TP. HCM: Gia tăng trẻ mắc bệnh hô hấp, bác sĩ đưa ra khuyến cáo

Mùa tựu trường trùng với thời điểm mùa mưa, thời tiết thay đổi khiến tỷ lệ trẻ em mắc siêu vi hô hấp tăng cao hơn so với các tháng 6, 7, 8. Từ đầu tháng 9 đến nay, số trẻ em nhiễm siêu vi đến khám tại Bệnh viện Nhi đồng 2 đã tăng khoảng 30 - 35%.

Chị T.P.T. (51 tuổi, quận Tân Bình, TP. HCM) đang chăm con trai 13 tuổi mắc viêm phổi tại khoa Hô hấp, Bệnh viện Nhi đồng 1. Chị cho hay không hề nghĩ con mình lại mắc phải căn bệnh này. Vài ngày trước khi nhập viện, thấy con bị sốt và ho, chị nghĩ chỉ là cảm thông thường nhưng vẫn đưa con đến một bệnh viện quận để khám.

Lúc nhận được kết quả bác sĩ chẩn đoán con bị viêm phổi, chị mới vội đưa con đến Bệnh viện Nhi đồng 1 khám lại. Con chị được yêu cầu nhập viện điều trị. Trên giường bệnh, con trai chị T. cho biết, trong lớp cũng có 3 - 4 bạn cùng bị sốt và ho.

Từ đầu tháng 9, trẻ bị mắc các bệnh hô hấp gia tăng (Ảnh: Lê Phương/VnEpress)

Còn chị H.T.H. (quận Bình Thạnh) cho hay, con gái chị đang học lớp 6. Cháu đã bị sụt sịt mũi và ho trong suốt tuần qua. Lo lắng, chị H. đưa con đi khám thì được yêu cầu nhập viện để điều trị. Con gái chị H. cũng cho biết, nhiều bạn trong lớp có triệu chứng tương tự. Theo chị H., việc lớp học sử dụng máy lạnh có thể khiến bệnh dễ lây lan hơn.

Ngày 7/10, thông tin từ Bệnh viện Nhi đồng 1, số lượng bệnh nhi mắc bệnh hô hấp do các siêu vi thông thường theo mùa đang có xu hướng tăng cao. Thời gian bệnh hô hấp thường kéo dài từ tháng 9 - 12. Trẻ em mắc bệnh chủ yếu do các siêu vi như Rhinovirus, virus hợp bào hô hấp (RSV), Adenovirus và virus cúm. Là cơ sở y tế chuyên khoa Nhi lớn nhất khu vực phía Nam, Bệnh viện Nhi đồng 1 thường xuyên tiếp nhận bệnh nhân từ nhiều tỉnh thành khác nhau.

Nhiễm khuẩn hô hấp thường gia tăng vào những tháng cuối năm, đặc biệt khi thời tiết trở lạnh và mưa nhiều. Các bệnh nhi bị nhiễm siêu vi hô hấp nặng có nguy cơ mắc biến chứng như viêm phổi và viêm tiểu phế quản, dẫn đến việc phải nhập viện điều trị. Những trẻ này thường xuất hiện triệu chứng như ho, sổ mũi và sốt. Trung bình, các bệnh nhi mắc biến chứng hô hấp sẽ phải nằm viện khoảng 7 ngày.

Bệnh viện Nhi đồng 1 dự báo bệnh nhi hô hấp sẽ tiếp tục tăng trong thời gian tới. Để giải quyết quá tải, bệnh viện tăng một số phòng khám, mở rộng các khoa như Hô hấp, Nội tổng quát 1, 2 để sẵn sàng tiếp nhận và điều trị trẻ.

Bác sĩ khuyến cáo, nhóm trẻ có nguy cơ cao mắc bệnh hô hấp nặng gồm trẻ dưới 2 tháng tuổi (Ảnh: Thùy Dương/Tuổi trẻ)

Không chỉ Bệnh viện Nhi đồng 1, Bệnh viện Nhi đồng 2 cũng xuất hiện tình trạng này. Bác sĩ Lê Công Thiên - Phó trưởng khoa khám bệnh Bệnh viện Nhi đồng 2 TP. HCM cho biết, mùa tựu trường trùng với thời điểm mùa mưa, thời tiết thay đổi khiến tỷ lệ trẻ em mắc siêu vi hô hấp tăng cao hơn so với các tháng 6, 7, 8. Từ đầu tháng 9 đến nay, số trẻ em nhiễm siêu vi đến khám tại Bệnh viện Nhi đồng 2 đã tăng khoảng 30 - 35%. Tuy nhiên, khoa vẫn kiểm soát được tình hình để không bị động trong việc ứng phó.

Các bác sĩ khuyến cáo, phụ huynh cần lưu ý phát hiện sớm triệu chứng viêm phổi ở trẻ để đưa đến cơ sở y tế kịp thời. Các dấu hiệu ban đầu của viêm phổi bao gồm ho kèm theo thở nhanh hơn bình thường. Ngoài ra, trẻ có thể xuất hiện các triệu chứng như co lõm lồng ngực, phập phồng cánh mũi, thở rên, bú kém hoặc không thể uống được và có dấu hiệu tím tái.

Nhóm trẻ có nguy cơ cao mắc bệnh hô hấp nặng gồm trẻ dưới 2 tháng tuổi, trẻ mắc một số bệnh lý bẩm sinh (như bệnh tim phổi), các bệnh lý thần kinh cơ (như bại não), trẻ suy dinh dưỡng nặng, suy giảm miễn dịch, hoặc những trẻ có bất thường về nhiễm sắc thể như hội chứng Down. Phụ huynh cần đưa những trẻ này đi khám ngay khi xuất hiện dấu hiệu viêm phổi.

Để hạn chế lây lan mầm bệnh trong cộng đồng, việc thực hiện tốt vệ sinh môi trường và vệ sinh cá nhân là rất quan trọng. Cha mẹ nên thường xuyên nhắc nhở trẻ đeo khẩu trang, rửa tay bằng xà phòng, che miệng khi ho, hắt hơi và không khạc nhổ bừa bãi.

Theo Tổ chức Y tế Thế giới, bệnh hô hấp là một trong những bệnh lý phổ biến, khiến khoảng 1/3 trẻ em phải nhập viện trong những năm đầu đời. Hàng năm, thế giới ghi nhận khoảng 4 - 5 triệu trẻ em tử vong do các bệnh lý liên quan đến đường hô hấp, chủ yếu là ở trẻ dưới 5 tuổi. Tại Việt Nam, các bệnh về đường hô hấp chiếm từ 23-38% tổng số bệnh ở trẻ em.