Chuyên gia góp ý những lỗi cần tránh khi làm lối thoát hiểm cho nhà phố

Lối thoát hiểm là một hạng mục được đánh giá là vô cùng quan trọng trong quá trình xây dựng nhà phố. Việc thi công lối thoát hiểm nếu không đúng kỹ thuật sẽ gây cản trở việc tiếp cận vào bên trong cũng như thoát ra ngoài khi xảy ra hỏa hoạn.

Thời gian qua, ở nước ta xảy ra rất nhiều vụ cháy gây thiệt hại nghiêm trọng về người, tài sản. Nguyên nhân cháy chủ yếu do chập nguồn điện trong sinh hoạt, thắp hương, đốt nến… Trong quá trình xảy ra cháy, lối thoát nạn được xem là xem là yếu tố rất quan trọng để thoát ra ngoài và giúp lực lượng cứu hộ tiếp cận vào bên trong.

loi-thoat-hiem-2-1740062830.jpg
Lối thoát hiểm cần xây dựng đúng kỹ thuật

Ở các nhà cao tầng, chung cư, lối thoát nạn đều phải đảm bảo theo quy định. Tuy nhiên ở nhiều hộ nhà dân thì hầu như không có lối thoát nạn hoặc đã bị bịt kín. Theo KTS Phạm Thanh Truyền – Giám đốc Công ty Kiến trúc Xây dựng Đào tạo Cát Mộc, việc thi công lối thoát hiểm cần đảm bảo đúng kỹ thuật, nhất là đối với các căn nhà phố. Dưới đây là một số lỗi cần tránh khi xây dựng lối thoát hiểm cho nhà phố:

Nhà chỉ có 1 lối thoát hiểm

Thông thường nhà phố ở các thành phố đều chỉ có 1 mặt tiền và đây cũng là lối thoát hiểm của ngôi nhà. Trong trường hợp xảy ra cháy ở giữa nhà hoặc mặt sau thì việc mất điện cộng thêm khói bụi sẽ khiến mọi người khó tiếp cận được với đường ra. Còn nếu cháy ở mặt trước, người trong nhà sẽ không có đường ra.

loi-thoat-hiem-1740064266.webp
Gia chủ nên bố trí ít nhất 2 lối thoát hiểm cho nhà phố

KTS Phạm Thanh Truyền cho rằng, nhà phố nên bố trí ít nhất 2 lối thát hiểm sao cho phù hợp với cấu trúc của công trình. Hãy hình dung trước tình huống cháy có thể xảy ra để xác định lối thoát hiểm phù hợp. Tại các vị trí ở ban công các tầng, tầng mái, lối thông sang nhà hàng xóm… nên dự phòng trước lối thoát để đảm bảo việc thoát ra khỏi đám cháy một cách nhanh chóng, thuận tiện và an toàn.

Nhà phố thiếu lối thoát khói

KTS Phạm Thanh Truyền chia sẻ, trong rất nhiều vụ cháy, trước khi lửa tấn công, người dân đã bị chết ngạt vì khói. Đây là nguyên nhân của việc xây nhà phố bít bùng, thiếu hoặc không có lối thoát khói, khó lưu thông không khí. Khi xảy ra cháy, khí độc từ nhựa, gỗ, silicon thường không thể thoát ra ngoài, bao trùm cả căn nhà và dễ gây ngạt thở.

gieng-troi-2-1740064326.jpg
Nên thiết kế giếng trời và khoảng thông tầng đủ rộng cho nhà phố

Do đó, thay vì khai thác diện tích căn nhà một cách tối đa, các gia chủ nên làm khoảng nghỉ đủ rộng giữa các không gian, thiết kế thông tầng rộng để lấy sáng và hạn chế ngạt khí trong trường hợp xảy ra hỏa hoạn. Để giảm lượng khói độc hãy bố trí thêm giếng trời nếu diện tích của căn nhà đủ lớn.

Xây dựng không đảm bảo mật độ

Mật độ xây dựng nhà ở được quy định theo diện tích thửa đất, do đó, quá trình xây dựng cần đảm bảo tuân thủ đúng mật độ đã được phê duyệt. Bên cạnh đó hãy dành những khoảng trống hợp lý để PCCC. Tránh tình trạng lấn chiếm, cơi nới, xây dựng thêm sai quy định gây ảnh hưởng tới quá trình thoát hiểm khi xảy ra cháy nổ.

loi-thoat-hiem-3-1740064307.jpg
Gia chủ không nên lấn chiếm khu vực bố trí lối thoát hiểm cho nhà phố

Theo KTS Phạm Thanh Truyền, theo quy định công trình nhà ống sẽ có khoảng lùi sau là 2m. Đây là khoảng trống cần thiết cho việc cứu hộ cứu nạn khi xảy ra hỏa hoạn. Tuy nhiên, sau khi hoàn công, khu vực này thường bị nhiều gia đình lấn chiếm để xây hàng rào, cổng, khiến cho lối thoát hiểm không đảm bảo độ an toàn.

Lắp cửa có nhiều lớp

Đa số các gia đình thường lắp đặt cửa nhiều lớp cho mặt tiền, phòng ngủ để chống trộm. Ngoài ra ở các cửa này còn được các gia chủ sử dụng nhiều loại ổ khóa khác nhau. Đặc biệt, những gia đình kinh doanh ở tầng 1 thì số ổ khóa và lớp cửa chống trộm cũng được tăng lên.

Theo chia sẻ của KTS Phạm Thanh Truyền, khi xảy ra hỏa hoạn, nhiệt độ cao sẽ làm cho các lớp cửa và ổ khóa bị biến dạng. Lúc này, gia chủ thường mất bình tĩnh nên gặp nhiều khó khăn trong việc mở từng lớp cửa hoặc tìm kiếm chìa khóa.

cua-nhieu-lop-1740064348.png
Thiết kế cửa sổ nhiều lớp gây khó khăn cho quá trình thoát hiểm

KTS khuyên thay vì lắp đặt quá nhiều lớp cửa, nên chọn những mẫu cửa chất lượng cao. Ngoài ra nên hạn chế kiểu khóa mở bằng chìa và trang bị thêm dao cắt kính, búa để thoát hiểm dễ dàng, nhanh chóng hơn.

Đồng thời, các gia đình lắp đặt CB chống cháy từ tia lửa điện do đoản mạch, đồng thời tuân thủ nguyên tắc an toàn khi sử dụng đồ điện, điện tử, bếp ga nhằm góp phần giảm thiểu hỏa hoạn.