Bất động sản ấm lên, đủ chiêu trò lừa bán đất nền

Trong bối cảnh thị trường bất động sản đang ấm dần lên, nhiều kẻ lừa đảo dùng chiêu trò để "giăng bẫy" người quan tâm tới đất nền.

Theo các chuyên gia bất động sản (BĐS), thông thường sau một chu kỳ kinh tế, sự hồi phục bắt đầu bằng chứng khoán, sau đó sẽ là BĐS. Chính vì vậy, khi chứng khoán đang tăng mạnh, nhiều nhà đầu tư chốt lời thì BĐS là nơi dòng tiền trú ẩn. Trong đó, đất nền là phân khúc hấp dẫn nhất, sau đó mới đến các phân khúc khác.

dat-nen-1711244433.jpeg

Đất nền là phân khúc hấp dẫn của các nhà đầu tư

Tại TP HCM, nhiều người cũng bắt đầu đi "săn" và chốt cọc nhiều mảnh đất vừa túi tiền để đầu tư hoặc xây nhà ở. Giá đất nền giảm không nhiều và đến nay đã "rục rịch" giao dịch lại.

Một môi giới BĐS tại Lâm Đồng cho biết, từ trước Tết đã có vài khách nhắn nhờ tìm đất vườn có "view" đẹp, diện tích 1.000-2.000 m2, đã có sổ đỏ trong đó công nhận một phần đất ở, mức giá vừa phải, tầm 1,5-1,8 tỉ đồng. Họ quan tâm chủ yếu tới những BĐS đang giảm giá mạnh 20%-30% so với năm ngoái.

Do nhu cầu mua BĐS để đầu tư, để dành gia tăng trở lại thời gian gần đây, các chiêu trò kinh doanh địa ốc kiểu "treo đầu dê bán thịt chó", "lùa gà" mua đất nền ở tỉnh cũng xuất hiện nhiều hơn.

Sau một thời gian vắng bóng, hiện nay loại hình lừa bán nhà phố, biệt thự thanh lý phát mãi tài sản xuất hiện trở lại.

Anh Đoàn Quốc V., ngụ ở đường Liên Phường, phường Phú Hữu, TP Thủ Đức (TP. Hồ Chí Minh) cho biết, mới đây, anh nhận được khá nhiều quảng cáo về việc tham gia mua tài sản nhà đất do ngân hàng phát mại, thanh lý tài sản đảm bảo nợ xấu.

Do cả tin, anh đã liên hệ tìm hiểu. Sau đó, anh được nhân viên môi giới hẹn gặp tại một khu chung cư trên đường Song Hành, phường An Phú, TP Thủ Đức để xem hồ sơ nhà đất.

Tại đây, nhân viên lấy lý do cuối tuần, ngân hàng không dám đưa hồ sơ ra rồi tìm đủ cách mời nhóm khách hàng lên xe chờ sẵn để đi xem đất dự án giá rẻ đang mở bán ở huyện Nhơn Trạch, tỉnh Đồng Nai. Biết đã bị lừa nên anh từ chối và phải vất vả lắm mới thoát ra khỏi vòng vây của các nhân viên môi giới.

Một trường hợp khác, mới đây tại Vĩnh Phúc, đối tượng Dương Đức Cầu bị cơ quan Cảnh sát điều tra Công an thành phố Vĩnh Yên khởi tố về tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản. Đối tượng này lợi dụng sự quen biết để rủ rê, mời chào người khác góp chung tiền mua đất, đảm bảo sinh lời nhanh chóng.

Đối tượng tự vẽ ra thông tin về những căn hộ, thửa đất đang hạ giá, muốn tìm người mua chung để bắt đáy thị trường. Sau đó, chiếm đoạt toàn bộ số tiền đó. Mặc dù đây là thủ đoạn không mới, được cảnh báo nhiều lần nhưng vẫn có không ít người dính bẫy, bị mất hàng trăm triệu, thậm chí hàng tỷ đồng.

