Nhà đầu tư cá nhân được mua trái phiếu doanh nghiệp riêng lẻ: Giải bài toán “có tiền không tiêu được”

Theo Phó thủ tướng Chính phủ, Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc, việc cho phép nhà đầu tư cá nhân chuyên nghiệp tham gia trong một số trường hợp nhất định sẽ góp phần nâng cao chất lượng thị trường trái phiếu doanh nghiệp, thúc đẩy sự phát triển bền vững và an toàn.

Ngày 29/10, Phó Thủ tướng kiêm Bộ trưởng Bộ Tài chính, Hồ Đức Phớc, đã thay mặt Thủ tướng trình bày trước Quốc hội Tờ trình về dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của các luật: Luật Chứng khoán, Luật Kế toán, Luật Kiểm toán độc lập, Luật Ngân sách nhà nước, Luật Quản lý và sử dụng tài sản công, Luật Quản lý thuế và Luật Dự trữ quốc gia.

Nhà đầu tư cá nhân được mua trái phiếu riêng lẻ “3 có”

Theo đó, trong dự thảo Luật Chứng khoán vừa được Chính phủ trình Quốc hội cho phép nhà đầu tư cá nhân chuyên nghiệp tham gia mua bán trái phiếu doanh nghiệp (TPDN) riêng lẻ, đồng thời bổ sung quy định cho nhà đầu tư là tổ chức và cá nhân nước ngoài, nhằm tạo điều kiện thu hút vốn đầu tư quốc tế vào thị trường vốn.

Cụ thể, dự thảo nêu rõ nhà đầu tư cá nhân chuyên nghiệp được phép tham gia mua, giao dịch, và chuyển nhượng TPDN riêng lẻ trong các trường hợp tổ chức phát hành có xếp hạng tín nhiệm và tài sản bảo đảm, hoặc có bảo lãnh thanh toán từ tổ chức tín dụng.

Trước đó, Chính phủ từng đề xuất chỉ các nhà đầu tư chứng khoán chuyên nghiệp là tổ chức mới được phép tham gia vào thị trường trái phiếu riêng lẻ, đồng nghĩa với việc nhà đầu tư cá nhân có thể bị loại khỏi thị trường này.

Nhà đầu tư cá nhân được quyền mua trái phiếu "3 có"

Theo tờ trình của Chính phủ, trái phiếu riêng lẻ có mức độ rủi ro cao, dù pháp luật của một số quốc gia không cấm nhà đầu tư cá nhân tham gia nhưng trên thực tế, giao dịch thường chỉ diễn ra giữa các tổ chức đầu tư chuyên nghiệp như công ty chứng khoán, quỹ đầu tư và ngân hàng. Nhà đầu tư cá nhân ít tham gia do hạn chế về khả năng quản lý rủi ro và nguồn lực.

Việc cho phép nhà đầu tư cá nhân chuyên nghiệp tham gia trong một số trường hợp nhất định sẽ góp phần nâng cao chất lượng thị trường và thúc đẩy sự phát triển bền vững, an toàn, hiệu quả. Tuy nhiên, đối với trái phiếu doanh nghiệp có rủi ro cao hơn và không đáp ứng các điều kiện trên, chỉ nhà đầu tư tổ chức mới được phép tham gia, nhằm đảm bảo sự phát triển lành mạnh của thị trường.

Trước đó, Đoàn giám sát của Quốc hội đánh giá, các doanh nghiệp bất động sản là nhóm phát hành lớn trên thị trường trái phiếu, chỉ đứng sau các ngân hàng thương mại, với lãi suất phát hành cao. Đã có thời điểm, lãi suất này gần gấp đôi so với lãi suất tiết kiệm ngân hàng nhằm thu hút nhà đầu tư. Đồng thời nhận định, việc vốn huy động từ phát hành trái phiếu được chuyển qua nhiều doanh nghiệp khác làm gia tăng rủi ro sử dụng vốn sai mục đích, có thể dẫn đến mất vốn gốc và lãi của nhà đầu tư.

Theo đó, để bảo vệ nhà đầu tư, các quy định về chào bán trái phiếu riêng lẻ của công ty đại chúng, công ty chứng khoán, và công ty quản lý quỹ đầu tư chứng khoán đã bổ sung thêm điều kiện, trong đó đề xuất kéo dài thời gian hạn chế chuyển nhượng từ tối thiểu 1 năm đối với nhà đầu tư chứng khoán chuyên nghiệp lên thành tối thiểu 3 năm, tương tự như đối với nhà đầu tư chiến lược.

