Người đi bộ sẽ có có lối đi thoáng đãng khi Hà Nội triển khai cho thuê vỉa hè

Anh Võ Đăng Trình - chủ quán cà phê trên phố Trần Đăng Ninh (quận Cầu Giấy) chia sẻ, dù quán có điều hòa, nhưng vào những ngày thời tiết mát mẻ, hầu hết khách hàng đều chọn ngồi ngoài để tận hưởng không khí phố phường. Vì thế, việc cho thuê vỉa hè là một ý tưởng hợp lý.

6 tiêu chí, 9 mô hình

Sở Xây dựng Hà Nội vừa hoàn thành dự thảo lần thứ 3 của Đề án quản lý, khai thác và sử dụng lòng đường, hè phố trên địa bàn thành phố. Để xây dựng dự thảo này, Sở đã phối hợp với các nhóm chuyên gia, phòng quản lý đô thị các quận, huyện tiến hành khảo sát, điều tra xã hội học, đánh giá thực trạng quản lý và sử dụng vỉa hè tại 123 tuyến phố do UBND 16 quận, huyện đề xuất.

Công an nhắc nhở các hộ kinh doanh lấn chiếm vỉa hè (Ảnh: Nguyễn Hải/Dân trí)

Dựa trên kinh nghiệm của một số quốc gia và các đô thị trong nước, Sở Xây dựng đã đưa ra 6 tiêu chí chính để cho thuê vỉa hè. Cụ thể, hè phố cho phép kinh doanh phải có chiều rộng tối thiểu 3m, trừ khu vực phố cổ ở quận Hoàn Kiếm. Bề rộng này sẽ được phân chia 1,5m dành cho người đi bộ, một phần để bố trí hạ tầng kỹ thuật và phần còn lại để kinh doanh và trông giữ phương tiện.

Đối với khu phố cổ, vỉa hè có thể có chiều rộng nhỏ hơn 3 mét và được phép kinh doanh trong thời gian tổ chức không gian đi bộ hoặc vào những thời gian khác do UBND quận cấp phép.

Các tiêu chí tiếp theo yêu cầu có vị trí đỗ xe cho khách tại chỗ hoặc trong phạm vi cho phép; hoạt động kinh doanh phải đảm bảo an toàn, văn minh; tuân thủ quy định về an ninh trật tự, phòng chống cháy nổ và vệ sinh môi trường. UBND cấp huyện cũng cần lấy ý kiến của người dân trước khi cho phép kinh doanh vỉa hè hoặc trông giữ xe tạm thời, nhằm đảm bảo sự đồng thuận trong cộng đồng.

Cuối cùng, hè phố tổ chức kinh doanh phải được UBND cấp huyện cấp phép về thời gian và các mặt hàng kinh doanh. Điều này nhằm đảm bảo sự phát triển đô thị, thúc đẩy du lịch và kinh doanh thương mại văn minh, phù hợp với văn hóa địa phương. Đặc biệt, đối với hộ kinh doanh di động, yêu cầu phải trang bị quầy bán hàng theo quy chuẩn do UBND cấp huyện ban hành.

Bên cạnh 6 tiêu chí, Sở Xây dựng Hà Nội cũng đề xuất 9 mô hình áp dụng cho vỉa hè có bề rộng từ tối đa 1,5m đến hơn 7,5m. Mô hình 1 áp dụng cho khu vực phố cổ: Nếu vỉa hè có chiều rộng tối đa chỉ 1,5m thì không cho phép kinh doanh, toàn bộ không gian sẽ được dành cho người đi bộ và người khuyết tật.

Nếu vỉa hè có chiều rộng từ 1,5 - 3 m, phần gần công trình, nhà ở sẽ được cấp phép kinh doanh, còn phần vỉa hè tiếp giáp lòng đường dành cho người đi bộ và người khuyết tật. Phạm vi áp dụng đối với mô hình 1 là khu vực phố cổ trong thời gian tổ chức không gian phố đi bộ hoặc thời gian khác được UBND quận cấp phép, đồng thời phải thỏa mãn các tiêu chí cơ bản trong đề án.

8 mô hình còn lại áp dụng cho vỉa hè có bề rộng từ 3m đến hơn 7,5m, với ưu tiên tối thiểu 1,5m dành cho người đi bộ ở giữa vỉa hè. Khu vực sát nhà ở sẽ được sử dụng cho kinh doanh, còn phần tiếp giáp lòng đường dành cho đỗ xe đạp, xe máy nếu đủ diện tích.

Dự thảo cũng quy định việc cấp mới, điều chỉnh hoặc thu hồi giấy phép cho thuê vỉa hè sẽ do Sở GTVT và UBND cấp huyện thực hiện theo phân cấp. Nội dung giấy phép sẽ quy định rõ phạm vi, thời gian và đối tượng được phép sử dụng vỉa hè cho mục đích trông giữ phương tiện hoặc kinh doanh, với mức phí từ 20.000 đến 40.000 đồng/m2/tháng theo Nghị quyết số 6 của HĐND thành phố.