Muốn đầu tư phải có kiến thức

Ông Lê Hoàng Châu, Chủ tịch Hiệp hội BĐS TP HCM cho biết, ông đã nhiều lần cảnh báo các chiêu trò lừa đảo BĐS, đặc biệt là tình trạng mời gọi đi xem đất nền dự án ở tỉnh nhưng nhiều người vẫn mắc bẫy. "Vừa qua, Công an tỉnh Đồng Nai đã mạnh tay xử lý Công ty Lộc Phúc. Tôi ủng hộ việc xử lý này. Với người dân, tôi nghĩ họ phải tỉnh táo, nếu muốn đầu tư BĐS thì phải có kiến thức, có hiểu biết, đừng ham lợi trước mắt sẽ dễ bị lừa, dẫn tới những hậu quả đáng tiếc, không chỉ mất tiền mà còn mất cả thời gian, công sức để đi khiếu nại, khiếu kiện...", ông Châu khuyến cáo.

dat-nen-02-1711244474.jpeg

Biển quảng cáo bán đất nền ven Hà Nội treo la liệt

Thạc sĩ tâm lý Nguyễn Thị Ngọc Giàu, giảng viên Trường ĐH Công nghệ TP HCM cho rằng, những người có tiền, có nhu cầu đầu tư BĐS hoặc kênh đầu tư khác rất dễ bị thu hút bởi các thông tin quảng cáo, lời chào mời hấp dẫn.

Hầu hết những người đầu tư nhỏ lẻ đều muốn mua giá rẻ, có thưởng lớn, mua rồi bán lại để kiếm lời nhanh nên dễ bị rơi vào bẫy của những người có nhiều kinh nghiệm hoặc những đối tượng xấu chuyên dùng các chiêu trò hoặc sử dụng hiệu ứng đám đông để lừa đảo.

"Trong đám đông vô thức thì những người trong đó thường hành động theo cảm xúc nhiều hơn lý trí. Vì tâm lý sợ mất cơ hội, lòng tham bị đẩy lên cao khiến họ ra quyết định dù không có đủ thời gian để tìm hiểu. Ví dụ, những người bị lừa mua đất nền thường xuống tiền rất nhanh khi chưa tìm hiểu kỹ về pháp lý của dự án, cũng như khả năng thanh toán và những yếu tố liên quan khác" - ThS Giàu phân tích.

Chia sẻ thêm về vấn đề này, luật sư Trần Đình Dũng, Đoàn Luật sư TP HCM cho biết, những chiêu trò "lùa gà", chở đi mua đất nền ở tỉnh, nền dự án "ma" từng diễn ra rất phổ biến trước thời điểm dịch Covid-19 bùng phát, như vụ Alibaba. Năm trước, tình trạng này lại tái diễn và một vài trường hợp đã bị Công an tỉnh Đồng Nai mạnh tay xử lý, nên sau đó có ít doanh nghiệp nào dám đưa khách về Đồng Nai.

Đến nay, khi thị trường BĐS bắt đầu xuất hiện những dấu hiệu tích cực thì tình trạng nói trên cũng tái diễn nhiều hơn. Người có nhu cầu mua BĐS cần hết sức tỉnh táo, không nên ham đất rẻ, khuyến mãi, tặng tiền vàng mà nghe lời chiêu dụ ký hợp đồng hay chuyển khoản tiền đặt cọc. Khi gặp trường hợp này, cần trình báo cơ quan công an.

8 bẫy lừa bán nhà đất gây mất tiền tỷ

Công ty Tư vấn Đầu tư Mogin Holdings (đơn vị chuyên tư vấn, đào tạo pháp lý bất động sản theo phương pháp thực hành tại TP HCM) đã công bố 8 thủ đoạn lừa đảo khi mua bán nhà đất diễn ra phổ biến trên thị trường và cảnh báo người dân phòng tránh để không bị thiệt hại hàng trăm triệu đến cả tỷ đồng.

Đây là 8 chiêu lừa tinh vi đã diễn ra trong giai đoạn 2019-2023, từng khiến nhiều người rơi vào cảnh mất tiền tỷ và mất tài sản.

1.Lừa đảo mua bán nhà đất bằng giấy tờ giả

2.Dàn cảnh nhiều người mua tạo giá ảo

3.Bán nhà đất bị kê khai tài sản

4.Hứa hẹn chuyển đổi đất lên thổ cư

5.Lừa bán nhà đất qua vi bằng

6.Mua nhà dự án chưa có bảo lãnh ngân hàng

7.Một bất động sản bán cùng lúc cho nhiều người

8.Bán suất mua nhà ở xã hội