Cài xác thực khuôn mặt để chuyển tiền: Nhiều người phải đổi điện thoại

Khi thực hiện đăng ký sinh trắc học, nhiều người phải đổi điện thoại vì cái đang dùng không có chức năng NFC để đọc được chip của thẻ căn cước công dân.

Quyết định 2345/QĐ-NHNN quy định, từ ngày 1/7, khách hàng phải xác thực sinh trắc học khi thực hiện các giao dịch vượt ngưỡng hoặc giao dịch đầu tiên sau cài đặt mới hoặc cài đặt lại trên thiết bị mới. Theo đó, giao dịch chuyển tiền trực tuyến trên 10 triệu đồng một lần hoặc lũy kế trên 20 triệu đồng mỗi ngày bắt buộc phải xác thực khuôn mặt.

Để việc chuyển tiền được thông thuận, các ngân hàng đã đồng loạt yêu cầu khách hàng đăng ký sinh trắc học trên ứng dụng của mình. Cùng với đó, các ngân hàng cũng cảnh báo khách hàng không cập nhật dữ liệu sinh trắc học qua bất kỳ trang web hay ứng dụng khác để tránh rủi ro giả mạo, lừa đảo. Các ngân hàng không yêu cầu khách hàng cung cấp mật khẩu, OTP, số thẻ, mã khóa bảo mật hoặc bất kỳ thông tin cá nhân qua điện thoại hoặc qua đường link.

sinh-trac-hoc-2-1719190111.jpg
Các ngân hàng đã đồng loạt yêu cầu khách hàng đăng ký sinh trắc học trên ứng dụng của mình

Tuy nhiên, thời gian qua, nhiều người phản ánh việc tự cập nhật dữ liệu trên các ứng dụng ngân hàng thường xuyên bị lỗi, nhất là với nhóm khách lớn tuổi, không rành công nghệ hoặc điện thoại có vấn đề.

Chị Nguyễn Thị Trâm (Đống Đa, Hà Nội) cho biết, chị chỉ mất vài phút để cập nhật xong trên ứng dụng ngân hàng mình thường dùng. Nhưng bố chị thì loay hoay mãi vẫn chưa làm được. Bố chị sống ở Thái Bình, chị đã gọi điện trực tuyến để hướng dẫn nhưng ông vẫn không thực hiện theo được. Chị Trâm chia sẻ, hầu hết người già thường không thạo công nghệ, đây quả thực là rất khó với họ.

Trong khi đó, chị Trần Thị Thu Thảo (Ba Đình, Hà Nội) cho hay, chị thực hiện suôn sẻ theo hướng dẫn của ngân hàng cho đến bước đưa căn cước công dân (CCCD) ra sau điện thoại để quét thông tin. Chị loay hoay làm đi làm lại nhiều lần mà vẫn không được. Cuối cùng, chị phải nhờ chồng hỗ trợ. Cũng phải sau nhiều lần, chồng chị mới thực hiện quét thông tin thành công.

Chị Lê Thị Tuyết (Đống Đa, Hà Nội) cho biết, chị vẫn chưa đăng ký sinh trắc học trên ứng dụng ngân hàng. Theo chị biết, khi cập nhật nhận dạng khuôn mặt phải trùng khớp với CCCD, mà chị đã thực hiện thẩm mỹ khuôn mặt nên chưa chắc đã cập nhật được ứng dụng.

sinh-trac-hoc-1-1719190031.jpg
Quá trình xác thực ở bước chạm CCCD vào vị trí đọc chip trên điện thoại thường hay gặp lỗi 

Một vấn đề nữa được nhiều người đề cập đến là khi thực hiện đăng ký sinh trắc học, họ phải đổi điện thoại vì cái đang dùng không có chức năng đọc chip NFC. Một người dân phản ánh, khi không thực hiện được thì đã đến ngân hàng để nhờ hỗ trợ. Tuy nhiên nhân viên cũng không thể làm được và nói người này nên đổi hoặc mua điện thoại khác.

