TP. HCM không còn là “miền đất hứa” với lao động nhập cư

Sau đại dịch Covid-19, chi phí sinh hoạt ngày một tăng và thu nhập công nhân gần như không thay đổi đã khiến nhiều người không thể bám trụ tại TP. HCM. Xu hướng “bỏ phố về quê” hoặc chuyển sang các tỉnh lân cận với chi phí thấp hơn đang trở thành lựa chọn mới của lao động nhập cư.

Trong nhiều năm, TP. HCM là "miền đất hứa" thu hút người lao động từ khắp các tỉnh thành trên cả nước với cơ hội việc làm phong phú và thu nhập hấp dẫn. Tuy nhiên, thời gian gần đây, số lượng lao động nhập cư đến thành phố đang giảm mạnh, thay vào đó là xu hướng chuyển dịch lao động ra các vùng lân cận hoặc về quê.

Ông Phạm Chánh Trung - Chi cục trưởng Chi cục Dân số - Kế hoạch hóa gia đình TP. HCM cho biết, năm 2023, tỷ lệ tăng trưởng người nhập cư chỉ đạt 0,67%, đánh dấu lần đầu tiên tỷ lệ phát triển dân số cơ học thấp hơn tỷ lệ phát triển dân số tự nhiên. Trước đó, vào năm 2022, hai tỷ lệ này ngang nhau ở mức 0,7%.

Lần đầu tiên TP. HCM không còn là điểm đến lý tưởng của người nhập cư từ các tỉnh thành

Năm 2020, tỷ lệ phát triển dân số cơ học của thành phố là 1,7%, với trung bình 170.000 - 180.000 người nhập cư, đóng góp tích cực vào nguồn nhân lực của TP.HCM. Tuy nhiên, đến năm 2023, con số này giảm xuống chỉ còn 65.000 người, với tỷ lệ 0,67%. Lần đầu tiên TP. HCM không còn là điểm đến lý tưởng của người nhập cư từ các tỉnh thành.

Điển hình về biến động về dân nhập cư thể hiện rõ rệt tại phường Bình Hưng Hòa, quận Bình Tân. Theo UBND phường, vào năm 2020 (trước đại dịch), phường có 19.700 hộ với 80.850 nhân khẩu thực tế cư trú, trong đó 7.939 hộ với 33.106 nhân khẩu thường trú và 12.944 hộ với 52.426 nhân khẩu tạm trú. Đến năm 2023, số lượng tạm trú giảm mạnh, chỉ còn 8.614 người. Như vậy, so với năm 2020, số người tạm trú giảm tới hơn 43.800 người.

Bà Nguyễn Ngọc Thắm - Phó Chủ tịch UBND phường Bình Hưng Hòa cho biết, phường nằm giáp ranh khu công nghiệp Tân Bình và khu công nghiệp Vĩnh Lộc, trước đây thu hút nhiều công nhân đến thuê trọ. Hiện nay, số lượng người tạm trú giảm do nhiều công nhân đã rời khỏi phường sau đại dịch.

Tình trạng tương tự cũng diễn ra tại các phường lân cận như Tân Tạo và Tân Kiên. Điều này dẫn đến hàng loạt dãy trọ trống phòng, các bảng “cho thuê phòng” treo la liệt. Nhiều chủ trọ chia sẻ họ đã buộc phải giảm giá thuê nhưng vẫn không có người thuê do công nhân đã rời đi và ít người mới đến.

Dân nhập cư giảm khiến nhiều khu trọ tại TP. HCM trống phòng

Trung tuần tháng 10/2024, đi qua những xóm trọ bình dân dành cho người lao động - nơi được ví như "thủ phủ nhà trọ" của TP. HCM tại phường Tân Tạo (quận Bình Tân), không còn dãy nào đầy đủ người ở, thậm chí nhiều dãy đã trống quá nửa số phòng trong suốt cả năm qua.

Khi thấy người lạ nhìn những bảng "cho thuê phòng", các chủ trọ đều niềm nở bắt chuyện và sẵn sàng giảm giá thuê. Một chủ trọ nói chỉ cần thuê phòng là sẽ giảm giá hết mức có thể. Một nữ chủ trọ khác buồn bã cho hay, dãy 21 phòng của chị nay chỉ còn 8 phòng có người ở. Nếu 21 phòng đều có người ở, sau khi trừ các chi phí, gia đình chị mới dư ra chút ít, còn không thì tháng nào cũng phải "cắn răng" bù lỗ, mà đã bù lỗ suốt cả năm nay.

Chứng kiến hàng xóm và những người đồng hương lần lượt rời xóm trọ, anh Nguyễn Sơn (42 tuổi, quê Ninh Bình) cũng nhiều trăn trở. Anh rời quê vào TP. HCM tìm kế sinh nhai đã gần 15 năm. Hiện lương tháng của anh khoảng 8 - 9 triệu đồng. Thuê trọ gần công ty từ năm 2007 đến nay, tiền nhà của anh vẫn 1 triệu đồng/tháng, không thay đổi. Nhưng lương cũng "giậm chân tại chỗ" trong nhiều năm qua. Trong khi đó, giá cả sinh hoạt ngày một tăng cao, kéo theo chi phí mỗi tháng cũng không ngừng leo thang.

Anh Sơn bảo, đây là lý do nhiều người ở xóm trọ đã dần "bỏ phố về quê". Một số khác chuyển sang các tỉnh lân cận TP. HCM để làm công nhân hoặc lao động tự do, nhất là khu vực miền Tây, nơi chi phí sinh hoạt đỡ đắt đỏ hơn.

Vẫn kiên trì bám trụ lại, anh Sơn cảm thấy may mắn vì gắn bó với công ty lâu năm nên có mức lương tạm ổn. Đổi lại, nếu là công nhân mới với mức lương chỉ khoảng 6-7 triệu đồng/tháng, anh nghĩ mình cũng khó mà trụ nổi ở thành phố này.

Việc giảm lao động nhập cư mang đến cho TP.HCM cả thách thức và cơ hội. Một mặt, sự thiếu hụt lao động phổ thông có thể ảnh hưởng đến sản xuất và kinh tế, đặc biệt trong các lĩnh vực như dệt may, gia công, và dịch vụ. Các doanh nghiệp tại TP.HCM sẽ phải đối mặt với khó khăn trong việc tuyển dụng lao động phổ thông, đặc biệt là những công việc đòi hỏi chi phí lao động thấp.

Mặt khác, sự chuyển dịch này cũng là cơ hội để thành phố tái cấu trúc và nâng cao chất lượng nguồn lao động. Với định hướng trở thành trung tâm công nghệ cao, TP. HCM có thể tập trung phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao, thu hút các ngành nghề đòi hỏi trình độ kỹ thuật và năng lực sáng tạo, giảm dần phụ thuộc vào lao động phổ thông. Các chính sách ưu đãi về đào tạo, tuyển dụng và môi trường làm việc sẽ là chìa khóa để thu hút và giữ chân nguồn lao động có trình độ trong thời gian tới.