Nhiều "ông lớn" bất động sản bị điểm tên trong bảng trái phiếu có đáo hạn rủi ro

VIS Rating ước tính, có khoảng 7.300 tỉ đồng trong số 18.600 tỉ đồng trái phiếu đáo hạn có rủi ro cao, không trả được nợ gốc đúng hạn, tập trung chủ yếu ở một vài “ông lớn” bất động sản.

VIS Rating vừa có báo cáo về thị trường trái phiếu doanh nghiệp (TPDN) tháng 7/2024. Theo đó, trong tháng 7/2024, có 5 trái phiếu công bố chậm trả lần đầu phát hành bởi 3 tổ chức phát hành, tổng giá trị lưu hành là 1.240 tỉ đồng, thấp hơn so với tháng 6.

Trái phiếu đáo hạn rủi ro cao vẫn chiếm đa số

Trong số này, có 1 tổ chức phát hành sau đó đã trả hết vào ngày 1/8/2024 và hiện không còn dư nợ trái phiếu, 1 tổ chức phát hành được gia hạn thêm 2 năm. Tỷ lệ trái phiếu chậm trả toàn thị trường cuối tháng 7/2024 ở mức 15,1%, giảm so với mức 15,6% ở cuối tháng 6/2024; tỷ lệ thu hồi tăng thêm 0,4% lên mức 18,5%.

Phần lớn giá trị hoàn trả trái phiếu chậm trả gốc, lãi trong tháng 7/2024 là của hai tổ chức phát hành thuộc nhóm bất động sản dân cư là Công ty CP Dịch vụ Giải trí Hưng Thịnh Quy Nhơn và Công ty TNHH No Va Thảo Điền.

novaland-trai-phieu-1723726417.jpg

Trái phiếu Nova Land vẫn là một trong những doanh nghiệp đứng đầu bảng rủi ro cao

Theo đó, sau khi hoàn trả 1.000 tỉ đồng dư nợ chậm trả trong tháng 7, Công ty CP Dịch vụ Giải trí Hưng Thịnh Quy Nhơn vẫn còn dư nợ chậm khoảng 5.000 tỉ đồng, hầu hết đều được gia hạn từ 1 – 2 năm nữa. Còn với No Va Thảo Điển, từ năm 2023 đến tháng 7/2024, công ty mới trả được 15% dư nợ trái phiếu chậm trả thông qua hình thức hoán đổi tài sản.

Cũng trong tháng 7, một nhà cung cấp yêu cầu mở thủ tục phá sản đối với Công ty CP Đầu tư LDG, trong khi công ty vẫn đang chậm trả một lô trái phiếu trị giá 186 tỉ đồng và chưa trả lãi định kỳ cho trái chủ kể từ tháng 2/2023. Việc bị yêu cầu mở thủ tục phá sản có thể ảnh hưởng đến lợi ích của các trái chủ.

VIS Rating ước tính, trong số 18.600 tỉ đồng trái phiếu đáo hạn trong tháng 8, có khoảng 7.300 tỉ đồng ở mức rủi ro cao, không trả được nợ gốc đúng hạn, tăng 46% so với tháng trước. Nguyên nhân đến từ việc lượng trái phiếu đến hạn tháng 8 cao gấp 3 lần tháng 7.

Trong số trái phiếu đáo hạn có rủi ro cao của tháng 8/2024, có 4.300 tỉ đồng trái phiếu do các công ty thuộc nhóm ngành xây dựng và bất động sản dân cư. Cụ thể là Nova Land, Hưng Thịnh Land và Đại Thịnh Phát là các tổ chức phát hành đã chậm trả nhiều lô trái phiếu kể từ năm 2023; số còn lại thuộc về Công ty CP Anh ngữ Apax. 

Trong 12 tháng tới, khoảng 20% trong tổng giá trị 259.000 tỉ đồng sẽ đáo hạn có rủi ro cao bị chậm trả. 90% trong số đó đã từng chậm trả lãi ít nhất một lần và đang có tỷ lệ đòn bẩy rất cao, nguồn tiền mặt thấp và tỷ suất lợi nhuận trước thuế (EBITDA) thấp.

Thị trường đang từng bước phát triển theo chiều sâu

Đánh giá về thị trường chung, ông Trần Phú Việt - Trưởng phòng nghiên cứu và phát triển sản phẩm FiinGroup cho biết, tổng giá trị phát hành TPDN trên thị trường sơ cấp từ đầu năm đến 13/8/2024 đạt 240.000 tỷ đồng, tăng 102% so với cùng kỳ năm ngoái, giúp quy mô lưu hành đạt 1,21 triệu tỷ đồng, tức khoảng 11,7% GDP năm 2023.

Tốc độ phát hành mới trên thị trường sơ cấp đang diễn ra chậm nhưng từng bước có chiều sâu hơn. Về cơ cấu phát hành, trái phiếu ngân hàng vẫn chiếm áp đảo với 136.500 tỉ đồng, tương đương 68% tổng giá trị phát hành; trái phiếu bất động sản đạt 43.200 tỉ đồng, tương đương 21,54%.

viet-fiinfroup-1723726525.jpg

Ông Trần Phú Việt - Trưởng phòng nghiên cứu và phát triển sản phẩm FiinGroup

Cũng theo FiinGroup, số dư trái phiếu đến hạn (cả gốc và lãi) trong năm 2024 ở mức 315.000 tỉ đồng và năm 2025 đạt đỉnh ở mức 334.000 tỉ đồng. Riêng số dư đến hạn năm 2024 của TPDN bất động sản ghi nhận 60.000 tỉ đồng, năm 2025 ước tính ở mức 135.000 tỉ đồng.

Ông Việt nhận định, tình hình chậm trả đã giảm khá nhiều so với đỉnh điểm năm 2023, đặc biệt là trái phiếu bất động sản, do các nhà đầu tư và tổ chức phát hành đã chủ động tái cơ cấu nợ trái phiếu. Trong những tháng cuối năm 2024, ngân hàng vẫn là nhóm phát hành chủ đạo dẫn dắt thị trường, chiếm khoảng 70%; trái phiếu bất động sản sẽ bắt đầu hồi phục nhờ dấu hiệu khởi sắc từ thị trường.

Bên cạnh đó, ông Việt cũng cho biết, giao dịch mua lại vẫn diễn ra sôi động, một phần do hoạt động cơ cấu lại kỳ hạn và lãi suất của các tổ chức phát hành, một phần do thực hiện giảm áp lực dư nợ trái phiếu hoặc tái cơ cấu nợ trái phiếu của các doanh nghiệp.

“Chúng tôi kỳ vọng sẽ có cải thiện về thanh khoản do sự cải thiện về minh bạch thông tin và nhu cầu kinh doanh kỳ hạn tại Việt Nam”, ông Trần Phú Việt chia sẻ.

Theo VIS Rating, về chậm trả gốc/lãi phát sinh mới trong tháng 07/2024 thấp hơn tháng 06/2024. Trong tháng 7/2024 có 5 trái phiếu công bố chậm trả lần đầu phát hành bởi CTCP Đầu tư và Xây dựng Sunrise Việt Nam (Sunrise), Công ty TNHH Đầu tư Big Gain và một doanh nghiệp khác với tổng giá trị TPDN lưu hành là 1,24 nghìn tỷ đồng, giá trị thấp hơn so với tháng trước. Trong đó, có Sunrise lần đầu chậm trả trái phiếu.