Xác thực sinh trắc học: Ngân hàng vẫn cần tăng thêm giải pháp bảo mật

Sau 3 ngày triển khai xác thực sinh trắc học, mọi giao dịch đã được thông suốt, không còn tắc nghẽn cục bộ. Tuy nhiên, các ngân hàng cần tăng thêm giải pháp bảo mật do tội phạm công nghệ cao ngày càng tinh vi.

Xác thực sinh trắc học cơ bản đã thông suốt

Chia sẻ tại Hội thảo “Giải pháp bảo vệ khách hàng sử dụng dịch vụ ngân hàng”, Phó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước (NHNN) Phạm Tiến Dũng cho biết, tính đến 17h ngày 3/7 đã có 16,6 triệu trên tổng số 170 triệu tài khoản ngân hàng được xác thực sinh trắc học, đối chiếu với dữ liệu của Bộ Công an và được bảo mật thông tin.

Trong ngày đầu thực hiện, số lượng giao dịch tại các ngân hàng tăng từ 10-20 lần so với ngày bình thường nên dẫn đến tình trạng tắc nghẽn giao dịch tại một số ngân hàng. Tuy nhiên, sang đến ngày 2-3/7, cơ bản mọi giao dịch đã thông suốt. 

Phó Thống đốc NHNN Phạm Tiến Dũng cho biết, xác thực sinh trắc học cơ bản đã thông suốt, không còn tắc nghẽn. 

Được biết, trong 3 ngày đầu tháng 7, toàn hệ thống thực hiện trung bình 23 triệu giao dịch mỗi ngày. Trong số này có trên 1,9 triệu giao dịch trên 10 triệu đồng, chiếm 8,2% tổng giá trị giao dịch và cao hơn mức bình quân tháng 6/2024.

Theo Phó Thống đốc Phạm Tiến Dũng, việc thực hiện xác thực sinh trắc học là có thêm một lớp bảo vệ nên chắc chắn là an toàn hơn. Điều này sẽ tránh trường hợp khách hàng làm mất giấy tờ, bị kẻ xấu mang đến ngân hàng giả mạo để lừa đảo tiền cũng khó thực hiện vì phải có sinh trắc học khuôn mặt để xác nhận chính chủ.  

Ông nhấn mạnh, dù có sinh trắc học nhưng không được bỏ qua một bước bảo mật nào và phải bảo đảm an toàn hơn cho khách hàng. Bởi lẽ tội phạm công nghệ cao ngày càng tinh vi nên công nghệ phải không ngừng nâng cao để bảo vệ tốt hơn tài sản của khách hàng. 

Lãnh đạo NHNN thông tin têm, thời gian tới, NHNN sẽ tiếp tục phối hợp với Bộ Công an chú trọng khai thác thông tin CCCD gắn chip và tài khoản VneID, mục đích là định danh, xác thực chính xác thông tin khách hàng. 

Cần tăng cường bảo mật

Ở góc độ ngân hàng, đại diện Vietcombank cho biết, trước khi triển khai sinh trắc học, nhà băng này đã ra mắt dịch vụ Ngân hàng số VCB Digibank thế hệ mới cho khách hàng cá nhân. Bên cạnh việc bảo vệ bằng sinh trắc học, Vietcombank còn nâng cấp các lớp bảo vệ cho khách hàng. 

Ông Lưu Danh Đức - Phó Tổng Giám đốc SHB chia sẻ, các ngân hàng đều cố gắng dùng biện pháp kỹ thuật để bảo vệ an toàn cho người dùng. Tuy nhiên, càng gây khó khăn cho tội phạm thì cũng gây khó với trải nghiệm của khách hàng. Do đó, đây là bài toán khó cho ngân hàng khi vừa phải đảm bảo an ninh vừa đảm bảo trải nghiệm tốt trong thanh toán cho khách hàng. 

Ông Đức cho rằng, để xử lý triệt để gốc rễ vấn đề lừa đảo trên mobile app thì phải thực hiện mạnh mẽ công tác truyền thông tới khách hàng, bằng nhiều kênh để người dân nâng cao ý thức cảnh giác. 

Ngoài ra, ngân hàng cũng đề xuất sớm dây dựng quy định, quy trình, cơ chế phối hợp giữa NHNN, các ngân hàng thương mại, trung gian thanh toán, Bộ Công an nhằm kịp thời ngăn chặn hoạt động chuyển tiền của tội phạm. 

Đến nay đã có 16,6 triệu trên tổng số 170 triệu tài khoản ngân hàng được xác thực sinh trắc học.

Phó Chủ tịch Kiêm Tổng Thư ký Hiệp hội ngân hàng Nguyễn Quốc Hùng khẳng định, các ngân hàng phải xây dựng quy tìn bảo vệ khách hàng an toàn và có sự phối hợp chặt chẽ với nhau. Các đơn vị phối hợp bảo đảm sự an toàn đối với tài khoản của khách hàng, dù đó là khách của ngân hàng nào.

Lãnh đạo Hiệp hội ngân hàng nhấn mạnh: “Chúng tôi phải trao đổi xây dựng quy trình chung, cơ chế phối hợp của các ngân hàng và bên công an để xử lý hữu hiệu hơn khi xảy ra vấn đề. Phải có tiêu chí nhận diện giao dịch lừa đảo, cần sự phối hợp thống nhất trong các tổ chức tín dụng. Trong thời gian tới, chúng tôi báo cáo NHNN ban hành quy trình để phối hợp bảo đảm quyền lợi khách hàng được tốt hơn”.

Trước đó, Thống đốc NHNN đã ban hành Quyết định số 2345/QĐ-NHNN ngày 18/12/2023 về triển khai các giải pháp an toàn, bảo mật trong thanh toán trực tuyến và thẻ ngân hàng, hiệu lực thi hành từ 1/7/2024.

Theo đó, từ ngày 1/7/2024, các giao dịch điện tử của cá nhân có giá trị trên 10 triệu đồng hoặc tổng giá trị thanh toán trong ngày vượt ngưỡng 20 triệu đồng phải áp dụng một trong các biện pháp xác thực sinh trắc học.