Ông Nguyễn Quang Huy, CEO khoa Tài chính - Ngân hàng, Trường đại học Nguyễn Trãi cho rằng, đề xuất rằng để khuyến khích doanh nghiệp xây dựng nhà thương mại giá rẻ, cần áp dụng mức hỗ trợ lãi suất chỉ 3 - 4%/năm. Điều này sẽ giúp giảm áp lực tài chính, từ đó hạ giá thành sản phẩm.
Nhận ưu đãi “đính kèm” cam kết
Tuy nhiên, để được hưởng ưu đãi này, doanh nghiệp phải cam kết mức giá bán không vượt quá 35 triệu đồng/m² tại Hà Nội và TP.HCM, và không quá 30 triệu đồng/m² tại các tỉnh khác. Các căn hộ nên có diện tích từ 35 - 60m², với tổng giá trị không vượt quá 2,5 tỷ đồng tại Hà Nội, TP.HCM và 1,5 tỷ đồng tại các địa phương khác.
“Theo đuổi chính sách này nhằm phát triển phân khúc nhà ở vừa túi tiền, thay vì tập trung vào các dự án cao cấp vốn không đáp ứng nhu cầu số đông. Qua đó, nguồn cung nhà ở phù hợp cho người trẻ cũng được mở rộng hơn”, ông Huy nhấn mạnh.
Đại diện một doanh nghiệp bất động sản thừa nhận rằng lãi suất cao là rào cản lớn khiến họ không mặn mà với phân khúc nhà ở thương mại giá rẻ và nhà ở xã hội. Theo đó, đơn vị này từng triển khai nhà ở xã hội nhưng phải đi vay ngân hàng với lãi suất 14%, ngang với lãi suất thương mại. ĐIều này khiến khó có thể giảm giá thành sản phẩm.
Theo đó, vị này đề xuất mức lãi suất cho vay với nhà ở xã hội và nhà thương mại giá rẻ nên dưới 5%/năm, đồng thời kéo dài thời gian hỗ trợ và đơn giản hóa thủ tục vay để doanh nghiệp có thể tiếp cận nguồn vốn dễ dàng hơn.

Trong khi đó, ông Nguyễn Quốc Hiệp, Chủ tịch Hiệp hội Nhà thầu Xây dựng Việt Nam, cho biết doanh nghiệp bất động sản hiện phụ thuộc vào bốn nguồn tài chính chính: huy động từ nhà đầu tư, phát hành trái phiếu doanh nghiệp, tín dụng ngân hàng và vốn chủ sở hữu. Trong đó, tín dụng vẫn là nguồn quan trọng nhất, nhưng do điều kiện vay khó khăn, dòng tiền vào thị trường còn hạn chế, dù ngân hàng đang thừa vốn.
Một số giải pháp như cho phép doanh nghiệp chuyển khoản vay giữa các ngân hàng cũng gặp nhiều vướng mắc trong thực tế. Do đó, ngoài việc hạ lãi suất, các ngân hàng cần nới lỏng điều kiện vay để doanh nghiệp và khách hàng dễ dàng tiếp cận vốn, tránh tình trạng "lãi suất giảm nhưng thủ tục lại quá chặt chẽ".
Trước đó, ông Lê Hoàng Châu, Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản TP.HCM (HoREA) cho biết, những vướng mắc pháp lý kéo dài khiến nhiều dự án bị đình trệ, mất 4-5 năm hoặc lâu hơn để hoàn thiện thủ tục. Điều này làm chi phí đội lên đáng kể, buộc chủ đầu tư phải tăng giá bán để bù đắp. Theo đó, các thủ tục hành chính phải được đơn giản hóa, giá nhà mới có thể giảm về mức phù hợp với người dân.
Bên cạnh đó, cần tạo điều kiện cho doanh nghiệp huy động vốn từ các nguồn hợp pháp như quỹ đầu tư, trái phiếu doanh nghiệp và hợp tác công tư, thay vì chỉ dựa vào tín dụng ngân hàng. Đồng thời, có chính sách hỗ trợ về thuế, phí và đất đai để khuyến khích phát triển các dự án nhà ở có mức giá hợp lý, phù hợp với nhu cầu đại đa số người dân.
