Gần 156.000 máy tính bị tấn công bởi ransomware, 60% doanh nghiệp Việt không đủ trang bị bảo mật

avatar
Theo thống kê của Bkav, đã có 155.640 máy tính bị tấn công bởi ransomware. Tại Việt Nam, thiệt hại do mã độc này gây ra lên tới hàng chục nghìn tỷ đồng. Nguy hiểm hơn, các loại virus gián điệp APT và ransomware đang ẩn mình trong rất nhiều hệ thống ở Việt Nam và âm thầm lây lan gây hại, sẽ tấn công vào thời điểm thích hợp trong thời gian tới gây ra những hậu quả khôn lường.

Trong bản tin bảo mật mới được phát hành của công ty an ninh mạng BKAV đã đề cập tới những vấn đề quan trọng đối với nhiều doanh nghiệp, tổ chức và cá nhân, đặt trong bối cảnh sự hoành hành của các loại virus, bao gồm mã độc tống tiền (ransomware) đang thực sự trở thành “cơn ác mộng”, kể từ năm 2024 đến nay.

Các chuyên gia bảo mật cho biết, chỉ riêng tại Việt Nam, thiệt hại do sự tàn phá của những loại virus mạng đã lên tới hàng chục tỷ đồng, bao gồm tiền trả cho hacker để chuộc dữ liệu, doanh thu sụt giảm trực tiếp vì hệ thống ngừng trệ, thiệt hại do mất khách hàng, ảnh hưởng tới giá trị thương hiệu….

Sự thiệt hại là vô cùng năng nề, có doanh nghiệp thậm chí đã mất hơn 100 tỷ đồng chỉ trong ngày đầu tiên bị tấn công mã hóa dữ liệu. Một doanh nghiệp khác cũng đã bị thiệt hại tới 800 tỷ đồng sau một đợt bị tấn công bằng ransomware. Tính chung trên toàn cầu, năm 2024, thiệt hại do ransomware gây ra rơi vào khoảng 9,5 nghìn tỷ USD.

ransomw-1742974994.webp
Có doanh nghiệp tại Việt Nam đã mất tới 800 tỷ đồng sau một đợt bị tấn công bằng mã độc tống tiền.

Mặc dù vậy, những con số thống kê được chỉ là “phần nổi của tảng băng chìm”. Dựa trên những báo cáo và yêu cầu trợ giúp từ các tổ chức, cá nhân, doanh nghiệp gửi tới BKAV trong những năm gần đây cho thấy, hoạt động của virus ngày càng nguy hiểm và tinh vi. Tội phạm mạng ngày càng được tổ chức rõ ràng, bài bản. Các loại virus, mã độc nhắm vào các doanh nghiệp ngày càng nhiều hơn với mục tiêu là các khoản tiền chuộc khổng lồ. Trong đó, virus tấn công có chủ đích (APT – Advanced Persistent Threat) đang âm thầm lây lan, nằm vùng trong các cơ quan, tổ chức nhằm đánh cắp thông tin tình báo.

Ông Nguyễn Đình Thủy, Trưởng phòng nghiên cứu mã độc của BKAV nhấn mạnh: “Mỗi ngày, có hàng triệu mẫu virus mới xuất hiện và những thiệt hại do mã độc gây ra rất khủng khiếp. Nhưng có một thực tế đáng buồn là ở Việt Nam, có tới 60% doanh nghiệp không được trang bị đầy đủ các giải pháp bảo mật đủ mạnh”.

Mặc dù Thủ tướng Chính phủ đã có Chỉ thị tăng cường bảo đảm an ninh hệ thống thông tin, tuy nhiên thực tế là hầu hết các nạn nhân là cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp mà đơn vị này đã tham gia ứng cứu khi bị tấn công mạng đều có tình trạng không cài phần mềm diệt virus hoặc sử dụng phần mềm ngoại mà không có sự hỗ trợ sát sao của chuyên gia. Nhiều doanh nghiệp chỉ dựa vào tính năng diệt virus sẵn có của hệ điều hành vồn chỉ ở mức căn bản, không đủ khả năng để bảo vệ người dùng khỏi các loại virus ngày càng tinh vi và phức tạp.

ransowmare-1742974926.png
60% doanh nghiệp Việt chưa được trang bị đủ giải pháp bảo mật để có thể tự bảo vệ mình trước các nguy cơ bị tấn công bằng ransomware.

Nguy hiểm hơn, theo các chuyên gia của BKAV, việc virus gián điệp APT và virus ransomware vẫn đang tiếp tục ẩn mình trong rất nhiều hệ thống ở Việt Nam, chúng sẽ âm thầm lây lan và gây hại, đến một thời điểm thích hợp sẽ tấn công vào hệ thống công nghệ thông tin của nạn nhân, gây ra những hậu quả khôn lường. Vì vậy, các cơ quan, tổ chức và doanh nghiệp Việt cần nâng cao nhận thức về an ninh mạng, áp dụng các biện pháp phòng ngừa virus máy tính theo cách chuyên nghiệp….