Đánh thuế tiền gửi tiết kiệm: Tính từ mức nào thì hợp lý?

Liên quan đến đề xuất đánh thuế tiền gửi tiết kiệm, luật sư Trương Thanh Đức, Giám đốc Công ty Luật ANV, cho rằng, dù gửi tiền là một hình thức an toàn, nhưng về bản chất, nó vẫn là một kênh đầu tư. Theo đó, nếu khoản lãi từ tiền gửi của cá nhân vượt quá 200 triệu đồng mỗi năm, thì cần xem xét đưa vào diện chịu thuế.

Góp ý cho dự thảo dự án Luật Thuế Thu nhập cá nhân (thay thế) của Bộ Tài chính, UBND TP Cần Thơ cho rằng, cần nghiên cứu và mở rộng đối tượng chịu thuế. Cụ thể, Cần Thơ đề xuất chỉ miễn thuế thu nhập cá nhân (TNCN) đối với lãi từ các khoản tiết kiệm nhỏ, còn các khoản tiền gửi lớn sẽ phải chịu thuế. Đề xuất này hiện đang nhận được sự chú ý không chỉ từ các chuyên gia, nhà làm luật mà còn từ dư luận xã hội.

Lo mất cân đối nguồn vốn

Bình luận về vấn đề này, PGS.TS. Đinh Trọng Thịnh, giảng viên cao cấp tại Học viện Tài chính cho biết, đề xuất của UBND TP Cần Thơ không mới. Hơn 10 năm trước, đã từng có những ý kiến đề xuất thu thuế đối với lãi tiền gửi tiết kiệm của cá nhân, nhưng sau đó đề xuất này đã bị bác bỏ. Tuy nhiên, ngay cả ở thời điểm hiện tại, vẫn có nhiều lý do để phản đối việc đánh thuế TNCN đối với khoản lãi từ tiền gửi tiết kiệm.

Đầu tiên, lãi suất tiền gửi ngân hàng hiện nay rất thấp. Ví dụ, nếu gửi 100 triệu đồng, mỗi năm người gửi chỉ nhận được khoảng 6 triệu đồng tiền lãi. Với mức lãi suất như vậy, thuế thu được từ tiền lãi không đáng kể mà còn ảnh hưởng đến việc huy động vốn của ngân hàng. Thứ hai, trước khi gửi tiền vào ngân hàng, người dân đã hoàn thành nghĩa vụ thuế với Nhà nước.

dinh-trong-thinh-1739988995.jpg

PGS.TS. Đinh Trọng Thịnh, giảng viên cao cấp tại Học viện Tài chính, cho biết đề xuất của UBND TP Cần Thơ không mới

Nếu tính đến yếu tố lạm phát, thực tế, số tiền lãi nhận được không còn nhiều, khiến việc đánh thuế trở nên không hợp lý. Cụ thể, lạm phát đang ở mức khoảng 4%, lãi suất tiết kiệm dài hạn chỉ đạt khoảng 6% mỗi năm, khiến lãi thực tế mà người gửi nhận được chỉ khoảng 2%. Chưa kể, phần lớn người gửi tiền vào ngân hàng là những người lớn tuổi hoặc đã nghỉ hưu, họ gửi tiền để có khoản dự phòng cho tương lai.

Đồng quan điểm, Phó Tổng Giám đốc một ngân hàng quốc doanh cho biết, ngân hàng rất cần huy động tiền gửi từ người dân để có nguồn lực phục vụ cho vay và đầu tư vào nền kinh tế. Hiện nay, tiền gửi của khách hàng cá nhân chiếm tỷ trọng rất lớn trong tổng nguồn vốn của các ngân hàng, có thể lên đến 70-80%, thậm chí 90%.

Việc áp thuế lên lãi tiền gửi sẽ ảnh hưởng đến nguồn vốn này, gây khó khăn cho ngân hàng trong việc huy động vốn nhằm thực hiện các mục tiêu chung của nền kinh tế. Từ góc độ của người gửi tiền, họ chọn gửi tiết kiệm vào ngân hàng vì đây là một kênh đầu tư an toàn, chứ không phải kênh sinh lời cao nhất.

Một lo ngại nữa là nếu thu thuế tiền gửi, tiền có thể chảy sang các kênh đầu tư khác như vàng hay bất động sản. Khi đó, các ngân hàng sẽ phải cạnh tranh nhau để huy động tiền gửi, dẫn đến việc tăng lãi suất huy động, và cuối cùng, lãi suất cho vay cũng sẽ tăng.

gui-tiet-kiem-1739988995.jpg

Việc áp thuế lên lãi tiền gửi sẽ ảnh hưởng đến nguồn vốn này, gây khó khăn cho ngân hàng trong việc huy động vốn

Thực tế, trong những năm gần đây, tốc độ tăng trưởng huy động vốn của các ngân hàng luôn thấp hơn so với tốc độ cho vay. Cụ thể, vào năm 2024, tổng dư nợ cho vay của các ngân hàng đạt 15,6 triệu tỷ đồng, tăng hơn 2,1 triệu tỷ đồng (tương đương 15,08%), trong khi vốn huy động chỉ đạt gần 14,7 triệu tỷ đồng, tăng 1,2 triệu tỷ đồng (9,06%).

Từ đầu năm 2025, Ngân hàng Nhà nước đã đặt mục tiêu tăng trưởng tín dụng năm nay ở mức 16%, tương đương với khoảng 2,5 triệu tỷ đồng tín dụng được đưa ra thị trường, điều này đồng nghĩa với việc các ngân hàng sẽ phải huy động thêm vốn để đáp ứng nhu cầu cho vay.