Vẫn nên đẩy mạnh phát hành ra công chúng

Tuy nhiên, cơ quan thẩm tra đã khuyến nghị Chính phủ xem xét kỹ lưỡng nội dung này, bởi lẽ mục đích và tính chất của việc nắm giữ, giao dịch chứng khoán giữa nhà đầu tư chiến lược và nhà đầu tư chứng khoán chuyên nghiệp có sự khác biệt. Dự thảo luật đã thu hẹp đối tượng tham gia mua, bán, và chuyển nhượng TPDN riêng lẻ, do đó, việc tăng thời gian hạn chế chuyển nhượng có thể tạo ra tâm lý e ngại đối với các đợt chào bán riêng lẻ.

Ngoài ra, điều này có thể gây khó khăn cho hoạt động đầu tư và tái cơ cấu danh mục của các nhà đầu tư chuyên nghiệp. Một số ý kiến cho rằng nên quy định thời gian hạn chế chuyển nhượng cao hơn so với quy định hiện hành nhưng thấp hơn so với nhà đầu tư chiến lược. Một số ý kiến khác đề xuất giữ nguyên thời gian hạn chế chuyển nhượng như trong Luật hiện hành đối với nhà đầu tư chứng khoán chuyên nghiệp.

Trước đó, theo phân tích của nhóm Fiin Ratings, trái phiếu riêng lẻ là sản phẩm có mức độ chuẩn hóa thấp, kéo theo rủi ro tín dụng cao. Do đó, việc hạn chế nhà đầu tư cá nhân tham gia vào thị trường này là hợp lý, phù hợp với thông lệ quốc tế và đặc thù của trái phiếu doanh nghiệp riêng lẻ.

Thêm nhiều điều kiện đối với các tổ chức phát hành để tránh rủi ro cho nhà đầu tư như những vụ việc trước đây

Đồng quan điểm, bà Nguyễn Hoài Thu, CFA, Tổng Giám đốc Khối Đầu tư chứng khoán của VinaCapital, cho rằng việc giới hạn đầu tư vào TPDN phát hành riêng lẻ đối với nhà đầu tư cá nhân sẽ giúp bảo vệ họ khỏi những rủi ro, thậm chí là rủi ro rất lớn liên quan đến loại tài sản này.

Động thái nà cũng sẽ khuyến khích các tổ chức phát hành tăng cường phát hành trái phiếu ra công chúng, giúp họ tiếp cận được nhiều đối tượng nhà đầu tư hơn, bao gồm cả cá nhân và tổ chức. Hiện nay, trái phiếu phát hành ra công chúng chỉ chiếm khoảng 7% tổng thị trường TPDN.

Trái phiếu phát hành ra công chúng có điều kiện khắt khe hơn về tình hình tài chính của tổ chức phát hành và yêu cầu công bố thông tin rõ ràng hơn. Theo đó, việc tăng cường phát hành trái phiếu ra công chúng sẽ không chỉ giúp nhà đầu tư cá nhân tham gia vào các sản phẩm tài chính an toàn hơn mà còn góp phần phát triển thị trường tài chính theo hướng bền vững.

Tuy nhiên, một số tổ chức cho rằng quy định này có thể làm tắc nghẽn hoặc thậm chí gây đứt gãy thị trường TPDN.  Theo Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI), các tổ chức đầu tư vào TPDN như ngân hàng thương mại, công ty chứng khoán, bảo hiểm, quỹ đầu tư đều đang gặp nhiều quy định hạn chế. Vì vậy, nhà đầu tư cá nhân vẫn là một trong những đối tượng lớn có khả năng hấp thụ trái phiếu doanh nghiệp, nếu hạn chế doanh nghiệp có thể gặp khó khăn trong việc phát hành trái phiếu vì không có đủ nhà đầu tư để hấp thụ.

Ngoài ra, VCCI cho rằng quy định này có thể ảnh hưởng đến khả năng huy động vốn và thanh toán của doanh nghiệp. Nhà đầu tư cá nhân hiện đang là nhóm duy nhất gần như được phép đầu tư vào trái phiếu riêng lẻ nhằm cơ cấu lại nợ. Dự kiến trong 4 năm tới, doanh nghiệp cần huy động khoảng 543.000 tỷ đồng để tái cơ cấu các khoản nợ đến hạn hoặc nợ có chi phí vốn cao.