Vụ án bà Trương Mỹ Lan và đồng phạm khép lại sau phiên xét xử sơ thẩm. Nhiều thông tin liên quan các dự án, quan hệ hợp tác giữa bà Trương Mỹ Lan với cá nhân, doanh nghiệp lộ diện.
Theo bản án hình sự sơ thẩm vụ án, bà Trương Mỹ Lan đã sử dụng 147 triệu USD thông qua Công ty Viva Land để mua cổ phần của Công ty Amaland PTE tại Singapore.
Làm rõ bà Trương Mỹ Lan có dùng tiền SCB thông qua Viva Land mua dự án?
Amaland PTE chính là đơn vị sở hữu 100% vốn của Công ty TNHH Đô thị Sing Việt - chủ đầu tư dự án khu tái định cư - khu đô thị Sing Việt có quy mô 360ha ở huyện Bình Chánh, TP.HCM.
Bản án từ Tòa án nhân dân TP.HCM cho biết khu Sing Việt bao gồm hai dự án thành phần là Khu đô thị mới Sing - Việt và khu tái định cư khu đô thị mới Sing Việt.
Dự án đã được Bộ Kế hoạch và Đầu tư, UBND TP.HCM cấp giấy chứng nhận đầu tư, quyết định phê duyệt báo cáo đánh giá tác động môi trường; quyết định phê duyệt quy hoạch chi tiết tỉ lệ 1/2.000, một vài phân khu đã được phê duyệt tỉ lệ 1/500.
Về hiện trạng dự án, khu tái định cư đã được đền bù giải phóng mặt bằng, còn khu đô thị thì chưa đền bù xong. Cả hai phân khu đều chưa được cấp giấy phép xây dựng.
Đến ngày 5-4-2020, Amaland (bên bán) và Công ty cổ phần Đầu tư Singapore - Việt Nam (SVIC) đã ký hợp đồng chuyển nhượng phần vốn góp tại Công ty TNHH Đô thị Sing Việt với giá 170 triệu USD.
Bên mua đã thanh toán trước 16,5 triệu USD và hai lần mỗi lần chuyển 50 triệu đồng vào tài khoản tạm khóa cho Amaland.
Tuy nhiên, bà Trương Mỹ Lan cũng sử dụng 147 triệu USD thông qua Công ty Viva Land để mua cổ phần của Amaland. Amaland đã ủy quyền cho ba cá nhân do bà Trương Mỹ Lan chỉ định nắm giữ vốn góp tại Công ty TNHH Đô thị Sing Việt.
Do cả bà Lan lẫn chồng bà là ông Chu Lập Cơ đều bị khởi tố điều tra nên phía Amaland (Singapore) từ chối hoàn tất thủ tục chuyển cổ phần về cho Chu Duyệt Phấn - con gái bà Lan.
Bản án của tòa cũng đề cập SIVC đang khởi kiện Công ty Amaland và ông Dato Yap tại Tòa án nhân dân TP.HCM.
Theo Tòa án nhân dân TP.HCM, bà Lan đã sử dụng rất nhiều tiền của SCB để mua các bất động sản. Tuy nhiên, việc bà Lan có sử dụng nguồn tiền từ SCB thông qua Viva Land để mua cổ phần tại Amaland hay không chưa được làm rõ.
Do vậy, hội đồng xét xử đã đề nghị C03 tiếp tục điều tra để có căn cứ thu hồi số tiền này từ Amaland và bà Lan để khắc phục hậu quả vụ án.
Viva Land là ai?
Viva Land từng được ví như "đại gia" mới nổi trên thị trường bất động sản sau khi thâu tóm nhiều dự án "đất vàng" cả ở trong Nam lẫn ngoài Bắc.
Điển hình như cao ốc Saigon One Tower nằm ngay trên khu đất "vàng" quận 1 tại số 34 Tôn Đức Thắng nay đã về tay Viva Land và được đổi tên thành IFC One Saigon.
Thương vụ thâu tóm Capital Place của Viva Land cũng đình đám trên mặt báo một thời. Năm 2022, báo chí đưa tin rầm rộ việc Viva Land thông qua các đơn vị liên kết đã công bố chính thức sở hữu tòa nhà Capital Place (số 29 Liễu Giai, quận Ba Đình, Hà Nội).
Mới đây tòa nhà Capital Palace lại được nhắc đến nhiều hơn khi tại phiên tòa xét xử vụ án Vạn Thịnh Phát, bà Trương Mỹ Lan muốn rao bán tòa nhà Capital Palace với giá 1 tỉ USD để khắc phục hậu quả vụ án.
Theo thông tin từ hệ thống thông tin đăng ký kinh doanh doanh nghiệp quốc gia, Viva Land được thành lập từ tháng 5-2019.
Lúc mới đăng ký thành lập, doanh nghiệp có tên là Công ty cổ phần Cirius Power với vốn điều lệ 2.000 tỉ đồng do 3 cá nhân quốc tịch Việt Nam góp vốn.
Cụ thể, 3 cổ đông sáng lập bao gồm bà Nguyễn Thị Kim Khánh với 600 tỉ đồng, tương ứng 30% vốn; bà Dương Thị Hạnh góp 20% tương đương 400 tỉ đồng, còn bà Nguyễn Thị Ngọc Mai góp 25%, tức 500 tỉ đồng. Lúc này, bà Khánh nắm giữ vai trò tổng giám đốc. Đến năm 2020, Cirius Power đổi tên thành Công ty CP Đầu tư và Phát triển Viva Land như hiện tại.
Trong lần thay đổi đăng ký kinh doanh vào tháng 12-2021, vai trò người đại diện theo pháp luật và tổng giám đốc được chuyển từ bà Khánh sang ông Lim Boon Hwee (quốc tịch Singapore, sinh năm 1968). Cơ cấu cổ đông có thay đổi hay không không được tiết lộ.
Đến tháng 9-2022, Viva Land rời trụ sở chính từ số 2 Tôn Đức Thắng, quận 1 sang 69 Đồng Khởi, quận 1, TP.HCM.
3 tháng sau, người đại diện theo pháp luật và tổng giám đốc công ty tiếp tục chuyển từ ông Lim Boon Hwee sang ông Trương Quang Mười. Còn chủ tịch Viva Land là ông Chen Lian Pang - một người được biết đến với vai trò cựu lãnh đạo CapitaLand.
Theo Bình Khánh (Tuổi Trẻ)