Theo cáo trạng của VKSND tối cao, để hợp thức việc rút tiền đã được ngân hàng SCB giải ngân theo phương án khống và che giấu dòng tiền, Trương Mỹ Lan đã chỉ đạo cấp dưới gồm: Nguyễn Phương Anh, Hồ Bửu Phương, Đặng Phương Hoài Tâm, Phan Chí Luân lập phương án thực hiện việc “giải quỹ”. Cụ thể, những cá nhân này đã lập hợp đồng hứa chuyển nhượng cổ phần khống để có thể sử dụng tiền mà không bị các cơ quan chức năng kiểm tra, xử lý.
Ngoài ra để né tránh việc phải nộp thuế, Trương Mỹ Lan phối hợp với một số cán bộ và nhân viên ngân hàng SCB cho các cá nhân được thuê đứng tên người thụ hưởng khoản vay, đứng tên cổ phần,… đến ngân hàng để ký chứng từ rút, nộp tiền.
Khi các khoản vay khống quá hạn, phải hạch toán nợ xấu nhóm 5, trong khi tỷ lệ tăng trưởng tín dụng bị hạn chế theo quy định của NHNN, Trương Mỹ Lan không trả nợ mà còn chỉ đạo đồng phạm thực hiện thủ đoạn bán nợ xấu cho VAMC (Công ty Quản lý tài sản, chuyên mua bán, xử lý nợ xấu – PV) ). Bị cáo Trương Mỹ Lan còn bán nợ trả chậm cho các chính các công ty “ma” do nhóm Vạn Thịnh Phát thành lập để che giấu một phần số nợ xấu, không phải hạch toán lãi, giảm dư nợ tín dụng nhằm tiếp tục chiếm đoạt tiền của ngân hàng SCB.
Mua chuộc cán bộ khi bị thanh tra
Cũng theo cáo trạng, để che giấu hành vi phạm tội khi bị thanh tra, kiểm tra, Trương Mỹ Lan đã chỉ đạo các cán bộ chủ chốt của ngân hàng SCB mua chuộc cán bộ, lãnh đạo cơ quan Thanh tra Giám sát ngân hàng, lãnh đạo NHNN Chi nhánh TP. Hồ Chí Minh, Tổ trưởng Tổ giám sát tăng cường tại ngân hàng SCB để các cá nhân có thẩm quyền trên bưng bít, che giấu thông tin sai phạm, báo cáo kết quả thanh, kiểm tra không trung thực, không đầy đủ.
Ngoài ra, Trương Mỹ Lan đã chỉ đạo lãnh đạo chủ chốt của ngân hàng SCB (gồm: Đinh Văn Thành, Chủ tịch HĐQT, Võ Tấn Hoàng Văn, Tổng giám đốc,…) thực hiện việc phân bổ các khoản vay của Trương Mỹ Lan ở một số chi nhánh chính (Sài Gòn, Cống Quỳnh, Phạm Ngọc Thạch, Bến Thành) sang một số chi nhánh khác (Đông Sài Gòn, Củ Chi, Tân Định …) để làm giảm mức độ chú ý của cơ quan chức năng.
Đặc biệt là giai đoạn 2017 - 2018, khi Đoàn thanh tra liên ngành tập trung thanh tra tại ngân hàng SCB chi nhánh Phạm Ngọc Thạch. Để che giấu, đối phó, Trương Mỹ Lan đã chỉ đạo tất toán khoản vay của mình tại chi nhánh này bằng việc tạo lập các khoản vay mới ở các chi nhánh khác của ngân hàng SCB. Sau đó, Trương Mỹ Lan sử dụng tiền giải ngân ở các chi nhánh này để tất toán các khoản vay tại chi nhánh Phạm Ngọc Thạch.
Sau khi Trương Mỹ Lan bị bắt và bị khởi tố, ngày 04/8/2023, Cơ quan Cảnh sát điều tra Bộ Công an ra Quyết định ủy thác điều tra số 89/QĐ-CSKT-P10 về việc ủy thác xác minh ghi lời khai đối với 1.165 người đứng tên pháp nhân, cá nhân ký hồ sơ vay vốn, đứng tên tài sản ký hồ sơ thế chấp, đứng tên ký rút nộp tiền liên quan những khoản vay tại ngân hàng SCB thuộc diện điều tra tại 39 tỉnh, thành phố.
Kết quả ủy thác điều tra đến nay xác định: Những đối tượng đã ghi lời khai đều khai nhận được nhờ đứng tên ký hồ sơ theo yêu cầu, không biết gì về việc vay vốn tại ngân hàng SCB, phù hợp với lời khai của các bị can và người có liên quan trong vụ án.
Hôm nay 6-3, ngày thứ 2 phiên tòa xét xử sơ thẩm vụ án Vạn Thịnh Phát, phiên toà tiếp tục với phần công bố cáo trạng của đại diện VKS về hành vi phạm tội của các cựu cán bộ ngân hàng SCB phạm tội vi phạm quy định về hoạt động ngân hàng, hoạt động khác liên quan đến hoạt động ngân hàng.
Trước đó, trong phiên xử sáng 5-3, hội đồng xét xử dành phần lớn thời gian để thẩm tra lý lịch, nhân thân của các bị cáo.
Bị cáo Trương Mỹ Lan (cựu Chủ tịch Tập đoàn Vạn Thịnh Phát) và 85 bị cáo khác bị đưa ra xét xử về các tội: Tham ô tài sản; đưa hối lộ; nhận hối lộ; vi phạm quy định về hoạt động ngân hàng, hoạt động khác liên quan đến hoạt động ngân hàng; lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ; thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng và lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản; Vi phạm quy định về cho vay trong hoạt động của các tổ chức tín dụng.