Hà Nội: Giải "cơn khát" nhà ở cho công nhân tại các khu công nghiệp

Theo kế hoạch vừa mới ban hành của UBND TP Hà Nội, đến năm 2030 sẽ phát triển nhà ở xã hội mới khoảng 2,5 triệu m2 sàn, đầu tư xây dựng 1 đến 2 khu độc lập và 100% các khu công nghiệp, khu chế xuất của thành phố có nhà ở xã hội.

UBND TP Hà Nội vừa ban hành Kế hoạch thực hiện Chương trình hành động "Tiếp tục đổi mới, nâng cao chất lượng chính sách xã hội, đáp ứng yêu cầu sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc trong giai đoạn mới".

Theo đó, UBND TP Hà Nội đặt chỉ tiêu đến năm 2030, diện tích nhà ở bình quân đầu người toàn thành phố đạt khoảng 32m2 sàn/người; phát triển nhà ở xã hội (NOXH) mới khoảng 2,5 triệu m2 sàn nhà, đầu tư xây dựng 1-2 khu nhà ở xã hội độc lập, 100% các khu công nghiệp, khu chế xuất của trên địa bàn có NOXH.

Thực tế, với sự phát triển nhanh chóng trong nhiều năm qua, Hà Nội đã thu hút một lượng lớn lao động từ nhiều địa phương đến sinh sống và làm việc, kéo theo nhu cầu nhà ở ngày càng lớn, nhất là những khu vực gần các cụm, khu công nghiệp.

nha-o-cong-nhan-1718710564.png

Khu nhà ở công nhân tại Khu công nghiệp Bắc Thăng Long, xã Kim Chung, huyện Đông Anh

Hiện, Hà Nội đã và đang phát triển 17 khu công nghiệp, khu chế xuất và khu công nghiệp cao với tổng diện tích gần 3.500 ha. Trong đó, 9 khu công nghiệp, khu chế xuất có tổng diện tích 1.264 ha, đang hoạt động ổn định với khoảng 162.000 lao động, phần lớn là người ngoại tỉnh.

Theo Chủ tịch Liên đoàn Lao động TP Hà Nội Phạm Quang Thanh, hiện thành phố có trên 70% công nhân đang phải thuê nhà trọ ở các khu dân cư, đa phần có diện tích chật hẹp, an ninh trật tự và vệ sinh môi trường chưa đảm bảo, gây khó khăn cho đời sống của người lao động.

Ông Trần Anh Tuấn – Phó Ban Quản lý các Khu công nghiệp và chế xuất Hà Nội, toàn thành phố mới có 3 khu công nghiệp là Thạch Thất – Quốc Oai, Bắc Thăng Long và Phú Nghĩa là có nhà ở cho công nhân. Tuy nhiên, tại những khu nhà ở này, hệ thống hạ tầng xã hội như khu thể thao, vui chơi giải trí, trường mẫu giáo… cho con em công nhân còn quá thiếu.

Thực tế, tại Khu công nghiệp Bắc Thăng Long (xã Kim Chung, Đông Anh) dù có thể đáp ứng khoảng 12.000 chỗ ở cho công nhân nhưng vẫn có khá nhiều công nhân thuê trọ. Nguyên nhân là do lượng nhà ở không đáp ứng đủ, hoặc cơ sở vật chất xuống cấp sau thời gian dài sử dụng.

Chia sẻ thêm về “nơi ăn, chốn ở” của công nhân, người lao động, bà Nguyễn Thị Tám - Phó Chủ tịch UBND huyện Đông Anh cho biết, hiện có hơn 4.000 doanh nghiệp đang hoạt động tại các khu công nghiệp trên địa bàn huyện. Trong đó, có gần 22.500 công nhân đang thuê trọ, riêng xã Kim Chung có khoảng 800 nhà dân có nhà cho thuê trọ và rải rác ở các xã lân cận như Kim Nỗ, Đại Mạch, Võng La, Hải Bối…

nha-tro-cong-nhan-1718710742.jpg

70% công nhân tại Hà Nội vẫn đang thuê trọ gần các khu công nghiệp, khu chế xuất

Từ những công tác kiểm tra thực tiễn cho thấy, việc ăn ở, sinh hoạt của người lao động tại các khu trọ còn chưa đảm bảo. Đa số người lao động sinh hoạt trong điều kiện khó khăn, không có không gian để nghỉ ngơi, tái tạo sức lao động.

Theo ông Nguyễn Minh Tuấn, Chủ tịch công đoàn Công ty CP Xích líp Đông Anh (Hà Nội), với thu nhập khoảng 6-9 triệu đồng mỗi tháng của công nhân di cư, mua nhà ở là việc rất khó khăn, thậm chí phải mất đến vài chục năm tích lũy. Theo đó, việc phát triển nhà ở, phúc lợi cho công nhân lao động luôn là nhu cầu bức thiết.

Đầu năm 2024, Hà Nội “lọt” danh sách những địa phương “chậm chân” trong việc phát triển NOXH, nhà ở cho công nhân. So với mục tiêu đến năm 2025, Hà Nội mới chỉ đạt được 9%, tương đương 1.700 căn hộ.

Tại một cuộc họp vào cuối tháng 5, ông Trần Sỹ Thanh - Chủ tịch UBND TP Hà Nội đã yêu cầu các sở ngành phải cam kết khởi công ít nhất một dự án NOXH trước ngày 1/10/2024 với chất lượng tốt nhất, người thu nhập trên trung bình cũng mua được nhà.

“NOXH có ý nghĩa nhân văn rất lớn trong việc giúp đỡ các gia đình có thu nhập thấp, đặc biệt là những công nhân, lao động tại các khu công nghiệp và người có hoàn cảnh khó khăn có được một căn nhà ổn định để sinh sống”, chủ tịch Trần Sỹ Thanh nhấn mạnh.