Những năm gần đây, phong trào chạy bộ và tham gia các giải thi chạy đã trở thành trào lưu phổ biến trong cộng đồng, thu hút đông đảo người tham gia ở mọi lứa tuổi. Tuy nhiên, bên cạnh những lợi ích sức khỏe, việc gắng sức tham gia các giải thi này cũng tiềm ẩn nhiều rủi ro nghiêm trọng, đặc biệt là khi những sự kiện này diễn ra vào ban đêm hoặc sáng sớm.
Như gần đây, trong một giải thi chạy ban đêm tại TP. HCM, ba người tham gia gồm hai nam (46 và 38 tuổi) và một nữ (19 tuổi) đã phải nhập viện cấp cứu do ngất xỉu sau khi cố gắng chạy. Bác sĩ Vũ Đức Nhân, phó trưởng phòng kế hoạch tổng hợp Bệnh viện Đa khoa Sài Gòn, cho biết các bệnh nhân đã được thăm khám và điều trị kịp thời, hiện một người vẫn đang theo dõi tại khoa nội để kiểm tra thêm các vấn đề về tim mạch, trong khi hai người còn lại đã được xuất viện.
Trước đó, vào cuối tháng 5 vừa qua, Bệnh viện Chợ Rẫy đã điều trị thành công cho bệnh nhân T.Q.T. (31 tuổi, quê ở Bình Thuận) bị hội chứng ly giải cơ vân và suy thận cấp sau khi tham gia một giải chạy. Cụ thể, bệnh nhân nhập viện trong tình trạng lơ mơ, bứt rứt, có cơn co giật, thở oxy qua mặt nạ và nước tiểu có màu nâu sậm. Các bác sĩ đã tiến hành bù dịch, kiềm hóa nước tiểu và lọc thận chậm.
Theo tiến sĩ, bác sĩ Phạm Minh Huy - khoa Hồi sức Cấp cứu của bệnh viện, hội chứng tiêu cơ vân xảy ra khi các tế bào cơ vân bị tổn thương, dẫn đến việc giải phóng các chất như kali, axit uric, axit lactic, myoglobin và các enzym vào máu, gây rối loạn điện giải, toan chuyển hóa và có thể dẫn đến suy thận cấp.
Từ đầu năm đến nay, nhiều vận động viên tham gia các giải chạy đã gặp sự cố về sức khỏe, thậm chí tử vong do chủ quan, không tìm hiểu kỹ và không đánh giá đúng khả năng của bản thân trước khi đăng ký. Như tại giải chạy bộ Tay Ho Half Marathon 2024 vào sáng 14/4, nam vận động viên sinh năm 1990 bất ngờ gục ngã ngay trên đường chạy, khi cách vạch đích khoảng 100m do ngừng tim. Người này được xác định có tiền sử tăng huyết áp 4 năm, thường xuyên được điều trị bằng Coversyl.a
Hay vào cuối tháng 3, một vận động viên tham gia giải chạy Vietnam Ultra Marathon tại tỉnh Hòa Bình đã ngất xỉu trên đường đua, dù được đưa vào bệnh viện cấp cứu nhưng sau đó đã tử vong. Tương tự, một nam sinh lớp 9 ở huyện Quảng Trạch, tỉnh Quảng Bình cũng đã tử vong sau khi tham gia nội dung chạy 200m tại Hội khỏe Phù Đổng cấp huyện.
Bác sĩ Phan Vương Huy Đổng - Chủ tịch Liên chi hội Y học thể thao TP. HCM nhấn mạnh, chạy bộ mang lại nhiều lợi ích nhưng cũng tiềm ẩn nhiều nguy cơ, đặc biệt là với những người tham gia mà không nhận thức rõ ràng về sức khỏe của mình. Nhiều người, đặc biệt là giới trẻ, thường chủ quan và không lường trước được rủi ro khi cố gắng "vượt lên chính mình".
Các triệu chứng nguy hiểm có thể xảy ra như tăng nhịp tim, huyết áp cao, khó thở cấp tính, cơn hen suyễn, thậm chí là đột quỵ tim hoặc não. Thời gian tổ chức các giải thi đấu vào ban đêm hay sáng sớm có thể khiến cơ thể không kịp thích nghi, gia tăng khả năng gặp phải các vấn đề sức khỏe nghiêm trọng.
Đặc biệt, với các giải chạy tổ chức ban đêm, nguy cơ ảnh hưởng sức khỏe còn cao hơn. Bởi giải thi chạy ban đêm diễn ra vào thời điểm cơ thể thường nghỉ ngơi, khiến đồng hồ sinh học của người tham gia bị rối loạn.
Để giảm thiểu rủi ro, bác sĩ Đổng đề xuất cần tổ chức các giải chạy một cách chặt chẽ hơn, phân loại theo độ tuổi và thể trạng của người tham gia, đồng thời cần có đội ngũ y tế sẵn sàng hỗ trợ trên đường chạy. Cùng với đó, việc giáo dục về giới hạn sức khỏe cá nhân và các dấu hiệu cảnh báo cũng là điều cần thiết.
Với những người có bệnh lý nền như cao huyết áp, tim mạch hay vấn đề về cơ xương khớp, bác sĩ khuyên nên thăm khám trước khi tham gia và tuân thủ các chỉ định y tế. Người tham gia cần có sự chuẩn bị tốt về mặt sức khỏe, đồng thời ban tổ chức giải chạy cũng cần nâng cao trách nhiệm trong việc đảm bảo an toàn cho mọi người tham gia. Sự kết hợp giữa nhận thức và hành động sẽ giúp giảm thiểu những sự cố đáng tiếc trong các giải thi chạy sắp tới.