Nhiều vỉa hè rộng nhưng người đi bộ vẫn phải len lỏi giữa các phương tiện (Ảnh: Nguyễn Trường/Thanh Niên)

Người dân mong chờ triển khai

Theo TS.KTS Đào Ngọc Nghiêm - Phó Chủ tịch Hội Quy hoạch phát triển đô thị Việt Nam, việc cho thuê vỉa hè cần phải phù hợp với yếu tố truyền thống và lấy tiêu chí "phục vụ người dân" làm cơ sở. Vấn đề này đã được thảo luận lâu nhưng gặp khó khăn trong việc phân loại vỉa hè, bởi đặc điểm vỉa hè ở Hà Nội thay đổi theo thời gian và quy mô xây dựng. Việc phân loại vỉa hè không chỉ dựa trên bề rộng mà còn phải tính đến yếu tố truyền thống của từng tuyến phố và các công trình nhà ở liền kề.

Ông Nghiêm lưu ý, các bài học kinh nghiệm từ các quốc gia khác chỉ ra rằng, việc chọn lựa khu vực cho thuê vỉa hè cần phải chú trọng đến những địa điểm thu hút khách du lịch và chất lượng của hoạt động kinh doanh.

Việc phân loại vỉa hè cần không chỉ phục vụ mục tiêu kinh tế mà còn phải đảm bảo cuộc sống của người dân trong khu vực. Vì vậy, ông đề xuất cần lấy ý kiến rộng rãi của cộng đồng trước khi quyết định cho thuê vỉa hè.

Trên thực tế, nhu cầu thuê vỉa hè để kinh doanh là rất thiết thực, đặc biệt đối với các cơ sở kinh doanh trong lĩnh vực đồ uống và đồ ăn. Việc bố trí bàn ngoài vỉa hè không chỉ tạo không gian thoáng đãng mà còn thu hút một lượng khách hàng thích không gian ngoài trời.

Anh Võ Đăng Trình - chủ quán cà phê trên phố Trần Đăng Ninh (quận Cầu Giấy) chia sẻ, dù quán có điều hòa, nhưng vào những ngày thời tiết mát mẻ, hầu hết khách hàng đều chọn ngồi ngoài để tận hưởng không khí phố phường. Vì thế, việc cho thuê vỉa hè là một ý tưởng hợp lý.

Tuy nhiên, anh Trình cho rằng thay vì thu phí theo diện tích vỉa hè, chính quyền thành phố nên áp dụng hình thức thu phí theo tháng hoặc theo quý. Với cách tính phí hiện tại, những cơ sở kinh doanh có mặt tiền rộng sẽ phải chi trả một khoản tiền lớn cho việc thuê vỉa hè.

Cùng quan điểm về việc cho thuê vỉa hè, anh Nguyễn Đức Mậu (quận Đống Đa) cho rằng, nhiều diện tích vỉa hè và không gian đi bộ hiện nay đang bị chiếm dụng bởi các hộ kinh doanh làm nơi đỗ xe và buôn bán. Việc cho thuê vỉa hè sẽ góp phần giải quyết vấn đề này.

Lâu nay, chị Hoa đã tận dụng triệt để khoảng không gian rộng khoảng 1,5m trên vỉa hè trước cửa hàng để kê bàn ghế phục vụ kinh doanh. Tuy nhiên, việc chiếm dụng không gian dành cho người đi bộ khiến chị luôn lo lắng mỗi khi lực lượng chức năng xuất hiện, phải vội vã thu dọn đồ đạc để tránh bị xử phạt.

Chị Hoa bày tỏ ủng hộ chủ trương cho thuê vỉa hè của thành phố vì điều này giúp quản lý tốt hơn. Dù vậy, chị không rõ liệu tuyến phố nơi chị đang kinh doanh có đủ điều kiện cho thuê vỉa hè hay không. Nếu không, chị sẽ phải tìm cách giải quyết vì không gian trong cửa hàng quá chật, không đủ chỗ để kinh doanh.

Tại Hà Nội, quận Hoàn Kiếm là khu vực duy nhất triển khai cho thuê vỉa hè để kinh doanh từ năm 2021 theo chủ trương của thành phố. Các địa điểm cho thuê vỉa hè chủ yếu dành cho việc giới thiệu và quảng bá sản phẩm như cà phê, giải khát, đồ ăn nhanh như tại các địa chỉ 94 Lý Thường Kiệt, 30 Lý Thường Kiệt, 11 Lê Phụng Hiểu và 15 Ngô Quyền…

Còn lại, đa số vỉa hè ở Hà Nội bị người dân chiếm dụng để phục vụ nhu cầu kinh doanh hoặc dừng đỗ phương tiện cá nhân trước cửa nhà. Như nhiều đoạn vỉa hè ở phố Lê Văn Lương bị các tổ chức, cá nhân sử dụng để trông xe, bán hàng. Để di chuyển qua những khu vực này, người đi bộ phải "luồn lách" vì lối đi bị thu hẹp. Hay ở phố Đại Cồ Việt, nhiều đoạn vỉa hè rộng từ 3 - 7 m nhưng người đi bộ len lỏi giữa các ô tô đỗ tại đây. Do đó, rất nhiều người mong thành phố sớm triển khai cho thuê vỉa hè.