Kinh nghiệm từ quốc tế
Mới đây, tại Tọa đàm quốc tế về nhà ở vừa túi tiền – kinh nghiệm ASEAN cho Việt Nam, TS. Đoàn Văn Bình, Phó Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản Việt Nam (VNREA), nhận định rằng thị trường bất động sản nhà ở tại Việt Nam hiện được chia thành ba phân khúc chính: hạng sang, cao cấp; trung cấp; và nhà ở giá rẻ.
Tuy nhiên, nguồn cung nhà ở hạng sang và cao cấp đang chiếm ưu thế, trong khi phân khúc trung cấp có xu hướng giảm, còn nhà ở giá rẻ gần như không có. Đặc biệt, trong giai đoạn 2021 - 2024, thị trường gần như không ghi nhận thêm nguồn cung mới thuộc phân khúc này. Do đó, nhu cầu về nhà ở vừa túi tiền là rất lớn, đây cũng là yếu tố quan trọng để thị trường bất động sản phát triển bền vững. Tuy nhiên, Việt Nam vẫn chưa có chiến lược hiệu quả để thúc đẩy phân khúc này.
Chia sẻ kinh nghiệm từ các quốc gia trong khu vực, ông Tan Kian Aun, Chủ tịch Viện Môi giới Bất động sản Malaysia (MIEA), cho biết nhiều nước cũng đang phải đối mặt với bài toán nhà ở, không riêng gì Việt Nam. Tại Malaysia, có hai loại hình nhà ở giá rẻ: nhà ở công do Chính phủ trực tiếp xây dựng và bán cho người dân, và nhà ở giá rẻ do các nhà đầu tư tư nhân phát triển.

Tại Singapore, ông Jeffery Foo, đồng sáng lập Viện Môi giới Bất động sản Singapore (IEA), cho biết Housing and Development Board (HDB) là cơ quan chịu trách nhiệm xây dựng, quản lý và phân phối các căn hộ giá rẻ mà không có sự tham gia của bên thứ ba trong quá trình mua bán.
Để hỗ trợ người có thu nhập thấp và trung bình, HDB cung cấp căn hộ cho thuê với giá thấp, đồng thời khuyến khích người thuê dần sở hữu chính căn hộ đó thông qua hình thức mua trả góp với điều khoản ưu đãi. Mục tiêu của chính sách này là giúp người dân có cơ hội sở hữu nhà thay vì chỉ đi thuê.
Tại Indonesia, ông Clement Francis, Chủ tịch Hiệp hội Môi giới Bất động sản Indonesia (AREBI), cho biết các doanh nghiệp trong nước cũng ưu tiên phát triển nhà ở cao cấp do lợi nhuận cao hơn. Để giải quyết tình trạng thiếu hụt nhà ở và hỗ trợ nhóm thu nhập thấp, Indonesia đã đặt mục tiêu xây dựng 3 triệu căn hộ giá rẻ mỗi năm, trong đó 2 triệu căn ở khu vực nông thôn và 1 triệu căn ở thành thị. Tuy nhiên, Indonesia cũng gặp thách thức lớn về quỹ đất.
Để giải quyết vấn đề này, Chính phủ Indonesia đã triển khai các biện pháp tận dụng quỹ đất thu hồi từ các vụ án hoặc những lô đất chưa được khai thác, đồng thời thực hiện chiến lược tài chính quy mô lớn nhằm hỗ trợ doanh nghiệp và người mua nhà thông qua các ngân hàng.
Những kinh nghiệm từ các quốc gia ASEAN cho thấy, việc phát triển nhà ở vừa túi tiền không chỉ dựa vào doanh nghiệp mà cần có sự hỗ trợ mạnh mẽ từ Chính phủ, từ chính sách tài chính, đất đai đến thủ tục pháp lý. Đây cũng chính là những giải pháp mà Việt Nam có thể tham khảo để thúc đẩy phân khúc nhà ở giá rẻ, đáp ứng nhu cầu của đại đa số người dân.