Nhà đầu tư cá nhân chiếm áp đảo thị trường TPDN: Khó xây dựng cơ chế bảo vệ hoàn toàn

Lượng nhà đầu tư cá nhân đang chiếm tới hơn 99% trên sàn giao dịch trái phiếu riêng lẻ khiến giới chuyên gia lo ngại sẽ gây hậu quả lớn. Tuy nhiên, vẫn có ý kiến cho rằng, trong giai đoạn cơ quan quản lý phải xây dựng chính sách có mục tiêu, phù hợp bối cảnh, có khuôn khổ bảo vệ lợi ích hợp lý, chứ không thể bảo vệ hoàn toàn nhà đầu tư.

Tại hội nghị tổng kết 1 năm vận hành Hệ thống giao dịch trái phiếu doanh nghiệp (TPDN) riêng lẻ, ông Dương Ngọc Tuấn – Phó Tổng giám đốc Tổng công ty lưu ký và bù trừ chứng khoán Việt Nam (VSDC) cho biết, tính đến hiện tại, số lượng tài khoản nhà đầu tư ghi nhận 190.826 tài khoản, trong đó có 190.034 tài khoản nhà đầu tư cá nhân, tương đương gần 99,6%.

Giá trị thanh toán đạt trên 3.000 tỉ đồng/ngày, cá biệt có ngày 11/6/2024 có giá trị thanh toán lớn nhất là hơn 10.400 tỉ đồng. Trong năm đầu vận hành, VSDC đã thực hiện đăng ký lần đầu hơn 1,47 tỉ trái phiếu, tương đương gần 900.000 tỉ đồng; thực hiện quyền 1.400 mã/đợt trái phiếu, tương đương gần 96.500 tỉ đồng.

Lo bài học Tân Hoàng Minh, Vạn Thịnh Phát quay về

Dù đánh giá cao những thành quả mà “chợ” TPDN đã đạt được nhưng giới chuyên gia vẫn bày tỏ sự lo ngại khi câu chuyện của hàng vạn nhà đầu tư trái phiếu Tân Hoàng Minh, Vạn Thịnh Phát còn chưa “nguội” thì hàng nghìn trái chủ khác cũng đang trong cảnh chấp nhận giãn, hoãn nợ trái phiếu. Đáng chú ý, ngay trên “chợ”, số mã TPDN phi chuẩn hoặc không có đủ thông tin để tính giá chiếm tới 71%.

Theo ông Nguyễn Anh Minh – Phó trưởng ban Ban quản lý đăng ký trái phiếu (thuộc VSDC), vai trò của nhà đầu tư cá nhân chuyên nghiệp rất quan trọng trong thị trường TPDN nhưng việc xác định sự chuyên nghiệp lại chưa chặt chẽ khi chỉ cần văn bản xác nhận của công ty chứng khoán.

Câu chuyện của hàng vạn nhà đầu tư trái phiếu Tân Hoàng Minh, Vạn Thịnh Phát vẫn chưa “nguội”

Trong khi tổ chức phát hành chỉ quan tâm chào bán được càng nhiều càng tốt, không quan tâm đến chất lượng nhà đầu tư. Thông thường, nhà đầu tư cá nhân chỉ mua theo tư vấn của môi giới hoặc người thân, dẫn tới hệ lụy khi doanh nghiệp không đảm bảo khả năng trả nợ, nhà đầu tư bị thiệt hại.

Đồng quan điểm, ông Đỗ Ngọc Quỳnh – Tổng thư ký Hiệp hội Thị trường trái phiếu Việt Nam (VNBA) cho biết, việc cá nhân thua lỗ vì đầu tư trái phiếu không phải là chuyện riêng có ở Việt Nam, trong giai đoạn cuộc khủng hoàng 2008 – 2011 khi Lehman Brothers phá sản, rất nhiều nhà đầu tư trái phiếu nhỏ đã mất tiền, trong đó có các nhà đầu tư cá nhân tại Hồng Kông.

