TP. HCM dự kiến chi gần 2.000 tỷ xây nhà thi đấu Phan Đình Phùng

Theo dự kiến của Sở VH&TT, dự án nhà thi đấu Phan Đình Phùng có tổng vốn đầu tư khoảng 1.850 tỷ đồng, sẽ khởi công vào năm 2026 và hoàn thành, đưa vào sử dụng trong năm 2028.

Quy mô dự án giảm

Vừa qua, Sở VH&TT đã có báo cáo trình UBND TP. HCM về nghiên cứu tiền khả thi dự án đầu tư xây dựng Trung tâm Thể dục Thể thao Phan Đình Phùng tại số 8 Võ Văn Tần (Q. 3).

Theo dự kiến, dự án nhà thi đấu Phan Đình Phùng sẽ được triển khai xây dựng trên khu đất có tổng diện tích 14.417m2, mật độ xây dựng là 50% và hệ số sử dụng đất 2.0. Nhà thi đấu được thiết kế với quy mô cao 3 tầng nổi, 3,5 tầng hầm, tổng chiều cao 28m, tổng diện tích sàn xây dựng tối đa khoảng 59.679m2.

Tổng vốn đầu tư của dự án theo báo cáo nghiên cứu tiền khả thi là 1.850 tỷ đồng từ nguồn vốn ngân sách TP. HCM. Sau khi hoàn thành, nhà thi đấu sẽ có khoảng 4.000 -  5.000 chỗ ngồi và là nơi tập luyện, thi đấu 13 môn thể thao như: cầu lông, bóng chuyền, bóng rổ, bóng ném, võ vật, đấu kiếm…

Khu "đất vàng" thuộc dự án đầu tư xây dựng nhà thi đấu Phan Đình Phùng (Ảnh: Quỳnh Trần - VnE)

So với trước đó, dự án này đã bị thu hẹp cả về quy mô lẫn vốn đầu tư. Bởi ban đầu, công trình nhà thi đấu được thiết kế với 7 tầng nổi, 3 tầng hầm, tổng vốn đầu tư thời điểm năm 2016 là hơn 1.953 tỷ đồng.

Sở VH&TT cho biết, tiến độ thực hiện dự án sẽ được triển khai theo từng giai đoạn, dự kiến trong năm 2028 công trình hoàn thiện và đưa vào sử dụng.

Cụ thể, từ nay tới cuối năm 2024, UBND TP. HCM sẽ lập, trình duyệt báo cáo nghiên cứu tiền khả thi. Năm 2025 sẽ tổ chức thi tuyển phương án kiến trúc, đồng thời lập và trình phê duyệt báo cáo nghiên cứu tiền khả thi.

Sau đó, TP. HCM sẽ lập, thẩm định phê duyệt thiết kế bản vẽ thi công và dự toán ở giai đoạn 2026 – 2027. Nếu đúng như tiến độ dự kiến, công trình sẽ được xây dựng hoàn thiện, nghiệm thu, đưa vào sử dụng trong năm 2028.

“Đất vàng” nằm bất động nhiều năm

Từ năm 1985, nhà thi đấu Phan Đình Phùng cũ được đưa vào hoạt động. Công trình nằm trên khu “đất vàng” giữa trung tâm TP. HCM, sở hữu 4 mặt tiền đường Võ Văn Tân, Pasteur, Nguyễn Đình Chiểu và Nam Kỳ Khởi Nghĩa. Sau nhiều năm hoạt động, nhà thi đấu xuống cấp nghiêm trọng và được UBND TP. HCM phá bỏ, lên kế hoạch xây mới.

Dự kiến tổng vốn đầu tư nhà thi đấu Phan Đình Phùng là 1.850 tỷ đồng từ nguồn vốn ngân sách thành phố (Ảnh: Anh Phương - Vietnnamnet)

Từ năm 2008, dự án nhà thi đấu Phan Đình Phùng đã được Thủ tướng Chính Phủ chấp thuận chủ trương thí điểm đầu tư theo hình thức đối tác công tư (hợp đồng BT). Tháng 3/2010, Công ty TNHH An Tạo và Tổng công ty Đền bù giải tỏa được chỉ định đầu tư. Tuy nhiên do không đủ năng lực, năm 2011, Công ty An Tạo đã rút lui khỏi dự án. Sau đó, UBND TP. HCM xin Thủ tướng chấp thuận chỉ định Tổng công ty Đền bù giải tỏa được đơn phương tiếp tục thực hiện dự án.

Đến tháng 1/2018, UBND TP. HCM chỉ định liên danh Công ty CP phát triển bất động sản Phát Đạt (Phát Đạt Corporation) - Tổng công ty Đền bù giải tỏa là nhà đầu tư. 

Giai đoạn 2011 – 2016, TP. HCM đã tổ chức thiết kế nhà thi đấu. Trải qua nhiều lần thay đổi, mức đầu tư dự toán công trình được điều chỉnh từ 988 tỷ đồng lên hơn 1.352 tỷ đồng vào năm 2013 và tới năm 2016 thì tăng lên 1.954 tỷ đồng.

Theo báo cáo nghiên cứu tiền khả thi năm 2016, để hoàn vốn cho chủ đầu tư, UBND TP. HCM dự kiến sẽ thanh toán bằng 4 khu “đất vàng” khác. Tới năm 2019, UBND thành phố và liên danh chủ đầu tư đã ký tắt thỏa thuận đầu tư, dự thảo hợp đồng BT.

Tuy nhiên giai đoạn 2019 – 2023, những thủ tục pháp lý tiếp theo của dự án không có tiến triển. Trong khi đó, khu “đất vàng” trên nền dự án cũ bị bỏ không gây lãng phí và ảnh hưởng đến cảnh quan đô thị.

Dự án dự kiến sẽ hoàn thiện và đưa vào sử dụng năm 2028 (Ảnh: Duy Quang - Tiền Phong)

Được biết, cuối tháng 4/2024, UBND TP. HCM đã quyết định dừng đầu tư dự án nhà thi đấu Phan Đình Phùng theo hình thức hợp đồng BT và chuyển sang đầu tư công. Theo đó, một trong những lý do khiến TP. HCM cân nhắc dừng dự án theo hợp đồng BT là việc lựa chọn nhà đầu tư chưa bảo đảm theo chỉ đạo của Thủ tướng và nếu tiếp tục thực hiện sẽ có rủi ro về pháp lý. Thành phố sau đó đã giao các sở, ngành liên quan có trách nhiệm rà soát và hoàn trả chi phí hợp lý cho chủ đầu tư.

Đầu tháng 7 vừa qua, trong báo cáo gửi thành phố, liên danh nhà đầu tư cho hay đã bỏ ra số tiền 171,6 tỷ đồng để triển bước đầu của khai dự án. Thế nhưng sau khi đối chiếu hồ sơ, chứng từ do nhà đầu tư cung cấp, tổ công tác liên ngành của UBND TP. HCM thông tin có nhiều khoản chi phí không thể thanh toán.