Tại buổi họp báo tình hình kinh tế - xã hội TP.HCM chiều ngày 28/3, Phó trưởng phòng Phát triển nhà và thị trường bất động sản (Sở Xây dựng) Vũ Anh Dũng thông tin, trong quý I/2024, TP có 1 dự án nhà ở được chấp thuận chủ trương đầu tư. Đó là Trung tâm thương mại, dịch vụ, căn hộ cao cấp trên đường Nguyễn Văn Cừ (phường 3, quận 5).
Ngoài ra, nhiều dự án đã được chấp thuận chủ trương đầu tư nhưng còn vướng các thủ tục về nghĩa vụ tài chính, đất đai, quy hoạch, thậm chí có dự án phải rà soát lại pháp lý dự án, nguồn gốc đất…
Theo ông Dũng, trong hai tháng đầu năm, Sở đã nhận được 2 hồ sơ đề nghị thông báo đủ điều kiện huy động vốn. Tuy nhiên, qua xem xét thì cả 2 dự án này đều chưa đạt yêu cầu.
Số liệu của Sở Kế hoạch và Đầu tư cho biết, nguồn cung dự án chung cư mới tại TP.HCM rất ít ỏi. Trong 2022 và 2023, mỗi năm chỉ có 2 dự án nhà ở mới được chấp thuận chủ trương đầu tư. Trong quý I năm nay, vỏn vẹn 1 dự án nhà ở được duyệt đầu tư.
Đại diện Sở Xây dựng đánh giá, yếu tố pháp lý sẽ ảnh hưởng đến nguồn cung bất động sản. Việc xác định cụ thể dự án đang vướng mắc tại từng thời điểm là rất khó, do các dự án nhà ở sẽ trải qua nhiều bước thủ tục và quy định pháp luật khác nhau.
Thực tế, nguồn cung nhà ở tại TP.HCM đang thiếu hụt nghiêm trọng. Trong đó, phân khúc nhà ở tầm trung ngày càng trở nên khan hiếm, người có nhu cầu mua nhà giá “mềm” chỉ có thể tìm kiếm tại các vùng giáp ranh.
Theo Savills cho biết, trong năm 2023, nguồn cung sơ cấp đối với thị trường căn hộ tại TP.HCM đạt 10.700 căn. Đây là mức thấp nhất trong 10 năm qua. Cũng trong năm này, TP cũng không còn các sản phẩm dưới 2 tỷ đồng/căn. Dự án có thanh khoản tốt chủ yếu trong tầm giá từ 2 – 2,5 tỷ đồng/căn.
Bộ phận nghiên cứu của Savills thông tin thêm, trong giai đoạn 2024-2026, số lượng căn hộ có giá bán từ 2-5 tỷ đồng ở TP.HCM sẽ tiếp tục khan hiếm, nguồn cung tập trung chủ yếu ở phân khúc 5-10 tỷ đồng/căn.
Về giải pháp khơi thông nguồn cung, TP đã thống nhất hướng giải quyết là phân nhóm dự án có cùng vướng mắc, giao trách nhiệm trực tiếp cho các sở, ngành chủ trì tháo gỡ. Trường hợp vướng mắc vượt thẩm quyền thì báo cáo UBND TP xem xét quyết định.
Định kỳ hàng tuần, tháng, UBND TP sẽ cùng các sở, ngành họp từng chuyên đề cụ thể và xem xét, quyết định các nội dung có ý kiến thống nhất của các sở, ngành có liên quan.
Thông tin từ Cục Thống kê TP.HCM, tình hình kinh doanh bất động sản tại đây có những dấu hiệu phục hồi. Trong 2 tháng đầu năm, doanh thu ước đạt 42.300 tỷ đồng. Từ đó cho thấy, nguồn cung của từng loại hình nhà ở sẽ do lực cầu của thị trường và chiến lược kinh doanh của từng doanh nghiệp quyết định.
Các công ty nghiên cứu dự báo, trong năm nay thị trường bất động sản tại TP.HCM có thể được “hồi sinh” với nhu cầu tiếp tục tăng ở phân khúc khách thuê khu công nghiệp và văn phòng. Trong khi, thị trường nhà ở vẫn hạn chế về nguồn cung.