Đổ xô đi học livestream bán hàng: Kẻ khóc, người cười

Nhiều người đã “mạnh tay” chi tiền để tham gia các lớp học livestream (phát trực tiếp) để tăng doanh số bán hàng. Tuy nhiên, không phải ai cũng thu được kết quả như mong muốn.

Chi tiền “mạnh tay” học livestream bán hàng

Gần 1 tháng nay, cứ sau giờ tan làm, chị Nguyễn Quỳnh Anh (26 tuổi, TP Hồ Chí Minh) đều đến lớp học livestream ở quận 3, TP Hồ Chí Minh. Hiện tại, Quỳnh Anh là một nhân viên bán hàng có mức thu nhập tương đối ổn định nhưng cô vẫn muốn học thêm kỹ năng livestream với mong muốn có thể tự đứng ra làm chủ công việc kinh doanh của mình. 

Lớp học livestream của Quỳnh Anh có 12 người ở nhiều độ tuổi khác nhau nhưng có chung mục đích là cải thiện kỹ năng nói trước ống kính, nhằm thu hút khách hàng tiềm năng và nâng cao tỷ lệ bán hàng. Hôm nay là một buổi học thực hành, Quỳnh Anh được giảng viên chỉnh khẩu hình miệng và hướng dẫn cách giữ lượng hơi đẩy lên từ khoang bụng, bí quyết để không bị mất sức khi nói nhiều. “Mình bị nói ngọng chữ “n” và “l” nên khi lên sóng trực tiếp mình rất tự ti, cô giáo phải giúp mình chỉnh khẩu hình miệng để phát âm được chuẩn nhất”, cô nói.

Lớp học livestream của Quỳnh Anh có mức học phí trọn gói là 10 triệu đồng cho 15 buổi học. Với mức lương cứng 8 triệu đồng/tháng từ công việc bán áo quần tại trung tâm thương mại, quyết định chi tiền tham gia lớp học livestream bán hàng khiến cô phải đắn đo suy nghĩ rất nhiều. Nhưng vì muốn có thêm nguồn thu nhập và làm chủ được công việc nên cô chấp nhận chi tiền đi học.

“Khi đi học, tôi mới nhận ra rằng lượng hàng “bùng nổ” mỗi phiên live là tổng hợp rất nhiều kỹ năng từ người bán, không phải ai cũng làm được. Những kỹ năng này phải bỏ tiền ra học mới có được.

anh-1-1710917272.jpg
Nhiều người người trẻ chi tiền để tham gia các lớp học livestream bán hàng trực tuyến

Trong lớp học của Quỳnh Anh có Tiến Minh (24 tuổi, Bình Dương) là một MC tự do, thường xuyên đi dẫn tại các sự kiện lớn ở TP Hồ Chí Minh. Vốn là người giỏi ăn nói nhưng cậu cũng gặp nhiều khó khăn khi chuyển sang làm livestream bán hàng. “Khi livestream, mình phải chuyển sang cách nói chuyện thân mật, đời thường, cố gắng kể những câu chuyện thú vị để thu hút nhiều người xem”, cậu nói.

Tiến Minh mất 2 tuần để học cách trò chuyện trên các phiên livestream. Một nguyên tắc mà cậu thường xuyên áp dụng trong mỗi phiên live là phải thường xuyên trò chuyện, tương tác với từng bình luận của người xem. Đây là cách để cậu giữ chân khách hàng đến cuối phiên live. Người bán phải duy trì năng lượng của mình đến cuối phiên live vì đây là khoảng thời gian vàng để chốt đơn gia tăng doanh số.

Những lớp học “chiêu trò”

Bên cạnh những lớp học dạy kỹ năng livestream bài bản, một số lớp học “chiêu trò” xuất hiện tràn lan trên mạng xã hội, khiến nhiều người sa vào đó mất tiền nhưng không học được kỹ năng bán hàng gì nổi trội. Những clip quảng cáo cho các lớp học dạy livestream bán hàng, hứa hẹn đào tạo livestream bán hàng từ A đến Z, kiếm tiền bùng nổ, x10 doanh số”, xuất hiện dày đặc trên các trang mạng xã hội, thu hút nhiều lượt bình luận và tương tác. Thế nhưng, hầu hết các clip quảng cáo này đều bị dàn dựng. Các đối tượng đã bỏ tiền để mua lượt tương tác ảo để thu hút sự quan tâm của những người học “nhẹ dạ cả tin”.

Câu chuyện của Thanh Huyền (22 tuổi, Hà Nội) là một ví dụ. Cô sở hữu một kênh TikTok có thể gắn được sản phẩm nên muốn học cách livestream để kiếm thêm thu nhập. Thông qua mạng xã hội, cô đã liên hệ và tham gia một khóa đào tạo bán hàng trực tuyến ngắn hạn, tuy nhiên kết quả lại không được như cô mong muốn.

“Mình học đúng 5 buổi, mỗi buổi kéo dài 3 tiếng. Vì khoá học rất đông học viên, lại còn học trực tuyến nên người dạy rất nhanh, chủ yếu là hướng dẫn cách nói chuyện như thế nào để chốt đơn hàng ”, Huyền nói.

Sau khi kết thúc khóa học bán hàng trực tuyến, Thanh Huyền cảm thấy mọi thứ cô tiếp nhận được đều rất mông lung và mờ hồ. “Mình không rõ người dạy là ai, có trình độ gì, tài liệu sau khóa học cũng không có. Người dạy lúc nào cũng bảo mình cố gắng thực hành nhiều để nhớ. Nhưng sau đó, mình lại quên sạch”, cô kể. 

untitled-1-1710917469.jpg
Những đoạn clip quảng cáo các lớp học dạy livestream “chiêu trò” xuất hiện tràn lan trên mạng xã hội

Đồng cảnh ngộ, chị Nguyễn Thị Hiền (38 tuổi, Quảng Bình) chi 5 triệu đồng để tham gia khóa học dạy bán hàng trực tuyến thông qua một clip quảng cáo trên mạng xã hội. “Tôi thấy bài đăng quảng cáo khoá học có lượt thích và chia sẻ, cùng với nhiều bình luận khen ngợi nên nghĩ rằng lớp học uy tín. Tuy nhiên, vào học thì mới thấy phí tiền”, chị nói.

Khóa học dạy bán hàng trực tuyến của chị Hiền chỉ diễn ra trong 1 buổi duy nhất. Sau đó, người dạy sẽ cho tài liệu về tự học, không dạy trực tiếp 1:1 như cam kết. Để lấy niềm tin của chị, các đối tượng còn hứa hẹn trả lại học phí nếu chị cảm thấy học không hiệu quả hoặc không bán được hàng. Tuy nhiên, đây chỉ là cam kết bằng miệng, chị không thể đòi lại được số tiền đã đóng.
“Sau lần đó, tôi nhận ra rằng đa số các khóa học dạy livestream bán hàng đều sử dụng mánh khóe. Họ mua lượt tương tác để tạo dựng uy tín cho những người đang có nhu cầu tìm học. Người học vừa mất tiền vừa không thu được kết quả gì”, chị Hiền nói.