâm thương mại này không phải là lần đầu tiên. Trước đó, vào cuối năm 2022, Tổng cục QLTT đã chia tới 6 tổ công tác để cùng "đột kích" kiểm tra tại Saigon Square. Kết quả, cơ quan chức năng phát hiện hàng nghìn sản phẩm nhái các thương hiệu nổi tiếng như Gucci, Dior, Chanel, LV, Adidas, Nike… và phải mất tới nhiều ngày mới kiểm đếm hết toàn bộ số hàng vi phạm.

Lãnh đạo Tổng cục QLTT cho biết, Trung tâm thương mại Saigon Square tập trung đa dạng các mặt hàng. Tuy nhiên, các hộ kinh doanh tại đây thường sử dụng nhiều thủ đoạn để đối phó với cơ quan chức năng nhằm hạn chế việc kiểm tra và phát hiện hàng hóa giả mạo.

Đợt kiểm tra tại Saigon Square vào tháng 11/2022

Các hộ kinh doanh thường lợi dụng sự phổ biến và uy tín của các thương hiệu lớn để bán hàng giả, hàng nhái với mức giá rẻ hơn nhiều so với sản phẩm chính hãng. Những sản phẩm này không chỉ thu hút người mua vì giá cả phải chăng mà còn vì vẻ bề ngoài giống hệt với hàng thật, khiến nhiều người tiêu dùng khó lòng phân biệt.

Điều này không chỉ gây thiệt hại lớn cho các thương hiệu nổi tiếng, mà còn ảnh hưởng đến uy tín của nền thương mại Việt Nam và tiềm ẩn nhiều rủi ro cho người tiêu dùng khi sử dụng các sản phẩm kém chất lượng.

Theo một cán bộ QLTT TP. HCM, ngoài Saigon Square, nhiều địa bàn trọng điểm khác như Bến Thành, Taka Plaza, chợ Nga và các tuyến đường nổi bật như Nguyễn Trãi, Lưu Văn Lang, Phan Bội Châu, Phan Chu Trinh và Cách Mạng Tháng Tám cũng đã được tăng cường kiểm tra.

Trong 9 tháng qua, Đội QLTT số 4 đã thực hiện 249 cuộc kiểm tra, tập trung vào các hành vi kinh doanh hàng giả, hàng nhập lậu, và hàng hóa không rõ nguồn gốc. Tổng số tiền phạt đã lên tới hơn 4,7 tỷ đồng, với giá trị hàng hóa vi phạm ước tính hơn 12,6 tỷ đồng.

Trong thời gian tới, cơ quan chức năng sẽ tiếp tục triển khai các kế hoạch trọng điểm về chống hàng giả tại các khu vực có nguy cơ cao, các ổ nhóm và tụ điểm kinh doanh hàng nhái. Đồng thời, công tác quản lý địa bàn cũng sẽ được tăng cường, với sự phối hợp đồng bộ các biện pháp nghiệp vụ nhằm phát hiện và ngăn chặn kịp thời các hoạt động sản xuất, buôn bán hàng giả, hàng nhái, bảo vệ quyền lợi chính đáng của người tiêu dùng.