Tại thời điểm đó, các nhà đầu tư cho rằng Chính phủ đã thiếu trách nhiệm vì đã cho phép doanh nghiệp phát hành trái phiếu, cơ quan xếp hạng tín nhiệm cũng sai. Sau bê bối này, Hồng Kông đã đưa ra một công cụ bắt buộc phải có danh sách liệt kê toàn bộ rủi ro đối với sản phẩm tài chính, nhà đầu tư phải đọc và ký, chấp nhận hoàn toàn rủi ro liên quan.

Ở Việt Nam, mặc dù Luật Chứng khoán năm 2019 và Nghị định 65/2022/NĐ-CP đã nâng chuẩn với điều kiện nhà đầu tư chuyên nghiệp, song dù đáp ứng tiêu chuẩn, cũng không có nghĩa các nhà đầu tư này có thể đánh giá được đầy đủ rủi ro của trái phiếu.

Khó bảo vệ hoàn toàn nhà đầu tư cá nhân trên thị trường trái phiếu

Theo bà Nguyễn Thị Ngọc Anh – Tổng giám đốc Công ty quản lý quỹ SSI, trong những câu chuyện thiệt hại từ đầu tư trái phiếu thời gian qua, các nhà đầu tư TPDn cá nhân bị thiệt hại là nạn nhân, nhưng cũng chính là “thủ phạm” đẩy mình vào thế bị mất tiền. Bởi luôn quyết định theo cảm tính, không tìm hiểu kỹ càng về tổ chức phát hành.

Do đó, bà Ngọc Anh cho rằng, cần khung khổ pháp lý mới nâng cao quy định về nhà đầu tư chuyên nghiệp. Đồng thời cần có giải pháp thu hút sự tham gia nhiều hơn của các nhà đầu tư tổ chức mua TPDN.

Trước vấn đề này, ông Hoàng Văn Thu – Phó Chủ tịch Ủy ban Chứng khoán Nhà nước (UBCKNN) cho biết, rủi ro TPDN không hẳn do nhà đầu tư yếu kém trong khâu đánh giá, thẩm định dự án hay tổ chức phát hành mà nhiều khi còn đến từ yếu tố khách quan như rủi ro thị trường chung.

Mỗi nhà đầu tư dựa theo kiến thực của mình cần xác lập “khẩu vị” rủi ro riêng

Trong thời giai tới, UBCKNN sẽ có quy định để định hướng các nhà đầu tư nhỏ lẻ đầu tư cổ phiếu, TPDN thông qua các quỹ. Đồng thời nghiên cứu đối tượng phát hành TPDN riêng lẻ, hướng tới nhà đầu tư tổ chức chuyên nghiệp để tăng cường minh bạch, đánh giá rủi ro. Cùng với đó, tăng cường hoạt động các quỹ, khuyến khích mở thêm các quỹ, các quy định sửa đổi đang được kỳ vọng Quốc hội thông qua vào tháng 10/2024 và có hiệu lực từ ngày 1/1/2025.

Ở góc nhìn khác, ông Đỗ Ngọc Quỳnh cho rằng, không có sản phẩm tài chính nào không có rủi ro, chỉ là ít hay nhiều. Do đó, mỗi nhà đầu tư dựa theo kiến thực của mình cần xác lập “khẩu vị” rủi ro riêng. Trong giai đoạn hiện nay, cơ quan quản lý phải xây dựng chính sách có mục tiêu, phù hợp bối cảnh, có khuôn khổ bảo vệ lợi ích nhà đầu tư hợp lý chứ không thể bảo vệ hoàn toàn.

Đồng quan điểm không kênh đầu tư nào an toàn tuyệt đối, nhưng ông Nguyễn Quang Thuân – Tổng giám đốc FiinRatings cho rằng, giảm dần tỷ trọng nhà đầu tư cá nhân tham gia TPDN riêng lẻ là đúng đắn. Đây là kênh mà Chính phủ phải ‘nắn’, nếu không sẽ để lại hậu quả lớn, thay vào đó, cần có cơ chế thu hút các nhà đầu tư tổ chức.