Bản chất tiết kiệm vẫn là kênh đầu tư

Đưa ra góc nhìn khác, luật sư Trương Thanh Đức, Giám đốc Công ty Luật ANVI cho rằng, đối với những người gửi tiết kiệm chỉ vài chục triệu đồng, hoặc thậm chí vài tỷ đồng, số lãi nhận được vẫn không phải là quá lớn. Tuy nhiên, nếu một người gửi tiền vào ngân hàng với số tiền lên đến hàng chục tỷ đồng, thì đó không còn chỉ là tiết kiệm đơn thuần mà là một hình thức đầu tư, vì vậy, cần phải chịu thuế.

Theo ông Đức, nếu khoản lãi từ tiền gửi tiết kiệm của một cá nhân gấp đôi mức thu nhập chịu thuế hiện tại, thì đây là một khoản thu nhập lớn và cần phải nộp thuế. Theo đó, nếu lãi từ tiền gửi tiết kiệm của một cá nhân trên 200 triệu đồng mỗi năm, thì khoản lãi này cần được xem xét để tính thuế. Ví dụ, nếu lãi suất gửi tiết kiệm là khoảng 7% mỗi năm, để có 200 triệu đồng lãi, người gửi tiền sẽ cần có ít nhất 3 tỷ đồng trong ngân hàng.

truong-thanh-duc-1739988995.jpeg

Luật sư Trương Thanh Đức, Giám đốc Công ty Luật ANVI cho rằng, nếu một người gửi tiền vào ngân hàng với số tiền lên đến hàng chục tỷ đồng, thì đó không còn chỉ là tiết kiệm đơn thuần mà là một hình thức đầu tư

Tương tự, TS. Nguyễn Ngọc Tú, chuyên gia thuế, giảng viên Trường Đại học Kinh doanh và Công nghệ Hà Nội nhận định, về lý thuyết, tiền gửi tiết kiệm là một hình thức đầu tư, việc áp thuế đối với lãi từ các khoản gửi tiền là điều bình thường. Tuy nhiên, trong bối cảnh thực tế của Việt Nam hiện nay, việc này không nên thực hiện vì có thể gây ra nhiều vấn đề tiêu cực hơn lợi ích.

Ông Tú giải thích, ở các nước phát triển, tiền gửi tiết kiệm thường được áp thuế vì mức thu nhập của người dân cao, hệ thống an sinh xã hội tốt, giúp đảm bảo cuộc sống cho họ. Thêm vào đó, lãi suất của đồng nội tệ ở các quốc gia này cũng ổn định, luôn duy trì ở mức thực dương.

Còn ở các quốc gia đang phát triển, một số nước có áp dụng thuế với tiền lãi tiết kiệm, nhưng cũng có những nước không làm như vậy. Vì thế, khi tham khảo kinh nghiệm quốc tế, cần phải lựa chọn các quốc gia có tình hình kinh tế và xã hội tương đồng để đưa ra quyết định phù hợp.

Ông Nguyễn Đức Nghĩa, Giám đốc Trung tâm hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa thuộc Hội Doanh nhân TP.HCM phân tích, tiết kiệm có thể chia thành hai loại: một là tiết kiệm của người lao động để đảm bảo cuộc sống, hai là gửi tiết kiệm như một hình thức đầu tư với mục tiêu hưởng lãi cao.

ong-nguyen-duc-nghia-1739989297.jpg

Ông Nguyễn Đức Nghĩa, Giám đốc Trung tâm hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa thuộc Hội Doanh nhân TP.HCM cho rằng, nếu đưa thu nhập từ lãi tiết kiệm vào diện chịu thuế, cần phải cân nhắc kỹ lưỡng về mức thu nhập và xây dựng biểu thuế lũy tiến sao cho hợp lý

Đối với nhóm người gửi tiết kiệm dưới dạng đầu tư, ông Nghĩa cho rằng, cần điều tiết thuế một cách hợp lý để đảm bảo sự công bằng xã hội, đồng thời góp phần tăng thu ngân sách và hướng dòng tiền vào các hoạt động sản xuất, kinh doanh. Việt Nam hiện có mức lãi suất cao hơn nhiều quốc gia khác, vì vậy một số người đã lựa chọn gửi tiết kiệm để tận dụng lợi thế này.

Tuy nhiên, ông Nghĩa cũng lưu ý, nếu đưa thu nhập từ lãi tiết kiệm vào diện chịu thuế, cần phải cân nhắc kỹ lưỡng về mức tiền cụ thể và xây dựng biểu thuế lũy tiến sao cho hợp lý, nhằm đảm bảo mục tiêu đề ra. Dù vậy, một số chuyên gia trước đó cũng bày tỏ lo ngại,nếu áp thuế lãi tiết kiệm, người gửi có thể chia nhỏ các khoản tiền để "lách" thuế, điều này cần phải được xem xét cẩn thận để tránh những kẽ hở trong luật.

Ngoài ra, bà Trần Thị Cẩm Hồng, Giám đốc Công ty TNHH Dịch vụ tư vấn thuế VIFATAX, cho biết thêm, đề xuất của UBND TP Cần Thơ sẽ đánh thuế lãi từ tiền gửi tiết kiệm lớn, nhưng bà băn khoăn về việc xác định đâu là "gửi tiết kiệm lớn hay nhỏ". Hiện, một số ngân hàng hiện có lãi suất cao cho các khoản gửi từ hàng chục đến hàng trăm tỷ đồng, nhưng rất khó phân biệt giữa gửi tiền để đầu tư hay chỉ để trang trải cuộc sống. Nếu cá nhân gửi tiền để chuẩn bị đầu tư, việc đánh thuế lãi là không hợp lý và có thể gây phản ứng tiêu cực.