Trước thực tế này, các ngân hàng cũng thừa nhận việc thu thập dữ liệu còn gặp không ít khó khăn, đặc biệt với các khách hàng lớn tuổi, chưa quen sử dụng điện thoại thông minh hay những khách hàng chưa làm lại CCCD gắn chip hay những người phẫu thuật thẩm mỹ.

Đại diện Ngân hàng OCB cho biết, trong quá trình triển khai cho khách hàng đăng ký sinh trắc học, OCB cũng nhận thấy có khó khăn trong việc một số khách hàng sử dụng thiết bị di động không hỗ trợ NFC để đọc được chip của thẻ CCCD.

Điểm chung mà các ngân hàng và ví điện tử lo ngại trong quá trình xác thực là ở bước chạm CCCD vào vị trí đọc chip trên điện thoại. Hiện nay, mỗi loại điện thoại lại có những vị trí chip khác nhau. Nhiều dòng điện thoại thông minh có cấu hình mạnh nhưng không có đầu đọc NFC.

Bà Nguyễn Tuyết Nhung, đại diện Công ty Kalapa - đơn vị chuyên về giải pháp sinh trắc học cho rằng, trên thực tế, khi thực hiện các bước eKYC (định danh điện tử), xác thực sinh trắc học có tình trạng người dân chưa cảm thấy hài lòng. Điển hình như việc để có thể xác thực yêu cầu điện thoại của người dân phải có đầu đọc chip NFC và phải biết cách đặt CCCD vào điện thoại để đọc chip. Những yêu cầu này khá xa lạ với phần lớn người dùng và đòi hỏi người dùng chấp nhận tính thiết yếu của nó.

Theo bà Nhung, vì những điều mới mẻ trên mà các phần mềm tích hợp dịch vụ xác thực phải có khả năng hoạt động ưu việt, tốc độ xử lý cao, các bước hướng dẫn ngắn gọn. Các phần mềm phải dễ dàng sử dụng để ngay cả những người lớn tuổi cũng có thể sử dụng được.

Hướng dẫn đăng ký xác nhận sinh trắc học

Điều kiện để đăng ký sinh trắc học là người dân phải sử dụng thẻ CCCD gắn chip và cài đặt ứng dụng ngân hàng phiên bản mới nhất.

Bước 1: Cập nhật ứng dụng ngân hàng lên phiên bản mới nhất và mở ứng dụng.

Bước 2: Chọn tính năng "Cài đặt sinh trắc học" trên ứng dụng ngân hàng.

Bước 3: Chọn các chức năng và nhập hạn mức chuyển tiền tối thiểu cần xác nhận sinh trắc học. Ở bước này, khách hàng có thể tùy chọn hạn mức dưới 10 triệu đồng cần xác nhận sinh trắc học.

Bước 4: Chụp hình CCCD gắn chip (cả hai mặt).

Bước 5: Chụp hình khuôn mặt và hoàn tất cài đặt.

Các bước cài đặt sinh trắc học có thể có sự thay đổi nhất định, tùy theo ngân hàng. Người dân có thể liên hệ với tổng đài chăm sóc khác hàng của ngân hàng hoặc trực tiếp đến các điểm giao dịch để được nhân viên hướng dẫn cài đặt. Nếu khách hàng chưa đăng ký sử dụng CCCD gắn chip với ngân hàng có thể sẽ phải trực tiếp đến ngân hàng cập nhật thông tin trước khi đăng ký xác thực sinh trắc bằng khuôn mặt.

Lưu ý, người dùng thường lúng túng khi xác định vị trí đặt chip trên CCCD lên điện thoại. Theo đó, người dùng cầm ngang thẻ CCCD, hướng mặt có chip vào điện thoại, sau đó di chuyển CCCD lên xuống theo chiều dọc điện thoại cho tới khi hai chip tìm thấy nhau và giữ nguyên trong vài giây.

Người dùng nên tháo ốp điện thoại khi quét tích hợp thông tin từ chip của CCCD vào điện thoại, bởi ốp quá dày nhiều lúc cũng khiến quá trình này gặp lỗi.