Dự án tuyến đường nối Đại lộ Thăng Long với cao tốc Hà Nội – Hòa Bình dài 7,6km chạy qua địa phận xã Tiến Xuân (huyện Thạch Thất). Chủ đầu tư là BQL dự án đầu tư xây dựng công trình dân dụng TP. Hà Nội.
Mới đây, chủ đầu tư cho biết, dự án được triển khai với khoảng 105,8ha tổng diện tích thu hồi, giải phóng mặt bằng. Tới nay, có 7,6ha đoạn qua xã Tiến Xuân đã được bàn giao cho chủ đầu tư và đang triển khai thi công hạng mục cọc khoan nhồi, đúc cấu kiện bê tông để phục vụ thi công hạng mục cầu vượt đường quy hoạch Km2+522,5. Cụ thể chủ đầu tư đã thi công được 45/68 cọc khoan nhồi, đúc cấu kiện bê tông được 13/128 dầm.
Hiện, BQL dự án đầu tư xây dựng công trình dân dụng TP. Hà Nội đang chờ mặt bằng để tiếp tục triển khai dự án.
Cục Thống kê Hà Nội cho hay, tính tới hết tháng 8/2024, dự án đã giải ngân được 8,1% kế hoạch vốn.
Theo dự kiến, trong năm 2026 dự án này sẽ hoàn thành và đưa vào sử dụng.
Mới đây, Chủ tịch UBND TP. Hà Nội – ông Trần Sỹ Thanh đã chỉ đạo các địa phương quyết liệt hơn trong công tác thu hồi đất, giải phóng mặt bằng, chống tái lấn chiếm mặt bằng sạch đối với các dự án giao thông trọng điểm, trong đó có dự án tuyến đường nối cao tốc Đại lộ Thăng Long với cao tốc Hà Nội - Hòa Bình.
Đồng thời Chủ tịch UBND TP. Hà Nội cũng yêu cầu các địa phương không để phát sinh "điểm nóng" về trật tự xã hội tại các khu vực dự án. Ngoài ra, công tác tái định cư cho người dân phải đảm bảo trên nguyên tắc "có chỗ ở, bảo đảm thu nhập và điều kiện sống bằng hoặc tốt hơn nơi ở cũ"; vận dụng hài hòa, phù hợp, đúng quy định pháp luật, không vì một số tồn tại, vướng mắc nhỏ khiến tiến độ cả công trình, dự án trọng điểm của TP. Hà Nội bị chậm lại.
Như trước đó đã đưa tin, tuyến đường nối Đại lộ Thăng Long với cao tốc Hà Nội – Hòa Bình được TP. Hà Nội khởi công xây dựng từ tháng 10/2023. Theo thiết kế, tuyến đường này có mặt cắt ngang 120 – 180m với 6 làn xe, tổng vốn đầu tư 5.249 tỷ đồng từ ngân sách thành phố và Trung ương hỗ trợ.
Tuyến đường này có điểm đầu tại nút giao tại nối Đại lộ Thăng Long với Quốc lộ 21 tại xã Thạch Hòa (huyện Thạch Thất). Điểm cuối kết nối cao tốc Hà Nội – Hòa Bình tại vị trí giao nhau với đường làng Văn Hóa của xã Yên Bình (huyện Thạch Thất).
Dự án có 4 cầu vượt sông và vượt đường ngang, cùng với đó là 5 hầm. Được biết đoạn đường này sẽ có tuyến đường sắt đô thị chạy song song trong tương lai.
Theo tìm hiểu, đoạn đường từ Hà Nội đi Hòa Bình hiện nay chủ yếu là cao tốc. Riêng tuyến đường cao tốc Đại lộ Thăng Long (đoạn nối từ Quốc lộ 21 đến đầu cao tốc Hà Nội – Hòa Bình) hiện hữu dài 6,7km là đường nhỏ, hẹp chỉ rộng khoảng 12m. Tuyến đường này đang xuống cấp, xuất hiện nhiều ổ voi, ổ gà. Đáng chú ý, trên tuyến đường có nhiều xe tải trọng lượng lớn chạy qua và là tâm điểm của tai nạn giao thông. Về đêm, đoạn đường này không có đèn chiếu sáng. Ngoài ra, người dân còn tự ý mở nhiều lối đi tự phát hai bên đường đấu nối khiến nguy hiểm càng tăng cao.
UBND TP. Hà Nội đánh giá, việc thực hiện đầu tư dự án đường nối 2 cao tốc sẽ từng bước hoàn chỉnh toàn bộ đường cao tốc Hà Nội - Hòa Bình; phát triển mở rộng Hà Nội về phía Tây; đáp ứng nhu cầu vận tải ngày càng tăng nhanh; là động lực phát triển đô thị vệ tinh Hòa Lạc và chuỗi đô thị vệ tinh phía Tây.
Đại lộ Thăng Long là tuyến cao tốc hướng tâm phía Tây, nối trung tâm TP. Hà Nội với Hòa Bình và các tỉnh Tây Bắc. Tuyến đường dài 30km, quy mô 6 làn xe cao tốc và đường song hành hai bên, được đưa vào khai thác từ tháng 10/2010.
Trong khi đó, Cao tốc Hà Nội - Hòa Bình được đưa vào khai thác năm 2018. Tuyến đường dài 26km với 2 làn xe cơ giới, vận tốc thiết kế 80 km/h.